Dân Trung Quốc yêu hay sợ ông Tập Cập Bình?

"Dân Trung Quốc thật sự yêu Tập Cập Bình hay sợ ông?" là tên gọi của một bài trên báo Guardian (Anh). 
Ông Tập Cận Bình cùng phu nhân Bành Lệ Viên
Ông Tập Cận Bình cùng phu nhân Bành Lệ Viên

Ngày 22.9 tới, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ đến Mỹ, được đón chào bằng 21 phát đại bác, được mời dự tiệc ở Nhà Trắng và sẽ nói chuyện với các lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ như Tim Cook, Warren Buffet, Jeff Bezos... 

Tuần trước, ông Tập nói về chuyến thăm Mỹ chính thức đầu tiên của ông: “Tôi xếp chuyến đi này thuộc hàng quan trọng, và tôi chờ đợi một cuộc trao đổi quan điểm sâu sắc với Tổng thống Mỹ Barack Obama”.

Ở Bắc Kinh, cơ quan tuyên truyền đề cao cương vị thượng khách của ông Obama là vị lãnh đạo tuyệt đối của nhân dân, thích bóng đá, thích ăn bánh bao, và trên hết, ông yêu tổ quốc của ông.

Bí ẩn như nàng Mona Lisa 

Nhưng gần 3 năm sau khi ông Tập nắm quyền lực, đa số các nhà quan sát vẫn chật vật tìm cách để hiểu rõ vị lãnh đạo nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới này. Một số người gọi ông Tập là lãnh đạo quyền lực nhất TQ kể từ sau Mao Trạch Đông, còn người khác nói ông là thuyền trưởng của một con tàu đang chìm nhanh.  

Vài người đã gặp ông Tập mô tả ông là người nhã nhặn, tò mò, thích xem phim Mỹ, trong đó có phim Giải cứu binh nhì Ryan.  Một nhà ngoại giao phương Tây đã gặp ông Tập nhận xét: “Ông ấy rất có duyên”.

Một số người khác lại phác họa chân dung của một nhà lãnh đạo đầy toan tính, nhẫn tâm, có nhiều điểm chung với Tổng thống Nga Vladimir Putin hơn là giống Tom Hanks, diễn viên chính trong Giải cứu binh nhì Ryan.  

Willy Lam, tác giả cuốn sách Chính trị TQ thời Tập Cận Bình: phục sinh, cải tổ hay là suy yếu hơn?, là người đề cập chuyện dân Trung Quốc thật sự yêu Tập Cận Bình hay sợ ông. Lam nói: “Người ta sợ ông ấy hơn là ngưỡng mộ”.

Orville Schell, một nhà quan sát TQ lâu năm, theo dõi chính trị TQ từ thời Mao, là một trong những người nhận định có sự bí ẩn xung quanh ông Tập. Schell từng ngồi hàng đầu quan sát ông Tập khi ông gặp Phó tổng thống Mỹ Joe Biden năm 2012, lúc ấy ông Tập là Phó chủ tịch TQ.

Ông Schell nhớ lại: “Khuôn mặt ông ấy làm tôi nhớ bức tranh Mona Lisa: một dạng biểu cảm thoáng qua nhưng không bao giờ cho biết điều gì, cứ như ông ấy thật sự cố kiềm chế những phản ứng. Thật không thể tin nổi”.

Schell tin rằng ông Tập bắt chước theo Hàn Phi Tử, nhà triết học TQ từng có câu châm ngôn cơ bản này trong sách Quân vương: “Giữ bí ẩn, đừng tỏ ra minh bạch”. Ý của nhà triết học: Làm chính trị phải tuyệt đối bí mật, không để lộ ý định cho bất kỳ ai biết. Một chiến lược bại lộ là một chiến lược thất bại”.

Schell nói: “Tôi nghĩ toàn bộ phong thái của ông Tập là giữ các lá bài sát ngực, buộc người ta bất ổn một chút, mất cân bằng và từ đó ông thể hiện uy quyền lớn hơn”.

Ông Tập Cận Bình sẽ hội đàm với Tổng thống Obama
Ông Tập Cận Bình sẽ hội đàm với Tổng thống Obama

Tư tưởng ông Tập "đỏ hơn cả đỏ"

Mao Trạch Đông có tầm ảnh hưởng mạnh với ông Tập. Schell nói: “Mao rất cảnh giác. Ông ấy hiếm khi xuất hiện trước công chúng, không muốn đến gần nhân dân.  Ông ấy điều hành từ sau bức màn. Và ông ấy luôn khiến người ta bị bất ổn, không ai biết rõ ông ấy sẽ làm gì tiếp theo. Tôi nghĩ ông Tập phần nào cũng thế”.  

Ông Tập, 62 tuổi, chào đời 4 năm sau khi quân của Mao giành chiến thắng sau nhiều năm nội chiến với Quốc dân đảng. Thời niên thiếu của ông trùng với những năm bão tố trong lịch sử TQ, chẳng hạn tiếp sau nạn đói lớn khiến hàng triệu người chết là cuộc Cách mạng văn hóa khủng khiếp.  

Ông Tập từng được ưu ái, ban đầu tưởng như không phải chịu đựng những sự kinh khiếp đó. Nhưng khi Tập mới 9 tuổi, cha ông là Tập Trọng Huân bị trừng phạt sau khi lên án Chủ tịch Mao.

Suốt cuộc Cách mạng văn hóa (1966-1976), ông Tập ở tuổi mới lớn bị đưa về vùng nông thôn tỉnh Sơn Tây, sống trong một cái hang, phải học cách dùng xẻng cho heo ăn, diệt trùng và học các tác phẩm của Karl Marx và Mao.

Những năm đầu hỗn loạn đã khiến Tập nuôi dưỡng một quyết tâm thành đạt, theo những người đã gặp ông kể lại.

Schell nói: “Một cuộc cách mạng như của TQ thấm sâu vào máu của một đất nước, và tôi nghĩ nó thấm sâu vào máu ông Tập, vì tất cả những trải nghiệm cơ bản của ông ấy đều vào thời Mao, ở Sơn Tây”.

Tập Cận Bình thời niên thiếu ở nông thôn
Tập Cận Bình thời niên thiếu ở nông thôn

Theo thông tin ngoại giao Mỹ bị Wikileaks “xì”, một giáo sư đại học biết ông Tập đã nói với các nhà ngoại giao Mỹ rằng nhiều người cùng thời với ông Tập ráng vượt qua nỗi ám ảnh của thời Cách mạng văn hóa, bằng cách lao vào “quan hệ yêu đương, rượu chè, phim và văn học phương Tây”.

 Nhưng ông Tập thì không, nguồn tin cho biết “ông ấy chọn cách tồn tại bằng cách trở nên đỏ hơn cả đỏ. Trong khi người cùng thời lao vào giải trí, ông Tập đọc Marx và dựa vào nền tảng này để lập sự nghiệp chính trị”.

Nguồn tin của Sứ quán Mỹ tại TQ mô tả ông Tập là người “bị loại hoàn toàn khỏi xã hội TQ chạy theo chủ nghĩa vật chất, với tầng lớp giàu mới, quan tham, đánh mất mọi giá trị đạo đức và sự tự trọng, cùng những tệ nạn như ma túy và mua bán dâm. Chính vì vậy, ở vị trí Tổng bí thư đảng Cộng sản TQ (CPC), ông Tập rất tích cực xử lý những tệ nạn này”.

Những dự báo trên hầu như trở thành sự thật, khi bố của ông Tập trở lại thành nhà lãnh đạo TQ hồi tháng 11.2012.

Dưới thời ông Tập con, một số gương mặt quyền lực nhất CPC bị bêu tên, bị bỏ tù trong chiến dịch bài trừ tham nhũng “đả hổ đập ruồi”, hàng trăm ngàn cán bộ đảng viên bị kỷ luật ở toàn TQ.

Những người có thần thế bị ông Tập thanh trừng có thể kể: Chu Vĩnh Khang, cựu chỉ huy khét tiếng của ngành công an TQ; Lệnh Kế Hoạch, cựu thư ký riêng của ông Hồ Cẩm Đào; hai cựu Phó chủ tịch Quân ủy trung ương Quách Bá Hùng và Từ Tài Hậu (ông Hậu chết do ung thư bàng quang hồi đầu năm 2015).

Giáo sư Roderick MacFarquhar của Đại học Harvard và là tác giả cuốn sách Cuộc cách mạng cuối cùng của Mao, nói: “Tôi nghĩ ông Tập đang tính thực hiện một cuộc Cách mạng văn hóa, nhưng là một cuộc Cách mạng văn hóa không có bạo lực, không thể dự báo trước như thời Hồng vệ binh.

Mao ráng thực hiện Cách mạng văn hóa nhằm chuyển biến quần chúng trở thành những chiến sĩ cách mạng…, còn ông Tập đang ráng khiến CPC trung thực hơn, và chắc chắn đó là một cuộc Cách mạng văn hóa sau sự tàn phá những lý tưởng thời 1940-1950”.

MacFarquhar nói quyết tâm bài trừ tham nhũng của ông Tập xuất phát từ niềm tin của ông: tham nhũng đe dọa sự tồn vong của CPC vốn được ra đời tại Thượng Hải năm 1921.

MacFarquhar nói: “Tuy nhiên, làm trong sạch đảng không có nghĩa là loại bỏ tham nhũng. Điều quan trọng mà Mao dạy ông ấy là làm sạch suy nghĩ của người dân”.

Nhằm chinh phục tư tưởng của nhân dân TQ, ông Tập đang tiến hành cả hai cuộc chiến tranh tuyên truyền và tư tưởng, nhằm nâng cao uy tín của ông, và để quét sạch mọi tư tưởng chống đối hoặc bè phái khỏi đời sống.

Những “tư tưởng tây hóa” và các học giả có quan điểm tự do đều bị “soi” ở môi trường học đường-đại học TQ. Bộ trưởng giáo dục nước này từng cảnh cáo rằng các thế lực thù địch âm mưu tranh thủ lớp học để lật đổ CPC.

Hoàng đế Trung Quốc thế kỷ 21 

Trong khi đó, đang có sự tôn sùng nhà lãnh đạo Tập, với sách, tranh, ca khúc và thậm chí những điệu vũ ca ngợi chế độ dưới quyền ông Tập.

Ông Tập muốn đề cao uy thế của ông ở trong nước, nhằm chứng minh với thế giới rằng TQ là một thế lực lớn. Hồi đầu tháng 9, hàng ngàn quân TQ diễu binh ở quảng trường Thiên An Môn, nhằm đề cao vai trò lãnh đạo của ông.

Lam nói: “Đấy là một kiểu cách quý tộc, nay rõ ràng hơn, nhất là sau cuộc diễu binh. Nói “bán thần” thì hơi quá, nhưng sau cuộc diễu binh, ông ấy như một vị vua”.

Nhiều dân thường TQ xem ra yêu mến vị vua thế kỷ 21 của họ.  Nhạc sĩ Zhang Jingchuan nói: “Ông ấy có sự ủng hộ của toàn dân".

Nhưng Lam nói trong khi ông Tập tự thể hiện là “người của nhân dân”, thì nay ông lại tự tỏ ra là một lãnh đạo xa rời quần chúng, ngày càng phải dựa cậy vào các “chiến hữu”.

Lam nói: “Vấn đề của ông Tập là ông ấy phải là người vạch chính sách. Ông ấy đã lộ sự yếu kém trong việc đưa ra các giải pháp, ví dụ như cho kinh tế, một lĩnh vực quan trọng nhất”.

TQ vừa trải qua cuộc mất giá thị trường chứng khoán nghiêm trọng, cùng vụ nổ kinh hoàng ở Thiên Tân đã phơi bày rõ những yếu kém trong bộ máy của ông Tập.

David Shambaugh, một nhà nghiên cứu TQ nổi tiếng của Đại học George Washington, nói TQ nay cần một lãnh đạo mạnh mẽ hơn, để đối phó “nhiều vấn đề nghiêm trọng".

Shambaugh nói: “Nhưng nỗ lực tập trung quyền lực của ông ấy không nhất thiết là cách hay nhất để giải quyết những vấn đề này. Tôi nghĩ ông Tập có nhìn ra chiều sâu độ khó mà CPC đang đối mặt, nhưng hành động của ông ấy có kéo dài hay làm ngắn đi sự tồn tại của CPC là một câu hỏi đáng bàn luận”.  

Vĩnh Thụy lược dịch từ Guardian, Một thế giới đăng tải