Theo cổng thông tin điện tử Bộ Công thương, Tổng Giám đốc Công ty Dệt kim Đông Xuân, ông Trần Việt, cho biết doanh nghiệp có thế mạnh chuyên sản xuất loại vải dệt kim kháng khuẩn để may thành các sản phẩm xuất khẩu sang Nhật Bản, đáp ứng tiêu chuẩn nghiêm ngặt về trang phục kháng khuẩn của thị trường này. Công ty cũng tiến hành sản xuất khẩu trang với sản lượng 50.000 chiếc/ngày.
Theo chia sẻ của CEO Dệt kim Đông Xuân, trước nhu cầu cấp thiết của thị trường hiện nay, công ty hoàn toàn có thể mở rộng quy mô để sản xuất khẩu trang kháng khuẩn với sản lượng lên đến 300.000 chiếc mỗi ngày (tương ứng với việc tăng gấp 6 lần quy mô sản xuất).
Công ty Babu là một doanh nghiệp chuyên sản xuất thời trang trẻ em, trong đó có khẩu trang. Sản phẩm của công ty có đặc điểm là làm từ sợi tre nên không chỉ có tính thân thiện với môi trường mà còn đảm bảo khả năng kháng khuẩn lâu dài.
Mặc dù mới qua giai đoạn nghỉ Tết, công ty đang gấp rút mở rộng số chuyền để có thể sản xuất khẩu trang đáp ứng cho nhu cầu của xã hội.
Xưởng sản xuất khẩu trang của Công ty Babu (Ảnh: Bộ Công thương)
|
Tại một số doanh nghiệp khác, đoàn công tác cũng đã nhận được sự hợp tác tích cực trong việc cung cấp thông tin về năng lực sản xuất mặt hàng khẩu trang.
Các doanh nghiệp đều khẳng định ý thức cộng đồng trong việc sản xuất mặt hàng này, sẵn sàng sản xuất và cung cấp với giá tương đương chi phí sản xuất, không lấy lãi, không tăng giá để phục vụ tốt nhất yêu cầu phòng chống dịch theo tinh thần chỉ đạo chung của Chính phủ và Bộ Công Thương.
Các doanh nghiệp cũng bày tỏ mong muốn được Bộ Công Thương hỗ trợ trong việc kết nối nguồn cung, đặc biệt là nguồn cung về vải, để có thể sản xuất được khẩu trang đủ số lượng yêu cầu.
Mặt khác, các doanh nghiệp cũng đề nghị Bộ Y tế sớm hướng dẫn, hỗ trợ các thủ tục để công nhận sản phẩm khẩu trang đạt yêu cầu chất lượng, quy chuẩn kỹ thuật.
Cũng trong ngày 2/2/2020, lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) trên cả nước đã kiểm tra, xử lý 1.136 vụ vi phạm về giá tại các cửa hàng kinh doanh thiết bị y tế và các cửa hiệu, nhà thuốc; tạm giữ 313.746 khẩu trang các loại.
Như vậy, cộng dồn từ ngày 31/1 đến ngày 2/2/2020, lực lượng QLTT đã kiểm tra, xử lý 1.221 vụ, tạm giữ 318.616 chiếc khẩu trang (không kể số 94.000 chiếc do Cục QLTT TP.HCM xử lý đối với Công ty TNHH Thiết bị y tế Thời Thanh Bình).
Đối với số hàng 94.000 khẩu trang do Cục QLTT TP.HCM tạm giữ, sau khi làm rõ hành vi để xử lý, Công ty TNHH Thiết bị y tế Thời Thanh Bình đã cam kết không vi phạm, khắc phục vi phạm nhãn và đã chuyển 94.000 cái khẩu trang hiệu Medical về chi nhánh để bán ra phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng.
Sau khi triển khai quyết liệt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành, hiện tượng thu gom khẩu trang y tế và các sản phẩm sát trùng đã giảm so với những ngày trước. Tuy nhiên, tại nhiều địa phương vẫn xảy ra hiện tượng thiếu hàng, tăng giá các mặt hàng khẩu trang, nước sát trùng và găng tay y tế phục vụ phòng bệnh./.