Đâu là "tử huyệt" của không quân Hoa Kỳ?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Đội ngũ máy bay tiếp nhiên liệu trên không của Mỹ vừa thiếu và vừa yếu. Mỹ đang lên kế hoạch tăng cường số lượng, củng cố chất lượng cho lực lượng này để phát huy thế mạnh không quân.
Mỹ lên kế hoạch tăng cường số lượng, củng cố chất lượng cho đội máy bay tiếp dầu trên không (Ảnh: RIA)
Mỹ lên kế hoạch tăng cường số lượng, củng cố chất lượng cho đội máy bay tiếp dầu trên không (Ảnh: RIA)

Các chuyên gia của Học viện Quân sự Hoa Kỳ cho rằng, khi xâm nhập vào không phận của Nga và Trung Quốc, Không quân của họ sẽ bị thiếu nhiên liệu trầm trọng. Tuy rằng Mỹ sở hữu phi đội máy bay tiếp dầu hùng mạnh nhất thế giới, nhưng để sử dụng chúng một cách hiệu quả trong các hoạt động quân sự thì còn nhiều vấn đề phải xem xét.

Tổng số máy bay, máy bay trực thăng (chưa kể số máy bay không người lái) trong các quân chủng, binh chủng của quân đội Mỹ lên tới 13.000 chiếc, Washinton không e ngại tận dụng tối đa thế mạnh này của mình. Lầu Năm Góc đã xác định, không quân phải giữ vai trò quyết định trong các chiến dịch quân sự trên toàn thế giới.

Chiến thuật của họ là chiếm ưu thế trên không, sử dụng máy bay tấn công và vũ khí chính xác cao để gây tổn thất nặng nề cho đối phương, sau đó mới đưa lực lượng mặt đất vào trận. Nhiệm vụ của bộ binh và xe tăng là đánh chiếm đống đổ nát còn đang nghi ngút khói. Thế nhưng, các chuyên gia của Viện Hudson (Học viện Quân sự Hoa Kỳ) cho rằng chiến lược này sẽ không ổn, nếu đem ra để áp dụng đối với Nga và Trung quốc.

Máy bay tiêm kích và máy bay ném bom sẽ không thể tấn công ở cự ly xa nếu như không có sự hỗ trợ của phi đội máy bay tiếp dầu. Sự việc còn nguy kịch hơn nhiều, nếu xảy ra xung đột với các quốc gia có lãnh thổ rộng lớn. Đội máy bay tiếp dầu của Mỹ hiện nay đang ở trong tình trạng khá tồi tệ.

Trong một báo cáo của Viện Hudson có đoạn viết: “Trong suốt 31 năm qua, kể từ khi chiến tranh lạnh kết thúc, đội máy bay tiếp dầu của chúng ta vẫn tham gia hoạt động khắp nơi trên thế giới, từ những hoạt động gìn giữ hòa bình đến các chiến dịch quân sự, nhưng số lượng máy bay tiếp dầu lại giảm từ 701 xuống còn 473 chiếc, và dĩ nhiên số lượng công việc của một chiếc sẽ tăng lên. Chúng ta không còn dự trữ máy bay tiếp dầu để đề phòng cho chiến tranh với Nga và Trung Quốc, và như vậy, lực lượng không quân sẽ hoạt động thiếu hiệu quả trên chiến trường. Đối thủ của chúng ta biết rõ điểm yếu này và sẽ khai thác chúng một cách tối đa”.

Không quân Hoa Kỳ không chỉ gặp phải vấn đề thiếu hụt máy bay tiếp dầu, việc tìm kiếm phương tiện thay thế cũng đang vấp phải rất nhiều khó khăn.

Tác giả của bản báo cáo của Viện Hudson cho biết thêm, tuổi thọ trung bình của những máy bay tiếp dầu KC-10 Extender và KC-135 Stratotanker là 52 năm. Trong đó, những chiếc KC-10 Extender được đưa vào trang bị cho quân đội từ những năm 1981, như vậy có thể vẫn tiếp tục hoạt động được, còn những chiếc KC-135 Stratotanker được sản xuất từ những năm 1954 và 1965, số máy bay này đã đến lúc phải gửi vào những điểm thu mua đồng nát.

Hoạt động tìm kiếm phương tiện thay thế cho những máy bay tiếp dầu đã lỗi thời được Lầu Năm Góc tiến hành cách đây 20 năm.

Từ năm 2001, Mỹ đã khởi động dự án KC-X và dự án KC-Y. Trong đó KC-X là dự án phát triển máy bay tiếp dầu thay thế cho dòng KC-135 Stratotanker, KC-Z là dự án phát triển máy bay tiếp dầu thay thế cho KC-10 Extender.

Năm 2011, hãng Boeing nhận được hợp đồng thực hiện dự án KC-X, đã phát triển máy bay tiếp dầu KC-46 Pegasus dựa trên nền tảng của máy bay chở khách Boeing 767. Theo thiết kế, trọng tải của KC-46 là 96 tấn nhiên liệu (nhiều gấp đôi so với KC-135), phiên bản mới KC-46 Pegasus được ứng dụng nhiều công nghệ hiện đại, như kính 3D chuyên dụng – đơn giản hóa việc tiếp nhiên liệu trên không.

Thế nhưng, thực tế không phải lúc nào cũng chiều theo lòng người. Giới truyền thông cho rằng, máy bay tiếp dầu mới của hãng Boeing KC-46 Pegasus là những sản phẩm không đảm bảo độ tin cậy. Đội ngũ phi công phàn nàn rằng các thiết bị trên KC-46 Pegasus bị rung lắc và từ chối lên những chiếc máy bay này. Việc thiết bị rung lắc sẽ làm máy bay mất độ ổn định và rất dễ dẫn đến tai nạn hàng không. Thiết kế ống tiếp nhiên liệu không đạt yêu cầu, chút nữa đã gây ra tử nạn cho chiếc tiêm kích - ném bom F-15E Strike Eagle. Nguyên nhân được cho là ống tiếp dầu quá cứng, máy bay tiếp dầu quá tải, giảm khối lượng nhiên liệu mang theo. Mỹ đã bỏ ra 55 triệu USD để khắc phục sự cố này. Việc cung cấp máy bay tiếp dầu KC-46 Pegasus cho quân đội sẽ bị chậm lại ít nhất là đến năm 2024. Thời gian hoàn thành dự án KC-X và KC-Y cũng bị ảnh hưởng.

Ngoài việc tăng cường số lượng máy bay tiếp dầu, các chuyên gia Viện Hudson cho rằng, Mỹ cần phải xây dựng nhiều sân bay quân sự ở khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương để tiếp nhận máy bay hạng nặng và tích trữ nhiên liệu. Cần phải đề phòng hệ thống phòng không cực mạnh của Nga và Trung quốc. Máy bay tiếp dầu là mục tiêu rất dễ phát hiện của hệ thống phòng không của Nga, đặc biệt là hệ thống S-400 và máy bay đánh chặn Mig-31 của Nga.

Một lý do nữa khiến không quân Mỹ lo ngại là: khi tiếp nhiên liệu trên không cho tiêm kích thế hệ 5, như là F-22, hoặc F-35, những tiêm kích tàng hình này sẽ mất khả năng tàng hình. Và như vậy, hệ thống phòng không của đối phương có thể dễ dàng thực hiện: một mũi tên bắn trúng hai hoặc ba con thỏ.

Hiện nay Mỹ đang phát triển máy bay tàng hình tiếp nhiên liệu trên không, trong đó có cả máy bay không người lái. Nhưng chưa biết khi nào quân đội Mỹ mới được trang bị những vũ khí này.