Người dân đầu tư cả chục triệu đồng khoan giếng
Ai cũng nghĩ chuyện khoan giếng đào giếng chỉ diễn ra ở vùng nông thôn, nơi không có nước máy sử dụng, nhưng giờ nó lại đang rộ lên thành trào lưu ngay giữa lòng Thủ đô. Ở tổ dân phố số 13, phường Mỹ Đình I, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, giờ nhà nào có giếng nhà đó được xem là "có điều kiện"… bởi nhà đó sẽ có nước sạch để dùng - đó là thực tế mà PV Infonet vừa mới ghi nhận được.
Giếng khoan của nhà bà Nguyễn Thị Huyền bên bức tường ngoài cửa. |
Bà Nguyễn Thị Huyền (64 tuổi, ở tổ 13, phường Mỹ Đình I, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: “Trước đây, chúng tôi dùng nguồn nước sạch sông Đà. Nhưng từ ngày đường ống dẫn nước sạch sông Đà liên tục vỡ, người dân chúng tôi không có nước để dùng nên phải khoan giếng. Ở đây, hơn 2/3 các hộ dân đều khoan giếng để lấy nước dùng”.
Người dân đang xây dựng bể lọc nước từ giếng khoan. |
Giống như gia đình bà Huyền, ông Nguyễn Đức Cường cho biết: “Sau nhiều lần lừng chừng về sự cố mất nước, đến khi đường ống dẫn nước sạch sông Đà vỡ lần thứ 13, nhà mất nước hơn 1 tháng gia đình tôi đã quyết tâm tự khoan giếng”.
Ông Cường bên hệ thống nước của gia đình. |
“Chúng tôi là khách hàng mà không được phục vụ đầy đủ, gọi điện lên công ty nước thì họ bảo nhà họ cũng thế, vậy thì chúng tôi biết làm sao. Không có nước sạch để dùng nên gia đình chúng tôi tiến hành khoan giếng và phải trang bị hệ thống lọc nước từ giếng khoan. Gia đình tôi đã đầu tư thêm hơn 10 triệu đồng hoàn thiện một “bộ giếng khoan” để lấy nước dùng”, ông Cường chia sẻ.
Biến bể nuôi cá thành bể đựng nước mưa để sử dụng
Không có khoảng đất trống như nhà ông Cường, nhiều hộ dân muốn có giếng khoan phải hi sinh mảnh đất giữa nhà. Sơ đồ được các gia đình tự thiết kế và dán ngay cạnh để dễ vận hành "nhà máy nước mi ni" của mình. Gầm cầu thang cũng thành nơi khoan giếng, máy bơm, ống nước được lắp ngổn ngang… đó là thực tế của gia đình ông Lê Khánh Thành.
Gầm cầu thang nhà ông Thành biến thành giếng khoan. |
Ông Lê Khánh Thành (71 tuổi, ở phường Mỹ Đình I) cho biết: “Hơn 2 tháng rồi chúng tôi không có nước sinh hoạt để dùng. Chính vì vậy, nhà tôi biến gầm cầu thang thành nơi khoan giếng để lấy nước dùng. Mặc dù giếng nước khoan dùng rất bẩn, nhưng chúng tôi bắt buộc phải dùng. Mỗi khi trời mưa, gia đình tôi biến bể nuôi cá thành bể đựng nước mưa nhằm sử dụng cho nước nấu cơm”.
Theo ông Thành, ở đây người dân thuê trọ nhiều nên mỗi khi có nước, các nhà ở mặt phố (gần đường ông nước – PV) đều tiến hành bơm. Chính vì vậy nước không còn cho những người ở xa đường ống dẫn nước sạch nữa.
Chị Nguyễn Thị Thu Nga, Mỹ Đình I, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội nói: “Không có nước nên chúng tôi phải đầu tư mấy cái máy đây này, một cái máy bơm nước chân không mà chả có nước mà hút, lại phải đầu tư máy khoan, hệ thống đường lọc, tự nhiên mất hơn chục triệu".
Theo chị Nga, sau nhiều lần mất nước kéo dài, việc gia đình chị bỏ ra hơn chục triệu để có nước dùng là điều may mắn hơn các hộ dân khác rồi. Nhiều nhà không khoan được giếng trong nhà, họ phải ra ngoài đường khoan. Nếu ngày xưa những chiếc giếng khoan chỉ dành cho những hộ dân giảm bớt tiền dùng nước sạch thì đến lúc này nó đã trở thành công trình của những người “muốn dùng nước sạch”.
Khi đường ống dẫn nước sạch sông Đà về Hà Nội bị vỡ lần thứ 15, PV Infonet đã trực tiếp trao đổi với ông Nguyễn Văn Tốn, Tổng Giám đốc Công ty Nước sạch Vinaconex.
Ông Nguyễn Văn Tốn cho biết: “Đến lúc này, đơn vị không giảm áp nữa, vì đã giảm hết kích cỡ rồi. Để đảm bảo nước sạch cho người dân Thủ đô thì đúng như kế hoạch đến ngày 7/10 này, đơn vị sẽ khởi công xây dựng đường ống mới (đường ống số 2- PV)”.
Theo Infonet