“Đen” và “đỏ” trên sàn chứng khoán

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Bảng giá thị trường chứng khoán có màu đỏ mà không có màu đen. Nhưng nếu nhà đầu tư nào tham gia thị trường chứng khoán theo tinh thần đỏ - đen thì hậu quả thường là trắng tay…
Nếu nhà đầu tư nào tham gia thị trường chứng khoán theo tinh thần đỏ - đen thì hậu quả thường là trắng tay…
Nếu nhà đầu tư nào tham gia thị trường chứng khoán theo tinh thần đỏ - đen thì hậu quả thường là trắng tay…

Đầu tư vào đâu cũng vậy, đều có xác suất rủi ro nhất định. Sau cú “ra đòn” bán gần 75 triệu cổ phiếu FLC phạm luật với giá đỉnh của ông Trịnh Văn Quyết rồi từ đó cổ phiếu này tụt dốc không phanh cùng với những mã liên quan lại cho thấy một cách nhìn về sự may, rủi. Hàng chục ngàn nhà đầu tư mua cổ phiếu của ông Quyết đương nhiên thiệt hại nặng nề và có thể họ tự an ủi mình đen.

Ông Quyết phạm luật hay bất cứ ai cũng vậy đương nhiên sẽ bị trừng phạt. Trước mắt, kết quả giao dịch cổ phiếu của ông Quyết đã bị hủy bỏ.

Theo số liệu chính thức từ Sở GDCK Tp.HCM (HOSE), đối ứng với giao dịch 74,8 triệu cổ phiếu FLC do ông Quyết bán có tới hơn 20 nghìn tài khoản của nhà dầu tư cá nhân. Điều đó cho thấy, rất đông các nhà đầu tư cá nhân đã “đu bám” vào cuộc chơi “đỏ -đen” ở cổ phiếu này.

Tuy nhiên, trong hơn 20 nghìn tài khoản giao dịch FLC hôm đó vẫn có không ít người “đỏ”, đó là những người được pháp luật bảo về bằng quyết định hủy giao dịch bán của ông Quyết. Trong tổng khối lượng khớp lệnh cổ phiếu FLC ngày 10/1/2022 lên tới 134,9 triệu cổ phiếu, cao nhất từ trước đến nay nên những tài khoản đã mua hơn 60 triệu cổ phiếu FLC hôm đó không được hủy, có thể coi là “đen”. Mức độ “đen đủi” có thể ước tính bằng con số lỗ tính đến ngày 20/1/2022 là gần 43%. Phần “đỏ” khác là những người đã xả FLC thành công cùng ngày.

Vận “đen” còn đến và đeo bám những nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu FLC hoặc các mã cùng hệ sinh thái, thậm chí cả những mã đầu cơ tương tự.

Lịch sử 20 năm thị trường chứng khoán Việt Nam đã chứng minh, những nhà đầu tư thành công là những người không phó mặc tài khoản của mình cho sự “đỏ -đen” hay đu bám theo những con sóng. Họ dửng dưng trước sự hô hào của các hội nhóm, có quyết định của riêng. Các công ty chứng khoán uy tín cũng như nhân viên môi giới của họ không cung cấp margin (cho vay tiền) hay tư vấn cho nhà đầu tư mua các cổ phiếu đầu cơ vì độ rủi ro cao.

Theo ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup, nếu phải cảnh báo hoặc phải làm điều gì đấy tốt cho thị trường, nhà đầu tư nên cẩn trọng với cổ phiếu nhỏ, muốn kiếm tiền phải biết điểm dừng, cẩn trọng với lời hô hào trên mạng, tự mình ra quyết định. “Nếu cứ mua cổ phiếu penny, cổ phiếu đội lái, sẽ đến lúc dẫm đạp lên nhau cả thôi, ai tỉnh táo biết điểm dừng rồi chuyển thì sẽ thành công", Chủ tịch FiinGroup nhấn mạnh.

Sự việc của ông Trịnh Văn Quyết là "chưa có tiền lệ trên thị trường chứng khoán Việt Nam”, vì vậy cũng ảnh hưởng ít nhiều đến thị trường trong mấy ngày qua. Khi nhà đầu tư lớn bán một lượng cổ phiếu để thu lợi nhuận, nếu như đúng giai đoạn phân phối đỉnh, tất nhiên cũng ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán. Đó là điều dễ hiểu.

Thị trường chứng khoán phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như: lạm phát, tình hình chính trị, dịch bệnh, hoạt động ổn định của từng doanh nghiệp... Dù đó là các yếu tố phần nào có thể định lượng được, có thể phân tích và dự báo, nhưng vẫn còn rất nhiều rủi ro bất ngờ. Cuộc chơi đầu cơ cổ phiếu thậm chí còn khó đoán hơn vì phụ thuộc hoàn toàn vào tâm lý con người, vào dòng tiền cũng như cạm bẫy của đội lái. Đầu tư trên thị trường chứng khoán khác đánh bạc ở chỗ có quyền lựa chọn chấp nhận rủi ro dựa trên đánh giá rủi ro của bản thân. Thế nhưng không ít người tham gia thị trường chứng khoán với tâm thế của một “tay chơi đỏ đen” dưới danh nghĩa một nhà đầu tư.

khi tham gia vào thị trường chứng khoán, trở thành một nhà đầu tư thì cần phải hiểu biết về thị trường, quy luật hoạt động của thị trường… để cùng đấu trí, đấu lực mới dành phần thắng về mình. Tuyệt đối không nên dựa vào yếu tố “đỏ- đen” vì sự “đỏ - đen” không phải là bản chất của thị trường chứng khoán.

Đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp cần nhiều kỹ năng chuyên nghiệp chứ không thể dựa vào may rủi. Chẳng hạn rất nhiều nhà đầu tư thắng liên tiếp nhiều giao dịch ở cùng một cổ phiếu, để rồi say đòn đánh gấp thếp một lần cuối, lại mắc kẹt đúng đỉnh. Lợi nhuận của toàn bộ các giao dịch trước đó không chỉ bốc hơi, mà có thể còn cụt vốn. Đó là hệ quả của kiểu đầu tư đánh bạc tất tay, thay vì hiểu cách thức quản trị danh mục, quản trị rủi ro một cách cơ bản.

Xin nhắc lại câu nói của nhà đầu tư tỷ phú Warren Buffett khi ông nói về cách đấu trí, đấu lực, dù không cần phải có trí thông minh kiệt xuất, tầm nhìn quá xa hay dựa vào các thông tin nội bộ, mà nhà đầu tư “cần phải có một khuôn mẫu tư duy sáng suốt và đúng đắn cho việc ra quyết định, cùng khả năng giữ cho các cảm xúc không tác động đến các khuôn mẫu đó ”.

Điều đó còn có nghĩa giá cổ phiếu cũng bị phụ thuộc rất lớn vào yếu tố tâm lý của nhà đầu tư. Yếu tố này rất dễ bị lợi dụng để trở thành vũ khí lợi hại trên thị trường chứng khoán. Cộng với suy nghĩ phó mặc cho “đỏ - đen”, thông tin “nội bộ”, lòng tham của con người.. thì đây sẽ là nơi cho những “bàn tay vô hình”, làm khuynh đảo xu hướng thị trường, tạo nên “bong bóng” mà các nhà đầu tư cần đặc biết lưu ý.

Và điều này không chỉ riêng trên thị trường chứng khoán mà còn nhiều thị trường khác như: thị trường bất động sản, thị trường vàng, thị trường hàng hóa nói chung…

Thị trường chứng khoán có vai trò và chức năng quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế, điều đó ai cũng rõ. Để thị trường phát triển lành mạnh rất cần sự tham gia đấu trí, đầu lực của các nhà đầu tư lớn, nhỏ một cách chuyên nghiệp, công bằng trong khuôn khổ của pháp luật.

Thành công hay rủi ro là kết quả của những cuộc đấu như vậy trên thị trường, nhưng mục đích cuối cùng là tạo kênh huy động vốn cho doanh nghiệp

Đáng tiếc là thói quen thường thấy của các nhà đầu tư nghiệp dư là bỏ quá nhiều thời gian để hóng hớt thông tin nội bộ, diễn đàn, nhóm chát. Đó là lối đặt cược đỏ đen tưởng như dựa trên “trí tuệ” của người khác nhưng thực chất có thể là cạm bẫy.

Theo VnEconomy