Đấu trường Syria và “trò chơi vương quyền” đẫm máu

VietTimes -- Tổng thống Pháp Emmanuel Macron mới đây đã tuyên bố sẽ ra lệnh tiến hành các cuộc không kích nhằm vào Syria nếu những tin đồn về việc chính phủ nước này đã sử dụng vũ khí hóa học (CW) chống lại thường dân được xác nhận, Văn hóa Chiến lược cho biết.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: Reuters
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: Reuters

Theo Văn hóa Chiến lược, mặc dù không có bất kỳ bằng chứng vững chắc nào chứng minh, song những tin tức như thế này thỉnh thoảng lại xuất hiện trên các phương tiện truyền thông phương Tây. Trong một số trường hợp, Tổ chức Cấm Vũ khí Hóa học (OPCW) đã khẳng định các dấu vết thật sự chỉ về phía các phiến quân chứ không phải chính phủ Syria. Nhiều câu chuyện về vũ khí hóa học đã được công bố mới đây. Tại sao lại là lúc này? Những thông tin sau đây có thể cung cấp một số manh mối.

Tình hình ở Syria gần đây đã trở nên rất nghiêm trọng. Pháp không phải là nước duy nhất đe dọa tấn công. Israel vừa mới tấn công một số địa điểm ở Syria, cùng với "lực lượng Iran ở Syria", hơn nữa còn tuyên bố sẽ không ngần ngại tiếp tục làm như vậy. Israel đã bắn hạ một máy bay không người lái của Iran và mất một chiến đấu cơ F-16. Một cuộc đối đầu trực tiếp giữa Israel và Iran rất có khả năng xảy ra. Israel đã tăng cường phòng thủ tại biên giới Syria.

Đấu trường Syria và “trò chơi vương quyền” đẫm máu ảnh 1Các chuyên gia điều tra việc sử dụng vũ khí hóa học ở Syria. Ảnh: BBC

Khác hẳn đường lối cứng rắn đối với Iran, chính quyền Donald Trump lại ra sức ủng hộ Israel. Mỹ sẽ không cho phép Iran cố thủ ở những vùng lãnh thổ Syria gần sát với biên giới của Israel. Một cuộc xung đột giữa Israel và Iran sẽ gây nguy hiểm cho các lực lượng của Mỹ trên khắp Trung Đông. Các tên lửa cơ động có tầm bắn 2.000 km của Iran đã đặt mọi căn cứ của Mỹ ở khu vực vào trong tầm ngắm của mình, bao gồm cả các căn cứ ở Qatar, Kuwait, UAE, và Hạm đội 5 của Mỹ đóng tại Bahrain.

Tầm bắn như vậy là đủ để khiến các tiền đồn của Mỹ ở Syria và Afghanistan phải đối mặt với nguy cơ bị tấn công. Israel cũng nằm trong tầm bắn của tên lửa Iran. Các tên lửa đạn đạo của Iran không nằm trong khuôn khổ thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015, tuy nhiên Mỹ lại áp đặt lệnh trừng phạt đối với Tehran vì chương trình tên lửa này.

Căng thẳng đã gia tăng trong lúc Nga và các đồng minh ở Syria là Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đang tạo ra những bước tiến quan trọng về mặt ngoại giao. Đại hội dân tộc Syria, được tổ chức ở Sochi vào ngày 30/1, đã quy tụ hơn 1.500 người Syria để bắt đầu cuộc đối thoại dân tộc. Diễn đàn mới này có cơ hội trở thành một phương tiện để kết nối tất cả những người đang tham gia các cuộc đàm phán ở Geneva và Astana. Đặc phái viên của Liên Hợp Quốc về Syria Staffan De Mistura đã đánh giá cao sự kiện này.

Đặc phái viên của Liên Hợp Quốc về Syria Staffan De Mistura (đứng giữa) tại Đại hội Đối thoại dân tộc Syria ở Sochi, Nga. Ảnh: SANA.

Hôm 15/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc hội đàm với Quốc vương Jordan Abdullah II. Hai nhà lãnh đạo đã thảo luận riêng một số vấn đề. Triển vọng về một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng Syria là vấn đề được quan tâm hàng đầu. Trong một cuộc phỏng vấn với tờ nhật báo Rossiyskaya Gazeta của chính phủ Nga, Quốc vương Jordan đã gọi Tổng thống Putin là người anh em của mình.

Trước đó, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đã có chuyến thăm Matxcơva vào ngày 12/2. Đây là chuyến thăm mang tính bước ngoặt, phản ánh một sự chuyển đổi quan trọng từ Mỹ sang Nga trong vai trò trung gian hòa giải chính giữa Palestine và Israel. Nhà lãnh đạo Palestine đã tước bỏ vai trò này của Mỹ sau khi Tổng thống Trump tuyên bố Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel vào ngày 6/12/2017. Quyết định này đã làm suy yếu đáng kể mức độ tin cậy của Mỹ ở Trung Đông. Ấn tượng với những nỗ lực ngoại giao của Nga trong việc cải tổ tiến trình hòa bình Syria, ông Mahmoud Abbas đã đề nghị Matxcơva đứng ra tổ chức một hội nghị quốc tế về hòa bình để giải quyết xung đột giữa Palestine và Israel.

Đấu trường Syria và “trò chơi vương quyền” đẫm máu ảnh 3Tổng thống Palestine Mahmud Abbas và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: AFP

Nếu Matxcơva chấp nhận vai trò được đề nghị và có cách để đạt được một số bước tiến, điều này sẽ giúp ảnh hưởng của Nga trong khu vực tăng vọt, đồng thời làm giảm ảnh hưởng của Mỹ, một nước mà tầm vóc đã bị nhỏ lại sau những thất bại ở Iraq, Afghanistan và các nơi khác. Khác với Matxcơva, Washington có thể không đưa ra lựa chọn nào khác cho công việc đang được tiến hành ở Astana và Sochi. Đóng góp của Mỹ cho các cuộc hội đàm Geneva là khá khiêm tốn. Sự bẽ mặt của Mỹ do chính sách về Jerusalem của nước này tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã khiến ảnh hưởng đang suy giảm của Washington trở thành tiêu điểm đáng chú ý.

Sự hiện diện bất hợp pháp của Mỹ ở Syria đã trở nên ngày càng phức tạp và đầy những nguy hiểm. Sự cần thiết phải chiến đấu chống lại tổ chức khủng bố IS đã trở thành một cái cớ thiếu thuyết phục sau thất bại của nhóm thánh chiến. Bây giờ, mối đe dọa được cho là đến từ Iran đang được Mỹ sử dụng để biện minh cho những chiến dịch quân sự ở một đất nước xa xôi như Syria. Mỹ đang hết sức nỗ lực để trở lại vị trí cường quốc duy nhất thống trị ở Trung Đông. Một cách để làm điều này là lãnh đạo liên minh chống Iran.

Nơi tốt nhất để Mỹ đối đầu với Iran và bắt đầu lấy lại sức ảnh hưởng của mình là tại Syria. Pháp sẵn sàng hợp tác với Mỹ lúc cần thiết. Châm ngòi phá vỡ thế bế tắc giữa Israel và Iran là để phục vụ mục đích đó, song trở ngại chính là tiến trình hòa bình mà Nga đang dẫn đầu. Và khi Nga càng cố gắng thúc đẩy tiến trình này, thì lại càng có thêm nhiều tình huống nhân tạo xảy ra nhằm cản trở không để mục đích cao cả đó được hoàn thành.