Đánh khủng bố Syria, Putin rút bài học xương máu Afghanistan

Chiến dịch không kích Syria của Nga đang gây sóng gió trên truyền thông thế giới. Có rất nhiều nhận định về sự thành bại của Nga trên chiến trường chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế dưới tên gọi "nhà nước Hồi giáo". Các chuyên gia phương Tây nhận định về hành động của Nga và Mỹ ra sao trong bối cảnh hiện nay?
Tổng thống Nga Vladimir Putin (R) trong cuộc phỏng vấn với nhà báo Mỹ Charlie Rose ở Moscow, ngày 20 tháng 9, 2015. (ảnh: REUTERS / Michael Klimentyev / RIA Novosti / Kremlin)
Tổng thống Nga Vladimir Putin (R) trong cuộc phỏng vấn với nhà báo Mỹ Charlie Rose ở Moscow, ngày 20 tháng 9, 2015. (ảnh: REUTERS / Michael Klimentyev / RIA Novosti / Kremlin)

Tổng thống Nga Vladimir Putin đang bước theo con đường mà thủ trưởng cũ của mình, nhà lãnh đạo KGB, tổng bí thư Yuri Andropov đã đưa Liên xô vào cuộc chiến ở Afghanistan năm 1979 để giúp đỡ chính quyền Kabul đang trong nguy khốn.

Để thành công ở nơi mà ông Andropov đã thất bại, ông Putin cần huy động rất nhiều nhân lực và vật lực giúp đỡ chính quyền của tổng thống Syria Bashar al-Assad. Nhưng ở đây có những khác biệt đáng kể trong những vấn đề mà cả hai cựu cán bộ KGB phải đối mặt, những khác biệt này có lợi cho ông Putin. Saudi Arabia sẽ trở thành kẻ thù lâu dài của ông tương tự như của Andropov.

Mùa thu năm 1979, tại điện Kremlin, Andropov là một trong những người ủng hộ chính cho việc Liên xô tiến hành can thiệp quân sự vào Afghanistan bảo vệ cho chính phủ của đảng cộng sản Afghanistan duy trì được quyền lực. Đảng cộng sản Afghanistan nhanh chóng mất kiểm soát đất nước vào tay những chiến binh thánh chiến Mujahedeen.

Chủ tịch Ủy ban an ninh quốc gia KGB Andropov cảnh báo thất bại ở Afghanistan sẽ gây bất ổn cho tất cả các nước thuộc Liên bang Xô viết vùng Trung Á. Ông Andropov đã thuyết phục tổng bí thư Leonid Brezhnev rằng việc can thiệp này sẽ giành được thắng lợi nhanh chóng. 

Năm 1956, Andropov từng là đại sứ Liên Xô ở Hungary , ông đã đề nghị sự can thiệp của Liên Xô khi tình hình bất ổn ở đó, nhờ đó giữ được Budapest trong khối Hiệp ước Warsaw.

Nhưng thế giới Hồi giáo không phải là Đông Âu. Liên Xô phải đối mặt với sự chống trả cuồng tín và dữ dội của lực lượng  đối lập Hồi giáo ở Afghanistan, ngay sau khi lực lượng đổ bộ đường không ưu tú của Liên Xô giành được Kabul (thay thế một thành viên lãnh đạo phản bội của chính quyền Afganistan bằng một người khác khác sau khi chiếm lĩnh dinh tổng thống).

Vua Saudi Fahd hứa Pakistan rằng ông ta sẽ cung cấp nguồn tài chính cho cuộc thánh chiến Mujahedeen chống lại sự xâm lược của Liên Xô. Fahd đã giao cho Hoàng tử Salman, lúc đó đang là thống đốc Riyadh, phụ trách việc huy động nguồn tài chính tư nhân cho người Afghanistan. 

Salman đã kêu gọi được hàng chục triệu đô la, khởi điểm ban đầu vượt quá số tiền mà CIA và tình báo Saudi cung cấp các Mujahedeen và các đồng minh ở Pakistan. Vua Fahd đã huy động toàn bộ thế giới Hồi giáo chống lại Moscow.

Liên Xô không tập trung được nguồn lực cho cuộc chiến tranh đúng phương pháp. Tại thời điểm nỗ lực cao độ nhất, Liên Xô cũng chỉ triển khai hơn 100.000 quân tại Afghanistan, quá ít để bình định đất nước này. Andropov đã gia tăng đáng kể nguồn lực cho cuộc chiến  khi ông trở thành tổng bí thư Đảng cộng sản Liên xô, nhưng số lượng binh sĩ bộ binh chưa bao giờ đủ.

Nga đã đưa vào Afganistan gấp đôi số lượng quân nhân mà họ sử dụng ở Hungary, một đất nước đồng bằng dễ dàng chinh phục. Liên xô từng có lực lượng quân sự rất lớn vào năm 1979, nhưng Kremlin lúc đó vẫn chưa cung cấp đủ nguồn lực để chiến đấu trong những dãy núi đồi hiểm trở Hindu Kush.

Hàng triệu người Afghanistan đã di cư sang Pakistan và Iran. Cuộc chiến đã làm chết rất nhiều người ở Afghanistan, nhưng lực lượng thánh chiến Mujahedeen không bị tiêu diệt. 

Sau khi tổng bí thư Andropov qua đời, người kế nhiệm Mikhail Gorbachev đã rút quân đội Liên Xô về nước. Quân đoàn 40 Hồng quân phải ra đi buồn thảm.

Sự kiện Bức tường Berlin sụp đổ xảy ra vài tháng sau đó dẫn đến Hiệp ước Warsaw tan rã và nhà nước Liên Xô sụp đổ (Tổng thống V.Putin cho rằng đó là thảm họa địa chính trị tồi tệ nhất của thế kỷ 20).

Chế độ của ông Assad có những điểm bất ổn riêng trong chính sách đối nội chính trị của mình, những bất ổn đó có nguyên nhân sâu xa và có gốc rễ nhiều thế kỷ. Những bất ổn đó khiến chính quyền ông Assad gặp khó khăn khi duy trì quyền lực hành chính trong cộng đồng người Sunni và người Kurd.

Syria đã có quan hệ đồng minh với Nga kể từ năm 1970, sự sụp đổ của chính quyền Syria là điều không thể chấp nhận trong chính sách đối ngoại của ông V.Putin.

Có sự khác biệt quan trọng giữa Syria và Afghanistan. Trước hết, ông Putin đang cố gắng bảo vệ cộng đồng Alawi Hồi giáo bên bờ biển Địa Trung Hải. Hai thành phố cảng Latakia và Tartus là những ưu tiên của Putin.

Khu vực cộng đồng Hồi giáo Alawistan được Putin nhìn nhận như một vùng đất được liên kết với Damascus và Aleppo nhưng đang bị phong tỏa với phần còn lại của Syria. 

Nhưng vùng đất còn lại này sẽ cần rất nhiều nhân lực và vật lực để bảo vệ sự sống còn của nó. Sức mạnh lực lượng không quân không đủ, quân đội nhà nước Syria đã suy giảm khả năng chiến đấu rất nhiều.

Ông Putin có những đồng minh trong khu vực, điều mà ông Andropov không có. Iran, lực lượng Hezbollah và lực lượng dân quân Shiite của Iraq đã chiến đấu cùng quân đội ông Assad trong nhiều năm qua. Những năm 1980, Iran có ủng hộ lực lượng thánh chiến Mujahedeen, nhưng Tehran đang bị cuốn vào cuộc chiến tranh với Iraq.

Gần đây, quân số tham chiến ở Syria của Iran, lực lượng người Shiite Iraq đã tăng lên đáng kể. Nga khẳng định vị thế vững chắc của mình ở phía người Persian  và Shiite trong cuộc đối đầu khu vực Ả rập Saudi - Iran.

Hơn nữa, tổng thống Nga Putin không chiến đấu với người Pakistan. Tổng thống Pakistan Mohammed Zia ul-Haq là kẻ thù lớn nhất của Moscow ở Afghanistan, ông đã cung cấp nơi căn cứ an toàn, vũ khí trang bị, đào tạo và lãnh đạo các chiến binh thánh chiến Mujahedeen. Zia đã nhận lấy tất cả rủi ro để có được thắng lợi trong cuộc chống  Liên Xô.

Hiện nay, cả Jordan và Thổ Nhĩ Kỳ cũng không mặn mà giúp đỡ các lực lượng đối lập ở Syria như Pakistan đã nhiệt tình hỗ trợ những chiến binh thánh chiến ở Afghanistan.

Nhưng Riyadh  thể hiện  sẵn sàng làm tất cả để lấy miếng bánh Syria. Thái tử Mohammed bin Nayef có sứ mệnh giành Syria cho vương quốc. Nhiệm vụ của ông ta là dìm quân đội của V.Putin xuống vũng lầy chiến tranh. 

Vua Salman chuẩn bị chi hàng tỷ USD để thoát khỏi Assad, còn Mohammed bin Nayef có rất nhiều kinh nghiệm trong việc tổ chức các cuộc chiến bí mật. Ả rập Saudi không chấp nhận bất kỳ sự thỏa hiệp nào về Assad, ông ấy phải ra đi.

Tổng thống Jimmy Carter đã phản ứng dứt khoát nhưng ngấm ngầm trước những hành động của Tổng bí thư Andropov. Ông ta tổ chức một liên minh toàn cầu để ủng hộ Zia và Fahd. Chưa đầy hai tuần sau khi Nga chiếm Kabul, lô hàng vũ khí đầu tiên của CIA đến Karachi. Carter có sử dụng một số kinh nghiệm của Nga trong chiến tranh ở Việt Nam, nhờ đó là chiến lược của ông  đã giành thắng lợi.

Tổng thống Barack Obama trong cuộc đối đầu với V.Putin phải đối mặt với những thách thức phức tạp hơn nhiều ở Syria. Ưu tiên của ông ta là chống lại “nhà nước Hồi giáo” và “al-Qaeda”. 

Những nỗ lực của ông ta nhằm xây dựng lực lượng thánh chiến Mujahedeen ở Syria, luôn nửa vời và thất bại, Obama không có Zia. Ông sẽ phải dựa vào Mohammed bin Nayef.

Tác giả Bruce Riedel là bình luận viên cho chuyên mục Xung đột vùng Vịnh của trang Al-Monitor. Ông là giám đốc Dự án tình báo ở Viện Brookings. Cuốn sách của ông với tiêu đề: "Những cuộc khủng hoảng đã quên của JFK: Tây Tạng, CIA và Chiến tranh Trung-Ấn," sẽ được phát hành vào mùa thu năm nay.

Theo QPAN