"Đẩy mạnh đấu tranh phòng chống tham nhũng (PCTN) chỉ làm chùn bước những ai có động cơ không trong sáng, đã trót “nhúng chàm” và những người không nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng, thiếu bản lĩnh, thiếu kiến thức và kinh nghiệm”- ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng (Ban Tổ chức Trung ương) đã chia sẻ như vậy với VietTimes.
- NB. Lê Thọ Bình: Ngay từ khi thành lập nước và Đảng ta trở thành Đảng duy nhất cầm quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiên liệu về những nguy cơ tiềm ẩn, mà theo Người, nếu không được kịp thời chấn chỉnh sẽ ảnh hưởng đến sự tồn vong của Đảng. Thưa ông, vì sao chúng ta đã biết và biết rất sớm như vậy nhưng vẫn không ngăn chặn được “giặc nội xâm” này?
Ông Nguyễn Đức Hà: Chúng ta cần nhận thức rằng tha hóa luôn gắn với quyền lực, hay nói một cách khác, tham nhũng là “khuyết tật bẩm sinh” của quyền lực, là một trong những nguy cơ đe doạ sự tồn vong của chế độ. Thời đại nào, chế độ nào, quốc gia nào cũng có. Không thể xoá ngay tận gốc tham nhũng trong một thời gian ngắn.
Do vậy, như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo, trong đấu tranh PCTN không thể chủ quan, nóng vội, thoả mãn; không được né tránh, cầm chừng; trái lại, phải rất kiên trì, không “ngừng”, không “nghỉ”; vừa phải kiên quyết phát hiện, xử lý tham nhũng, vừa phải kiên trì giáo dục, quản lý, ngăn ngừa, răn đe, không để xảy ra tham nhũng.
- Thưa ông, ở các nước khác, dường như các đảng cầm quyền ít ra “nghị quyết” về PCTN, nhưng tham nhũng vẫn bị nghiêm trị và công tác chống tham nhũng của họ vẫn hiệu quả?
Như trên đã nói, tham nhũng luôn gắn với quyền lực. Vì vậy, muốn chống tham nhũng thì quyền lực cần phải được giám sát. Nói như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phải “nhốt quyền lực trong "lồng cơ chế"”. Cái “lồng cơ chế” đó chính là kỷ luật của Đảng, hệ thống pháp luật của Nhà nước.
Đảng cầm quyền ở nước nào cũng phải đối phó với tình trạng này, cho dù là ở thể chế đa nguyên hay nhất nguyên.
Ở thể chế đa nguyên có nhiều đảng phái, khi một đảng cầm quyền thì các đảng phái khác còn lại đều là đối lập. Nhất cử nhất động của đảng cầm quyền đều bị các đảng phái đối lập xoi mói, bới móc, thậm chí là thêu dệt. Họ tung lên truyền thông để làm mất uy tín đảng cầm quyền, thậm chí đẩy các đảng này tới nguy cơ sụp đổ. Khi đảng cầm quyền mất uy tín trước người dân, dĩ nhiên, nhiệm kỳ tới sẽ không được bầu, qua đó, mở ra cơ hội lớn cho đảng đối lập ngoi lên.
Nhưng chính vì bị các đối thủ soi mói như vậy nên đảng cầm quyền phải tự giữ mình. Nếu bất minh, làm không tốt sẽ bị thải loại. Vì vậy “anh” không chỉnh đốn “nó” cũng bắt “anh” chỉnh đốn. “Anh” không đổi mới “nó” cũng bắt “anh” phải đổi mới.
Tuy nhiên vì sự tranh giành quyền lực như vậy nên nhiều khi dẫn đến tình trạng hỗn loạn, biểu tình, thậm chí là “chém giết” lẫn nhau. Nội chiến ở nhiều quốc gia thời gian đã qua là một minh chứng. Mà như vậy thì đất nước làm sao mà phát triển được.
Nhân dân ta, dân tộc ta không chọn con đường đa nguyên. Người dân Việt Nam lựa chọn và trao cho Đảng ta lãnh đạo đất nước. Đây là đặc thù rất khác so với các nước khác.
Vai trò cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam được Nhân dân Việt Nam thừa nhận, tin tưởng, ủng hộ và suy tôn, được hiến định trong Hiến pháp và pháp luật. Điều đó không tự đến, không phải là ngẫu nhiên mà có được.
Nó đã trải qua một quá trình lâu dài, được thử thách, kiểm chứng, xác nhận bởi chính lịch sử dân tộc Việt Nam và lịch sử cách mạng thời đại Hồ Chí Minh; do thực tế lịch sử và Nhân dân Việt Nam khẳng định vai trò, uy tín, vị thế của Đảng hơn 9 thập kỷ kiên quyết, kiên trì lãnh đạo Nhân dân chiến đấu mới có được cơ đồ, tiềm lực như ngày nay.
- Như vậy, có nghĩa là khi dân tộc ta lựa chọn nhất nguyên làm định hướng phát triển đất nước thì công cuộc giám sát quyền lực phải làm liên tục, kiên trì và “không ngừng nghỉ” như ông vừa nói trên?
Như đã phân tích, chúng ta thấy một vấn đề như thế này: “Tham” thì nhiều người tham, nhưng để “nhũng” thì không phải ai cũng "nhũng" được. Muốn “nhũng” được phải có điều kiện.
Ông nông dân, bác đạp xích lô thì lấy đâu ra chức quyền mà "nhũng"? Vì vậy, tham nhũng bao giờ cũng gắn với quyền lực. Chỉ khi anh có quyền lực anh mới có điều kiện tham nhũng.
Chính vì vậy, ngay sau khi cách mạng thành công, Đảng ta trở thành đảng cầm quyền duy nhất, Bác Hồ đã tiên liệu những nguy cơ tiềm ẩn của những căn bệnh dễ nảy sinh trong một đảng cầm quyền. Vì thế Bác đã gửi thư cho các tỉnh, huyện, xã, làng để tìm nhân tài và chỉ ra các căn bệnh.
Sau đó Bác viết tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” để làm thế nào gần dân, khắc phục được bệnh quan liêu, cửa quyền, hách dịch. Trong kháng chiến chống Pháp Bác cũng phát hiện ra cán bộ tham ô, tham nhũng, ăn cắp của công.
Năm 1950, Đại tá Trần Dụ Châu, Giám đốc Nha quân nhu đã phạm tội tham ô, biển thủ công quỹ để sống xa hoa, trụy lạc, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng và quân đội. Tòa án binh đã truy tố và kết án tử hình Trần Dụ Châu.
Như vậy, Bác đã phát hiện ra trong Đảng, trong quân đội đã có những suy thoái, thoái hóa, biến chất, nếu không thường xuyên tự phê bình và phê bình thì rất dễ xuất hiện những căn bệnh làm suy yếu Đảng. Vì vậy, năm 1951, tại Đại hội II của Đảng, trong Điều lệ Đảng mới bổ sung một nguyên tắc “Tự phê bình và phê bình”.
Có thể nói sau thời kỳ Đổi mới, từ Đại hội Đảng VI đến nay thì Đảng lại càng quan tâm đến vấn đề xây dựng và chỉnh đốn Đảng, cho nên từ Nghị quyết Trung ương 5, khóa VI đã bắt đầu tập trung chỉnh đốn nội bộ rồi. Đại hội VI có chỉ ra nguyên nhân của mọi nguyên nhân chính là công tác tổ chức cán bộ. Chính vì thế ngay từ Đại hội VI đã có nghị quyết Trung ương 5 là như vậy. Rồi Nghị quyết Hội nghị “về một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay” được ban hành.
Đến Đại hội VII lại có Nghị quyết số 03- NQ/TW của Hội nghị lần thứ ba, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VII) về một số nhiệm vụ đổi mới và chỉnh đốn Đảng, ngày 26/6/1992. Rồi Nghị quyết Trung ương 6, lần 2, khóa VIII "về một số vấn đề quan trọng và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng". Đến Đại Hội XII, XIII nhiệm kỳ nào cũng ban hành nghị quyết về công tác chỉnh đốn Đảng, PCTN, tiêu cực cũng như chống chạy chức, chạy quyền.
Gần đây nhất Bộ Chính trị ban hành Quy định số 205-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền (ngày 23/9/2019); rồi Quy định số 69-QÐ/TW ngày 6/7/2022 của Bộ Chính trị về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm, đã kê “liều thuốc” đặc hiệu căn bệnh này.
- Một nhà báo phương Tây, ông Fareed Zakaria - cựu bình luận viên của CNN và Times, trong một cuốn sách đã phân tích các mô hình của đảng cầm quyền. Trong đó ông ta chỉ ra rằng, trong một thể chế nhất nguyên vẫn có thể kiểm soát quyền lực tốt. Singapore là một thí dụ. Phải chăng vai trò của người đứng đầu trong một đảng cầm quyền là rất quan trọng, thưa ông?
Tham nhũng không gắn với thể chế chính trị, mà tham nhũng và tha hóa nó gắn với quyền lực nhà nước. Thế chế nào cũng có tham nhũng. Nhưng cái quan trọng là người đứng đầu.
Tổng Bí thư của Đảng ta là người rất trong sạch, liêm khiết, chí công vô tư. Vì vậy mới tiến hành công cuộc cPCTN rất quyết liệt và thực sự không có vùng cấm.
Công tác đấu tranh PCTN đã được Trung ương, đứng đầu là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, bài bản, ngày càng đi vào chiều sâu, có bước tiến mạnh, đạt nhiều kết quả cụ thể, rất quan trọng, toàn diện, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan toả mạnh mẽ trong toàn xã hội, và thực sự “đã trở thành phong trào, xu thế không thể đảo ngược”, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao, được bạn bè quốc tế ghi nhận.
Như Tổng Bí thư nói "hầu như không còn tình trạng “quyền anh, quyền tôi”, “cua cậy càng, cá cậy vây” như trước".
Chỉ tính riêng trong giai đoạn 2012 - 2022, cấp uỷ, Uỷ ban Kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 2.740 tổ chức đảng, hơn 167.700 cán bộ, đảng viên, trong đó có 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng; đã kỷ luật 170 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có 4 Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị; 29 Uỷ viên Trung ương, nguyên Uỷ viên Trung ương; 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang.
Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay đã thi hành kỷ luật 52 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý (cao hơn gấp 4 lần so với nhiệm kỳ khoá XI và bằng gần một nửa số cán bộ cấp cao bị xử lý của nhiệm kỳ khoá XII), trong đó có 8 Uỷ viên Trung ương, nguyên Uỷ viên Trung ương, 20 sĩ quan cấp tướng. Đây là một bước đột phá trong công tác kiểm tra, kỷ luật của Đảng.
Thế thì theo anh nhà báo, như vậy đã quyết liệt chưa? Đã làm đến nơi đến chốn chưa?
- Có một số ý kiến cho rằng, mặt trái của công cuộc chống tham nhũng và xử lý trách nhiệm người đứng đầu như hiện nay có thể làm “tê liệt” bộ máy hành pháp; nhiều lãnh đạo chùn bước không dám thực thi công vụ vì sợ bị trách nhiệm. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
Đúng là có một số ý kiến cho rằng nếu quá tập trung vào chống tham nhũng sẽ làm “nhụt chí”, “chùn bước” những người dám nghĩ, dám làm, làm “chậm” sự phát triển đất nước. Tôi cho rằng suy nghĩ như vậy là không đúng.
Mà hoàn toàn ngược lại, chính nhờ làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đẩy mạnh đấu tranh PCTN, tiêu cực đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị.
Đẩy mạnh đấu tranh PCTN và xây dựng, làm trong sạch Đảng và bộ máy Nhà nước chỉ làm “chùn bước” những ai có động cơ không trong sáng, đã trót “nhúng chàm” và những người không nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng, thiếu bản lĩnh, thiếu kiến thức và kinh nghiệm.
- Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác PCTN, tiêu cực giai đoạn 2012-2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu phải tránh tình trạng “Chân mình còn lấm bê bê, Lại cầm bó đuốc đi rê chân người”; “Thượng bất chính thì hạ tắc loạn!”; “Cấp trên ở chẳng chính ngôi, cho nên ở dưới chúng tôi hỗn hào!”. Ở đây, Tổng Bí thư muốn nói tới điều gì, thưa ông?
Là người đứng đầu một đơn vị, một tổ chức phải trong sạch, phải là tấm gương để người khác noi theo. Tóm lại cán bộ, đảng viên, trước hết là người lãnh đạo phải biết trọng liêm sỉ, giữ danh dự, biết xấu hổ khi bản thân và người thân có hành vi tham nhũng, tiêu cực.
Cũng tại hội nghị Tổng bí thư đã chỉ rõ, PCTN là “chống giặc nội xâm”, tức là chống những thói hư, tật xấu, nhất là sự suy thoái về phẩm chất, đạo đức, tệ ăn bớt, ăn cắp, ăn chặn của công dưới nhiều hình thức; tiền tài, của cải, vật chất,... do người khác "biếu xén", "cho, tặng", hối lộ,... với động cơ không trong sáng. Nó thường diễn ra đối với những người có chức, có quyền.
Vì vậy, đây là nhiệm vụ rất quan trọng, nhưng cũng vô cùng khó khăn, phức tạp, đòi hỏi chúng ta phải tiến hành một cách kiên quyết, kiên trì, liên tục, bền bỉ, phải xây dựng cho được một cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể tham nhũng”; một cơ chế răn đe, trừng trị nghiêm khắc để “không dám tham nhũng”; và một cơ chế bảo đảm để “không cần tham nhũng”.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Ảnh: Việt Dũng
Trình bày: Văn Lâm