Đằng sau cuộc đổi chủ ở Tổng Công ty Xây dựng số 1 (CC1)

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Sau khi Bộ Xây dựng và cổ đông chiến lược thoái lui, CC1 xuất hiện nhiều cổ đông lớn, cổ đông gần lớn là các cá nhân.
Đằng sau cuộc đổi chủ ở Tổng Công ty Xây dựng số 1 (CC1)
Đằng sau cuộc đổi chủ ở Tổng Công ty Xây dựng số 1 (CC1)

Sự thoái lui của các nhà đầu tư chiến lược

Trước khi cổ đông Nhà nước thoái vốn, ‘cuộc chơi’ tại Tổng Công ty Xây dựng số 1 - CTCP (Mã CK: CC1) chủ yếu là của các nhà đầu tư tổ chức.

Như VietTimes từng đề cập, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019 (AGM 2019), các cổ đông CC1 đã thảo luận về đề xuất cho phép nhà đầu tư chiến lược được chuyển nhượng cổ phần tự do sau 3 năm nắm giữ (thay vì 5 năm như quy định trước đó). Chủ trương này đã được AGM 2019 của CC1 thông qua với tỉ lệ tán thành tuyệt đối, song vẫn phải chờ cơ quan nhà nước có thẩm quyền và Bộ Xây dựng có ý kiến chính thức.

Cơ cấu cổ đông của CC1 kể từ sau AGM 2019 càng trở nên "cô đặc" với sự xuất hiện của Công ty TNHH Quản lý Quỹ Bảo Việt.

Tại ngày 10/7/2020, Bộ Xây dựng là cổ đông lớn nhất tại CC1, nắm giữ hơn 44,58 triệu cổ phần, tương đương với tỉ lệ sở hữu 40,53% vốn điều lệ. Tiếp đến là các cổ đông chiến lược, gồm CTCP Đầu tư Xây dựng Tuấn Lộc (Tuấn Lộc), CTCP Cơ điện lạnh Nam Thịnh (Nam Thịnh) và CTCP Top American Việt Nam (Top American Việt Nam) với tỉ lệ sở hữu lần lượt là 19%, 15% và 11,03% vốn điều lệ. Công ty TNHH Quản lý Quỹ Bảo Việt là cổ đông lớn, với tỉ lệ sở hữu 9,47% vốn điều lệ.

Đến tháng 11/2020, Bộ Xây dựng đã tổ chức bán đấu giá toàn bộ số cổ phần CC1 đang nắm giữ. Với giá khởi điểm là 23.030 đồng/cp, lô cổ phiếu của Bộ Xây dựng có giá trị lên tới cả nghìn tỉ đồng.

Dù có tới 13 nhà đầu tư tham gia, song thương vụ đấu giá diễn ra khá trầm lắng. Giá đấu cao nhất cũng chỉ ở mức 23.040 đồng/cp, cao hơn 10 đồng so với giá khởi điểm. Khối lượng đặt mua của các nhà đầu tư cũng chỉ ở mức vừa phải, đủ để không trở thành cổ đông lớn của CC1.

Kết quả, có 12 nhà đầu tư cá nhân trúng đấu giá, với mức giá đấu bình quân là 23.031 đồng/cp, chỉ hơn 1 đồng so với mức giá khởi điểm.

Sau khi Bộ Xây dựng thoái vốn, tính đến 31/12/2020, CC1 có 12 cổ đông gần lớn, sở hữu từ 2% đến 5% vốn điều lệ

Sau khi Bộ Xây dựng thoái vốn, tính đến 31/12/2020, CC1 có 12 cổ đông gần lớn, sở hữu từ 2% đến 5% vốn điều lệ

Sau khi cổ đông Nhà nước thoái lui, Top American Việt Nam, Tuấn Lộc và Quản lý Quỹ Bảo Việt đã bán ra toàn bộ số cổ phiếu CC1. Nam Thịnh cũng thể hiện quyết tâm thoái vốn sau 3 lần không thành công.

Ở chiều hướng ngược lại, các ông Trần Tấn Phát và Nguyễn Văn Huấn đã lần lượt mua vào 13,7 triệu cổ phiếu và 12,1 triệu cổ phiếu, qua đó trở thành cổ đông lớn tại CC1 với tỉ lệ sở hữu lần lượt là 12,49% và 11,03% vốn điều lệ. Trong đó, ông Nguyễn Văn Huấn đã được bầu làm Chủ tịch HĐQT CC1 thay thế cho ông Lê Dũng kể từ ngày 21/1/2021.

Bên cạnh đó, dữ liệu của VietTimes cho thấy, CC1 có ít nhất 6 cổ đông gần lớn, sở hữu tổng cộng 23,29 triệu cổ phiếu, tương đương với 21,23% vốn điều lệ.

HĐQT 2021 – 2026 của CC1 gồm những ai?

Tại AGM 2021 sắp tới, đại hội dự kiến sẽ bầu lại nhiệm kỳ 2021 – 2026 của 5 thành viên HĐQT CC1, bao gồm các ông: Nguyễn Văn Huấn, Nguyễn Đức Dũng, Nguyễn Quốc Cường, Nguyễn Văn Bình và Nguyễn Thành Vinh.

Trong đó, ông Nguyễn Đức Dũng (SN 1963) là nhân sự kỳ cựu tại CC1, được nhóm 3 cổ đông cá nhân (sở hữu 11,595 triệu cổ phiếu CC1) đề cử.

Ông Nguyễn Thành Vinh (SN 1985) được 3 cổ đông cá nhân khác (sở hữu 11,696 triệu cổ phiếu CC1) đề cử, là Giám đốc Chi nhánh HCM của CTCP Chứng khoán KB VIệt Nam.

Ông Nguyễn Quốc Cường (SN 1977) là Tổng Giám đốc Nam Thịnh, làm thành viên HĐQT CC1 từ năm 2016 đến nay.

Ông Nguyễn Văn Bình (SN 1980) được đề cử bởi công ty Tuấn Lộc, là Giám đốc khu vực miền Nam – khối định giá TSĐB của Công ty Quản lý nợ và khai thác tài sản Ngân hàng SeABank.

Ông Nguyễn Văn Huấn (SN 1981) từng có 10 năm đảm nhiệm cương vị Chủ tịch HĐQT CTCP Đất Vàng (Đất Vàng), hiện là Tổng Giám đốc kiêm đại diện theo pháp luật của CTCP Thương mại dịch vụ đầu tư địa ốc vàng (Golden Land).

Theo tìm hiểu của VietTimes, Golden Land được thành lập vào tháng 3/2020, hoạt động trong lĩnh vực bất động sản. Công ty này có vốn điều lệ 60 tỉ đồng, các cổ đông sáng lập có chung địa chỉ thường trú, bao gồm: ông Nguyễn Văn Huấn (90% VĐL), ông Nguyễn Văn Huy (5% VĐL) và ông Đinh Tú Tài (5% VĐL).

Ông Đinh Tú Tài (SN 1991) hiện còn đứng tên tại CTCP Xây dựng Bất động sản Phương Đông (tiền thân là Công ty TNHH Nhadat.net), Công ty TNHH Năng lượng mặt trời TMS Việt Nam (TMS Việt Nam) và Công ty TNHH Năng lượng mặt trời VVT Việt Nam (VVT Việt Nam), sở hữu cổ phần tại CTCP HHD Group (HHD Group).

TMS Việt Nam và VVT Việt Nam đang triển khai hệ thống điện mặt trời áp mái trên trang trại tại xã Đạ K’Nàng, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng.

Liên danh Mitsubishi Corporation (Nhật Bản) - Hyundai Engineering and Construction (Hàn Quốc) - Tổng công ty Xây dựng số 1 (Liên danh MC - HDEC - CC1) vừa trúng Gói thầu số 15 (EPC-QT1) Thiết kế, cung cấp hàng hóa và xây lắp (EPC) Dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch 1 với giá 30.236,41 tỉ đồng, giảm 4,1 tỉ đồng so với giá gói thầu.

Dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch 1 được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giao cho Ban Quản lý dự án Điện 2 làm đại diện chủ đầu tư toạ lạc tại thôn Vĩnh Sơn, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình.

Dự án có tổng mức đầu tư 1,86 tỉ USD, gồm 2 tổ máy với tổng công suất lắp đặt 1.200MW, khi đi vào vận hành nhà máy sẽ cung cấp cho lưới điện quốc gia sản lượng điện thương phẩm khoảng 7,8 tỷ kWh/năm./.