Liên quan kế hoạch chi 400 tỷ đồng vốn vay của Ngân hàng Thế giới để soạn SGK bộ mới mà VietTimes đã đề cập những ngày gần đây, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng đã có ý kiến gửi tới Thủ tướng Chính phủ.
Theo Phó Ban Dân nguyện của Quốc hội, việc này có thể dẫn đến 5 hệ lụy về kinh tế và xã hội.
Thứ nhất, việc này trực tiếp gây lãng phí, đặc biệt, hiện nay Ngân sách nhà nước và nguồn lực từ trong nhân dân đã bị suy giảm nghiêm trọng, kinh tế suy thoái cần tập trung các nguồn lực để phục hồi. Do đó, không nên cứ kiếm được tiền là làm, không suy tính đến hậu quả.
Trao đổi riêng với VietTimes, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng cho rằng khác với các loại sách tham khảo, SGK cần đạt được yêu cầu cao đề độ chuẩn hóa và đảm bảo giảm tải. Việc thay đổi SGK không nên để diễn ra nhiều, cả về mức độ và tần suất, không được để xảy ra chuyện năm nay học SGK này, sang năm lại học SGK bộ khác. |
Thứ ba, việc tổ chức biên soạn nêu trên có thể lại trùng giẫm về chủ thể biên soạn, một số “nhà làm sách” sẽ được “huy động” biên soạn, lại copy chính sản phẩm đã ký kết hợp đồng làm cho dự án khác để biến thành sản phẩm mới. Như vậy sẽ có thể có tình trạng “cắt dán” kiểu “đánh bùn sang ao”.
“Dư luận đã và đang bức xúc về vấn đề này, vì hầu như tất cả các nhà khoa học đã được huy động biên soạn 5 bộ SGK. Vậy thì chắc chắn sẽ nảy sinh tình trạng ôm việc vì lợi ích cục bộ, cá nhân, từ đó làm ảnh hưởng đến sự nghiệp chung, phát sinh mâu thuẫn, xung đột vì lợi ích, ăn chia…”, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng bày tỏ.
Hiện vẫn còn nhiều lo lắng, băn khoăn về tính ổn định trong lựa chọn, sử dụng các bộ SGK. Ảnh minh họa.
|
Thứ tư, ông phân tích, việc này có thể dẫn đến “lợi ích nhóm” trong sử dụng nguồn vốn vay bằng mồ hôi, xương máu của Nhân dân, để làm tiền và suy giảm giá trị nhân văn của nền giáo dục cách mạng, tiến bộ, đại chúng. Có thể phát sinh sự “độc quyền”, cái đang bị lên án, dị nghị nhiều năm trong biên soạn SGK, tài liệu học tập, giảng dạy.
Cuối cùng, Phó Ban Dân nguyện của Quốc hội cho rằng việc này có thể làm suy giảm, tiêu diệt chủ trương xã hội hóa trong giáo dục và đào tạo nói chung, trong biên soạn SGK nói riêng.
Trước đó, như VietTimes đã thông tin, Bộ GD&ĐT chỉ đạo 3 NXB thuộc ngành giáo dục, gồm NXB Giáo dục Việt Nam, NXB Đại học Sư phạm, NXB Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, biên soạn, xuất bản 5 bộ SGK các môn học bắt buộc ở lớp 1 và 7 quyển SGK Làm quen với tiếng Anh lớp 1 (môn học tự chọn) để triển khai từ năm học 2020 - 2021. Tất cả 5 bộ SGK này đều được biên soạn, xuất bản bằng nguồn vốn xã hội.
Việc biên soạn SGK bộ mới này là hiện thực hóa chủ trương Nghị quyết số 88/2014 của Quốc hội.
Sau khi đăng tải loạt bài này, đã có nhiều ý kiến bày tỏ sự nghi ngại về hiệu quả của việc này, nhất là khi được thực hiện trong bối cảnh Việt Nam đã có 5 bộ SGK và không đủ nhóm tác giả tham gia thầu thực hiện SGK – như nội dung Chính phủ nhiều lần đề cập trong báo cáo gửi Quốc hội việc thực hiện triển khai đổi mới chương trình SGK, giáo dục phổ thông.
Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, chủ trương một chương trình, nhiều bộ SGK được cho là sẽ xóa bỏ tình trạng độc quyền, lãng phí SGK. Tuy nhiên, theo một số đại biểu quốc hội, phải có một cơ chế bình đẳng, thu hút nhiều đơn vị có năng lực để biên soạn SGK.