Đề xuất nhà máy gang thép và cảng biển 57.000 tỉ đồng tại Bình Định, Long Sơn mạnh đến đâu?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Công ty TNHH Long Sơn đề xuất đầu tư dự án nhà máy sản xuất gang thép và cảng biển tổng hợp quốc tế tại xã Mỹ An, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định với tổng vốn đầu tư dự kiến gần 57.000 tỉ đồng.
Sau nhiều năm phát triển, Công ty TNHH Long Sơn không chỉ hoạt động trong các lĩnh vục sản xuất xi măng, xuất nhập khẩu, vận tải biển mà còn đầu tư vào năng lượng tái tạo.
Sau nhiều năm phát triển, Công ty TNHH Long Sơn không chỉ hoạt động trong các lĩnh vục sản xuất xi măng, xuất nhập khẩu, vận tải biển mà còn đầu tư vào năng lượng tái tạo.

Ngày 6/5/2021, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã chấp thuận chủ trương cho Công ty TNHH Long Sơn (Long Sơn) khảo sát, nghiên cứu lập dự án đầu tư Nhà máy liên hiệp sản xuất gang thép Long Sơn và Cảng tổng hợp quốc tế Long Sơn tại xã Mỹ An, huyện Phù Mỹ.

Theo đề nghị của Long Sơn, Nhà máy liên hiệp sản xuất gang thép Long Sơn dự kiến có diện tích gần 494 ha, tổng vốn đầu tư 48.000 tỉ đồng, công suất khoảng 4 triệu tấn thép/năm.

Cảng tổng hợp quốc tế Long Sơn có diện tích khoảng 343 ha, trong đó có 140 ha mặt nước, xây dựng 14 bến cảng từ 50.000 - 250.000 tấn, đáp ứng nhu cầu bốc xếp 29,5 triệu tấn hàng hóa tổng hợp/năm. Tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 8.890 tỉ đồng.

Đầu tháng 7/2021, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng đã ký văn bản trình Bộ Giao thông Vận tải và Cục Hàng hải Việt Nam, kiến nghị bổ sung Cảng tổng hợp quốc tế Long Sơn vào Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển Nam Trung Bộ; đồng thời bổ sung vào Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Ông Trịnh Quang Hải - Chủ tịch HĐTV kiêm Giám đốc Công ty TNHH Long Sơn

Ông Trịnh Quang Hải - Chủ tịch HĐTV kiêm Giám đốc Công ty TNHH Long Sơn

Theo tìm hiểu của VietTimes, Công ty TNHH Long Sơn (Long Sơn) được thành lập vào tháng 9/2001, trụ sở chính tại một số nhà trên đường Voi Phục, phường Trung Sơn, Tp. Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình, thuộc sở hữu của ông Trịnh Quang Hải (SN 1968) - Chủ tịch HĐTV kiêm Giám đốc công ty.

Tháng 10/2014, Long Sơn được UBND tỉnh Thanh Hóa cấp giấy chứng nhận đầu tư xây dựng Nhà máy xi măng Long Sơn tại phường Đông Sơn, thị xã Bỉm Sơn. Dự án này có tổng mức đầu tư khoảng 3.960 tỉ đồng; công suất 6.000 tấn clinker/ngày, tương đương 2,3 triệu tấn xi măng/năm; nhu cầu sử dụng đất khoảng 53 ha.

Đến tháng 1/2016, UBND tỉnh Thanh Hóa tiếp tục chấp thuận cho Long Sơn đầu tư dự án Dây chuyền 2 - Nhà máy xi măng Long Sơn cũng với công suất 2,3 triệu tấn xi măng/năm. Dự án dự kiến được xây dựng trên khu đất có diện tích 15 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 3.822 tỉ đồng.

Theo giới thiệu trên trang chủ, Long Sơn còn sở hữu một số dự án khai thác mỏ đá vôi, đá sét làm nguyên liệu sản xuất và 3 nhà máy đóng bao xi măng tại KCN Ninh Thủy (Khánh Hòa), KCN Nhựt Chánh (Long An) và Cảng Hào Hưng (Quảng Ngãi).

Ngoài sản xuất xi măng, Long Sơn còn hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu và vận tải biển. Công ty này cho biết đang xuất nhập khẩu hàng hóa tới nhiều nước trên thế giới như Singapore, Nhật Bản, Philippines, Đài Loan, Australia, Bangladesh và Châu Phi.

Tại tỉnh Thanh Hóa, Long Sơn cũng là chủ đầu tư dự án Cảng container Long Sơn tại Khu kinh tế Nghi Sơn. Dự án này có công suất thiết kế khoảng 1 - 1,2 triệu Teu/năm; tổng vốn đầu tư 3.600 tỉ đồng; dự kiến được thực hiện từ năm 2016 - 2025, đầu tư khu bến cảng container số 1, bao gồm 6 bến với diện tích khoảng 109,7 ha và khu phát triển logistic (lô K9A) với diện tích khoảng 33,3 ha.

Biên lãi mỏng của Cty Long Sơn

Dữ liệu của VietTimes cho thấy, trong giai đoạn 2016 - 2019, doanh thu của Long Sơn tăng trưởng rất ấn tượng và đạt đỉnh vào năm 2019 với 12.604 tỉ đồng, gấp 4,2 lần so với năm 2016. Tuy nhiên, công ty chỉ báo lãi sau thuế năm 2019 vỏn vẹn 1,84 tỉ đồng; các năm 2016 - 2018, chỉ tiêu này cũng chỉ dao động từ 0,228 - 1,35 tỉ đồng.

Tại ngày 31/12/2019, quy mô tổng tài sản của Long Sơn đạt 9.317 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu ở mức 1.389 tỉ đồng (vốn điều lệ là 1.409 tỉ đồng).

Tháng 3/2021, Long Sơn tăng vốn điều lệ lên 2.205 tỉ đồng, trong đó, Chủ tịch HĐTV kiêm Giám đốc Trịnh Quang Hải (SN 1968) sở hữu tới 87,184% vốn; bà Đỗ Thị Lan - vợ của ông Hải - sở hữu 7,83% vốn điều lệ. Phần vốn còn lại tương đương tỷ lệ 4,986% thuộc về ông Bùi Duy Ngọc.

Ông Trịnh Quang Hải hiện là Ủy viên HĐQT CTCP Năng lượng và Môi trường Vicem (Mã CK: VTV).

Ngoài ra, ông Hải còn đứng tên đại diện cho nhiều pháp nhân khác như: CTCP Gang thép Long Sơn Phù Mỹ; Công ty TNHH Eni-Florence Việt Nam; CTCP Long Sơn Quảng Ngãi; CTCP Năng lượng Long Sơn; Công ty TNHH Công nghiệp Long Sơn; CTCP Rock Wool Hualong Việt Nam.

Trong đó, CTCP Năng lượng Long Sơn - công ty con do Long Sơn sở hữu 98% vốn điều lệ - là chủ đầu tư dự án Nhà máy điện mặt trời Long Sơn tại xã Ninh Sơn, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Dự án này có công suất 170 MW, tổng mức đầu tư 2.600 tỉ đồng./.