Nhưng Hồ Tích Tiến, Tổng biên tập Thời báo Hoàn Cầu sau đó lại “ướm lời” viết trên twitter: “Chính phủ Trung Quốc sẽ không lập tức làm thế đâu. Chính phủ đang nghiêm chỉnh đánh giá sự cần thiết làm như thế”.
Thực ra thì 9 năm trước Trung Quốc từng làm thế với Nhật Bản, do có tranh chấp lãnh thổ, khiến giá đất hiếm tăng vọt, thế giới sửng sốt trước sức mạnh của Trung Quốc.
Tuy nhiên, hiện nay việc phong tỏa đất hiếm không những không có tác dụng lớn mà còn làm xấu hình ảnh Trung Quốc trong mắt các đối tác buôn bán của họ, nhất là Nhật Bản, Hàn Quốc. Vả lại Trung Quốc đang phụ thuộc vào khoáng sản (khác) của Mỹ. Một nhà kinh tế Trung Quốc nói: “Hạn chế bán đất hiếm sẽ ảnh hưởng tới rất nhiều nước”.
Thực ra đất hiếm đâu có hiếm! Chỉ có điều việc lấy kim loại đất hiếm từ trong quặng ra vừa tốn kém vừa gây ô nhiễm. Trung Quốc là một trong số cực ít nước làm việc đó. Mỹ, Australia và nhiều nước đều đang khai thác quặng đất hiếm nhưng Trung Quốc dẫn đầu về việc chiết xuất quặng ấy để lấy ra các kim loại giá trị, bột từ (magnetic powders) và các sản phẩm giá trị cao khác. Chúng xuất hiện trong các sản phẩm như iPhone, tuabin điện gió, tên lửa, ống kính máy ảnh...
Mỹ chỉ nhập nhiều chất xúc tác đất hiếm giá rẻ dùng trong luyện dầu. Năm 2018, lượng kim loại đất hiếm Mỹ nhập từ Trung Quốc chỉ chiếm 3,8% lượng xuất khẩu của Trung Quốc, ít hơn Nhật Bản, Ấn Độ... Chủ yếu vì có quá nhiều nhà máy chế tạo đã chuyển ra khỏi Mỹ.
Như vậy, “đòn đánh” đất hiếm mà ông Tập đưa ra chưa chắc đã có tác dụng với Mỹ.