Chỉ thời gian ngắn, đã xảy ra nhiều vụ XHTD trẻ em và phụ nữ. Nhưng thủ phạm cưỡng hôn nữ sinh trong thang máy ở Hà Nội chỉ bị phạt 200.000 đồng, còn vụ Nguyễn Hữu Linh dâm ô cháu bé 8 tuổi, việc khởi tố cũng có vẻ khó khăn. Có phải vì chúng ta chưa đủ luật để xử lý tội XHTD, hay do người vận dụng, thưa ông?
- Điều 116 Luật 1999 đã quy định về tội dâm ô đối với trẻ em dưới 16 tuổi. Luật 2015 sửa đổi cũng quy định về tội dâm ô và không quy định về hạn tuổi, nhưng trẻ em vẫn là đối tượng được bảo vệ đặc biệt. Vì thế, vụ ông Nguyễn Hữu Linh, tôi cho rằng phải xử lý ngay, vì nạn nhân là người không có khả năng tự vệ.
Thái độ của các nhà thi hành pháp luật, của cơ quan hành pháp và tư pháp lúc này rất quan trọng. Trường hợp của ông Linh thì nạn nhân là một cháu bé, hơn nữa ông này là luật sư, trước đó còn ngồi ghế công tố, nên rất đáng lên án.
Chưa kể, vụ kia chưa kịp rút kinh nghiệm thì vụ sau lại tiếp nối, như thách thức dư luận. Trước đó đã có nhiều vụ khác. Kỳ họp QH trước đã bàn và mọi người đã chất vấn các cơ quan tư pháp và Bộ trưởng Bộ Công an; các bộ, ngành cũng đã hứa sẽ có biện pháp xử lý nghiêm. Nhưng nay lại không thấy quyết liệt như vậy, nên cử tri lo lắng và gọi điện, nhắn tin hoặc gặp trực tiếp nói rằng: hay các công tố với điều tra “cánh hẩu” với nhau nên không làm, hoặc là do ông Linh có nhiều tiền lo lót nên vụ việc đang bị trì hoãn?
Vấn đề không phải do luật thiếu, mà do áp dụng. Người ta thừa khả năng nhận thức cái đó vì được đào tạo đàng hoàng, nắm quyền trong tay. Lẽ ra quyền đó là để làm theo pháp luật nhưng dường như lại để không làm theo pháp luật.
Thưa ông, có một điều băn khoăn là tại sao những hành vi XHTD trẻ em gần đây lại nhiều thế? Hay do hiện nay chúng ta có camera nên mới phát hiện ra?
-Theo dư luận thì thực tế xảy ra nhiều nhưng không được phát hiện, không được thông báo, hay cố tình che giấu. Có trường hợp các cháu bị xâm hại hoảng loạn, tổn thương, bố mẹ lại thấy nhạy cảm nên không nói. Cháu bé ở Cà Mau nói ra nhưng bị cho là dối trá, nên phải tự tử. Người mẹ ở Vũng Tàu đi tố cáo, cũng bị đổ cho là vu khống. Có những trường hợp không biết là ai khi nạn nhân là người thiểu năng trí tuệ, không bị mang bầu hay tổn thương bộ phận sinh dục, nên không phát hiện ra. Hay trường hợp cha hiếp con, ông hiếp cháu và dọa nếu nói sẽ bị bóp cổ chết, thậm chí người mẹ cũng không dám nói vì bị đe dọa. Trường hợp ở Long An nạn nhân nói phải chấp nhận cho hiếp để giữ thân…
Vì thế, thái độ của cơ quan có thẩm quyền, có trách nhiệm với những vụ việc này vô cùng quan trọng. Ở các nước, việc xâm hại đến phụ nữ, đến trẻ em là cực kì nghiêm khắc, chỉ cần một thông tin là cả bộ máy vào cuộc. Trong khi ở ta thì nhiều nơi coi như không, dư luận sôi sùng sục, “họ” vẫn nguội lạnh, thiếu trách nhiệm, coi không phải việc mình, thậm chí có người táng tậm lương tâm khi nhận những đồng tiền dơ bẩn, hoặc bao che cho nhau, hình thành nên những vi phạm mới, vi phạm chồng vi phạm. Thậm chí có trường hợp xâm phạm hoạt động tư pháp, khi không khởi tố vụ án, không thi hành án….tình trạng đó đã được nhiều người nêu ra.
Cử tri và nhân dân bức xúc, đặt ra nhiều nghi vấn. Khi người dân không tin vào hệ thống tư pháp, hành pháp là vô cùng nguy hiểm, không dễ dàng lấy lại được và là mất mát vô cùng lớn. Cho nên không gì hơn là chính các cơ quan phải chứng minh mình trong sạch bằng hành động quyết liệt, công tâm.
Nếu thực sự luật vẫn có lỗ hổng, thì Quốc hội có sửa luật không thưa ông?
-Câu chuyện sửa luật hay không phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó có vấn đề Ủy ban Thường vụ của QH giám sát chuyên đề XHTD trẻ em. Chuyên đề này được Ủy ban Thường vụ QH xem xét đủ điều kiện mới đưa ra QH thảo luận, QH sẽ chọn giám sát hay không (tuy nhiên, khả năng chuyên đề này được lựa chọn rất cao). Sau khi giám sát, sẽ báo cáo ở kỳ họp thứ 9, rồi kiến nghị sửa hay không sửa Luật.
Nếu sửa luật thì thời gian có luật mới mất khoảng bao nhiêu năm, thưa ông?
-Theo quy trình sẽ giao cho Tòa án nhân dân tối cao, Viện VKSNDTC, hoặc cơ quan nào đó để xây dựng dự án luật sửa đổi bổ sung. Như vậy nếu thông qua 1 kì họp thì cũng phải làm trong vòng 6 tháng và nếu 2 kì họp thì phải mất 1 năm. Không phải nói sửa luật là sửa được ngay. Ở ta không giống như các nước khác, chỉ cần làm 1 điều luật là lập tức làm ngay trong kì họp. Ta phải có quy trình đánh giá tác động của xã hội, rồi báo cáo, dự án, tổng kết, lấy ý kiến v.v.
Không lẽ chúng ta cứ chờ sửa luật và không thể xử lý các vụ XHTD trẻ em?
-Xử lý được, vì Luật hiện đã có quy định rồi. Như tôi đã nói, vấn đề là người ta vận dụng thế nào mà thôi, là vấn đề của hiện nay. Thế cho nên nếu sau này sửa luật, thì phải đảm bảo không có khoảng mờ, giao thoa, mà phải rõ ràng trường hợp nào xử lý hành chính, còn trường hợp nào dứt khoát phải khởi tố hình sự. Nhưng hiện nay còn ù xọe, tạo sự lựa chọn cho người chấp pháp quá rộng, vì nhiều vấn đề các nhà làm luật không dự liệu được hết.
Với tư cách của mình, ông sẽ có động thái gì để thúc đẩy QH có những hành động thiết thực hơn trong chống XHTD trẻ em?
- Tôi ủng hộ chuyên đề giám sát của QH với những ý kiến xác đáng đóng góp để hoàn thiện quy định của pháp luật. Kiến nghị sửa luật phải ghi rõ hành vi dâm ô với ai, ở đâu, thì xử lý thế nào. Ví dụ tất cả hành vi dâm ô với trẻ em, với các cháu khuyết tật nằm bất động trên giường, với người bệnh, với người già…không có khả năng tự vệ hoặc xâm hại trong bối cảnh khó tự vệ, nơi vắng vẻ chẳng hạn… thì lập tức phải khởi tố. Nếu hành vi chỉ đáng xử lý hành chính, thì cũng không thể xử theo kiểu “hội chứng 200k”. Như vậy nhục nhã lắm, bởi dư luận gọi là “cái tát vào mặt tư pháp.” Những kiến nghị này có thể sẽ được báo cáo, thảo luận vào kỳ họp QH thứ 9. Trong quá trình làm ĐBQH, tôi luôn ưu tiên cho vấn đề này và sẽ tiếp tục dành quyền ưu tiên, cũng như dùng quyền mà nhân dân trao cho, để quan tâm, bằng việc thể hiện quan điểm, cũng như giám sát các cơ quan thực hiện.
Nếu cử tri yêu cầu, chúng tôi sẽ có ý kiến chính thức với các cơ quan có thẩm quyền.
Các ĐBQH hoàn toàn có thể chủ động gửi văn bản khi thái độ của người dân đã rất bức xúc như hiện nay?
Thông thường khi nhận được đơn đề nghị của cử tri, tôi sẽ có ý kiến để ủng hộ họ. Nhưng tôi thấy rằng, những người phải quan tâm đến vấn đề này đầu tiên phải là các ĐBQH TPHCM và Đà Nẵng. Thứ 2, việc giám sát này thuộc về Ủy ban tư pháp của QH, Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh thiếu niên nhi đồng của QH và Ủy ban Các vấn đề xã hội của QH.
Tôi đã phát biểu nhiều trên báo chí, chính là chuyển yêu cầu của cử tri và nhân dân tới các cơ quan chức năng. Mỗi lời phát biểu của ĐBQH chính là mong muốn của cử tri và nhân dân cả nước, chứ không phải chỉ của riêng ĐB.
Cám ơn ông!