Căn cứ theo các tài liệu công bố, từ trước đó, ông Võ Tấn Thịnh đã là cổ đông “gần lớn” tại CTCP Long Hậu (Mã CK: LHG) với tỷ lệ sở hữu 4,9%. Tính theo thị giá trên thị trường (bình quân 25.000 đồng/cp), 3,58 triệu phiếu mà ông Võ Tấn Thịnh mới mua vào có giá trị lên tới 89,5 tỷ đồng.
Mặt khác, sau các giao dịch này, tỷ lệ sở hữu của ông Võ Tấn Thịnh tại LHG cũng “nhảy vọt” lên mức 11,9%, trở thành cổ đông lớn thứ 2 ngay sau Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC).
Độ chịu chi cùng sự xuất hiện đầy bất ngờ và quyết đoán của “tay chơi” mới tại LHG khiến thị trường không khỏi xôn xao, đồn đoán về nhà đầu tư bí ẩn Võ Tấn Thịnh trên nhiều diễn đàn đầu tư.
Một nguồn tin của VietTimes xác tín rằng, ông Võ Tấn Thịnh chính là vị đại gia đã bán CTCP Cáp điện Thịnh Phát (Thipha Cables) và CTCP Kim loại màu và nhựa Đồng Việt (Dovina) cho đại gia Thái Lan hồi đầu năm nay. Thương vụ có trị giá lên tới 240 triệu USD.
Thipha Cables và Dovina là những doanh nghiệp hàng đầu tại Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất dây, cáp điện, với doanh thu hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm.
Theo những quy định trong hợp đồng, ông Võ Tấn Thịnh sẽ phải rời xa lĩnh vực sản xuất dây và cáp điện trong vòng ít nhất 5 năm. Song, như VietTimes từng đề cập, vị đại gia sinh năm 1962 không để “núi tiền” thu về từ thương vụ bán Thipha Cables và Dovina "ngồi chơi xơi nước".
Những tìm hiểu của VietTimes cho thấy, ông Võ Tấn Thịnh còn có mối quan tâm tới bất động sản nhà ở với dự án Khu dân cư Thịnh Phát (TP. HCM) quy mô 32.657,4 m2. Bản thân vị doanh nhân này cũng sở hữu nhiều bất động sản.
Song, hoạt động đầu tư vào bất động sản khu công nghiệp dường như mới thực sự là hướng đi được chú trọng.
Ở một chi tiết đáng chú ý, trước thương vụ với tập đoàn Thái Lan khoảng 8 tháng, CTCP Địa ốc Cáp điện Thịnh Phát (Thịnh Phát Land) của ông Võ Tấn Thịnh đã chia tách thành Thipha Cables và CTCP Địa ốc – Cáp điện Thịnh Phát (Thipha Land). Đồng nghĩa, ông Thịnh đã tách mảng điện thành công ty riêng để bán cho đối tác.
Thịnh Phát Land là chủ đầu tư dự án khu công nghiệp Thịnh Phát có quy mô 74 ha tại huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Đạt tỷ lệ lấp đầy cao, năm 2017, doanh nghiệp này tiếp tục xin chủ trương đầu tư giai đoạn 2, mở rông khu công nghiệp thêm 112,87 ha.
Đối với LHG, doanh nghiệp này là một trong những “ông lớn” bất động sản khu công nghiệp tại miền Nam, sở hữu 3 khu công nghiệp lớn là: Khu công nghiệp Long Hậu (137,02 ha), Khu công nghiệp Long Hậu mở rộng (82,7 ha) và Khu công nghiệp Long Hậu 3 (981 ha).
Các khu công nghiệp của LHG được giới phân tích đánh giá cao về tiềm năng bởi vị trí chiến lược, nằm trong vùng ưu tiên phát triển công nghiệp, khu đô thị “hướng ra biển đông” của TP. HCM, có lợi thế về giao thông, tiếp giáp với các cụm cảng lớn./.