Những năm gần đây, Việt Nam đang phải đối mặt với sự gia tăng tỷ lệ mắc các bệnh không lây nhiễm, đặc biệt là bệnh ung thư, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và hen suyễn. Các bệnh không lây nhiễm là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở Việt Nam.
Chính vì thế, Việt Nam và Đan Mạch đã hướng trọng tâm hợp tác ngành y tế vào việc tăng cường năng lực của tuyến y tế cơ sở tại địa phương trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến bệnh đái tháo đường và tăng huyết áp, góp phần cải thiện khả năng tiếp cận, phòng ngừa, phát hiện sớm các bệnh không lây nhiễm.
Đại sứ Đan Mạch Kim H. Christensen phát biểu tại buổi lễ
|
Đại sứ Đan Mạch Kim H. Christensen cho biết: “Chúng tôi rất vui khi thấy kết quả đáng khích lệ của sự hợp tác, khi kiến thức và năng lực cơ sở giải quyết các vấn đề liên quan đến bệnh đái tháo đường và tăng huyết áp đã tăng đáng kể.
Tuy nhiên, việc tích hợp phương pháp này vào toàn bộ hệ thống y tế quốc gia đòi hỏi sự cam kết mạnh mẽ và nhiều nguồn lực từ Chính phủ Việt Nam. Hy vọng mô hình can thiệp này là một ví dụ đầy cảm hứng để Việt Nam nhân rộng tại nhiều tỉnh khác. Đan Mạch sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực này với giai đoạn 2 trong vòng 3 năm dự kiến bắt đầu vào tháng 9/2019”.
Từ năm 2017, Đan Mạch và Việt Nam đã khởi động dự án Hợp tác chiến lược về Y tế tại Việt Nam trong 2 năm, trọng tâm là tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu và y học gia đình. Đặc biệt tập trung vào cách giải quyết gánh nặng ngày càng tăng của các bệnh không lây nhiễm, nhất là bệnh đái tháo đường và tăng huyết áp.
Dự án giúp người dân phát hiện sớm bệnh đái tháo đường và tăng huyết áp.
|
Dự án giúp người dân phát hiện sớm bệnh đái tháo đường và tăng huyết áp.
|
Các địa bàn dự án triển khai là các khu vực nông thôn, nơi người dân có điều kiện kinh tế còn thấp sinh sống, khó tiếp cận với điều trị chuyên khoa.
Ở giai đoạn 1, 400 cán bộ y tế cơ sở ở Thái Bình đã được đào tạo để ứng phó sớm với bệnh đái tháo đường và tăng huyết áp qua các tài liệu truyền thông tiêu chuẩn quốc tế do dự án phát triển. Dự án cũng cung cấp thiết bị cơ bản cho 30 Trạm y tế xã và 330 nhân viên y tế thôn. Những cải tiến này góp phần cung cấp các dịch vụ y tế trong khả năng chi trả và tăng cơ hội cho những người mắc bệnh tiểu đường và tăng huyết áp có điều kiện sống lâu và sống khỏe mạnh.
Dự kiến, giai đoạn 2 của dự án Hợp tác chiến lược về Y tế tại Việt Nam sẽ bắt đầu vào tháng 9/2019 và kéo dài trong 3 năm.
Theo đó, dự án sẽ tiếp tục tập trung vào việc phòng ngừa, phát hiện sớm và quản lý các bệnh không lây nhiễm ở cấp huyện, cấp xã và thôn, đồng thời, hoạt động trên khía cạnh rộng hơn về chăm sóc sức khỏe ban đầu.
Mục tiêu chính của dự án là mang lại dịch vụ y tế chất lượng nằm trong khả năng chi trả và phù hợp cho bệnh nhân mắc bệnh mãn tính tại địa phương.