Đại gia thách thức: Bỏ hoang đất vàng, nợ thuế ngàn tỷ

Ôm rất nhiều đất vàng, vẽ ra dự án hoành tráng nhưng các đại gia nhà đất Hà Nội vẫn chai lì không triển khai, bỏ hoang đất đai rồi nợ thuế cả ngàn tỷ.
Các chủ đầu tư chỉ trông chờ vào việc bán nhà để có tài chính. (Ảnh: Tuấn Linh)
Các chủ đầu tư chỉ trông chờ vào việc bán nhà để có tài chính. (Ảnh: Tuấn Linh)

Trong danh sách các dự án nợ thuế, không ít trong số đó đang trong tình trạng “bất động”, kinh doanh khó khăn khiến nhiều doanh nghiệp nợ tiền thuế, tiền sử dụng đất. Câu hỏi đặt ra hiện nay là liệu doanh nghiệp có đủ khả năng để trả nợ thuế?

Dự án hoành tráng phủ cỏ

Có mặt tại dự án khu nhà phố Wall trên đường Trần Thái Tông (quận Cầu Giấy, HN), theo quan sát, công trường vẫn chỉ là bãi đất trống quây tôn. Bên trong dự án chỉ vài cọc bê tông hoen gỉ, không một bóng công nhân.

Trong tình cảnh đắp chiếu như vậy, tại danh sách công khai doanh nghiệp nợ thuế của Cục Thuế Hà Nội thì Công ty TNHH Kim Anh còn nợ đến 74,9 tỷ đồng tiền thuế.

Mang tên phố Wall, dự án từng được giới thiệu trên các trang mạng như khu phố Wall của Việt Nam, tập trung tất cả các ngân hàng, tổ chức tài chính, văn phòng các công ty. “Chủ đầu tư: Công ty TNHH Kim Anh, doanh nghiệp có duy nhất dự án Khu nhà ở Phố Wall Trần Thái Tông, nên không bị dàn trải về vốn, rất tâm huyết”, trích lời quảng cáo trên một trang rao vặt.

Theo một quảng cáo rao vặt của dự án này, mỗi căn giá từ 20 - 68 tỷ đồng/căn và nói rõ giá bán đã gồm VAT, thuế chuyển nhượng quyền sử dụng đất nhưng chưa gồm thuế trước bạ, tiền xây dựng.

Đại gia thách thức: Bỏ hoang đất vàng, nợ thuế ngàn tỷ ảnh 1

Hàng loạt dự án dang dở nhưng nợ thuế khủng. (Ảnh: Tuấn Linh)

Một dự án khác cũng dở dang và nợ thuế là tòa tháp Doanh nhân tại quận Hà Đông. Chủ đầu tư CTCP Xuất nhập khẩu Tây Đô hiện đang nợ thuế tiền sử dụng đất là 21,907 tỷ đồng. Dự án bất động nhiều năm, tòa tháp Doanh nhân tọa lạc ngay gần trung tâm quận Hà Đông, được thiết kế gồm căn hộ cao cấp, văn phòng, khách sạn và trung tâm thương mại, với tổng số vốn đầu tư là 1.200 tỷ đồng.

Đầu tháng 7, cơ quan thuế đã thực hiện việc cưỡng chế thuế đối với doanh nghiệp này. Theo Cục thuế Hà Đông, nhiều năm nay, cơ quan thuế đã ra thông báo, thực hiện lệnh cưỡng chế bằng cách phong tỏa tài khoản của doanh nghiệp này.

Sau khi phong tỏa tài khoản, vào tháng 1/2015 công ty đã nộp vào nhà nước 5 tỷ đồng và ngày 30/6/2015, doanh nghiệp tiếp tục nộp được 1 tỷ đồng. Số tiền sử dụng đất còn nợ là 21 tỷ đồng, doanh nghiệp vẫn tiếp tục không trả.

Năm 2009, chủ dự án này đã ký hợp đồng góp vốn xây dựng với nhiều khách hàng. Tuy nhiên, đã nhiều năm nay dự án vẫn chỉ đang thực hiện phần móng.

Hay như dự án khu đô thị mới Phú Lương (quận Hà Đông) của Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Trung Việt đang nợ tiền sử dụng đất lên đến 1.544 tỷ đồng. Được khởi công từ năm 2008, nhưng sau đó dự án đã tạm dừng và “đắp chiếu” đến năm 2015 lại tiếp tục khởi động.

Các dự án khác được nhắc tới như dự án đầu tư xây dựng văn phòng giao dịch, nhà ở, chung cư cao tầng, biệt thự nhà vườn để bán và cho thuê tại phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai do Cty CP Sản xuất bao bì và hàng xuất khẩu đầu tư đang nợ trên 332 tỷ đồng, dự án Paragon (Khu ĐTM Cầu Giấy, Dịch Vọng Hậu) nợ trên 18,226 tỷ đồng.

Dự án đắp chiếu tiền đâu để nộp thuế?

Thực tế các dự án đang nợ thuế như trên đều đã thực hiện huy động vốn từ nhiều năm trước. Đơn cử dự án tháp Doanh nhân tại Hà Đông, tháng 11/2009, Công ty Tây Đô ký hợp đồng góp vốn đầu tư với một số nhà đầu tư. Đến năm 2011, nhiều khách hàng đã tố Công ty Tây Đô chưa hoàn thành các thủ tục pháp lý đã tiến hành huy động vốn và khởi công công trình gần 100 tỷ đồng.

Dự án khu đô thị mới Phú Lương tuy không được triển khai đúng tiến độ, nhưng chủ đầu tư đã tiến hành huy động vốn từ không ít khách hàng dưới dạng hợp đồng góp vốn. Tương tự, dự án tổ hợp văn phòng, dịch vụ thương mại và nhà ở Thành An đang trong giai đoạn làm móng, nhưng trên thị trường được rao bán dưới dạng hợp đồng đặt cọc chọn căn với giá từ 28 - 30 triệu đồng/m2.

Theo đánh giá của các chuyên gia BĐS, việc các doanh nghiệp huy động vốn từ rất sớm trong khi dự án chậm triển khai và tình trạng nợ đọng thuế kéo dài cho thấy năng lực về tài chính rất thấp. Họ chỉ trông chờ vào việc bán hàng để có nguồn tài chính.

Số lượng doanh nghiệp BĐS nợ thuế tăng mạnh do thị trường đóng băng, các chủ đầu tư không bán được hàng, nên thiếu nguồn tài chính ổn định. Hiện, các chủ đầu tư nay đang gặp nhiều khó khăn nên việc hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế đúng thời hạn là điều rất khó.

Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, nếu các chủ đầu tư đang kinh doanh thua lỗ, không còn khả năng nộp thuế thì rủi ro rất lớn đối với người mua nhà và thất thu thuế. Tình huống xấu nhất, doanh nghiệp phá sản thì người mua nhà và ngân sách sẽ mất tiền, thậm chí mất hết.

Con số doanh nghiệp BĐS nợ thuế được cơ quan thuế Hà Nội vừa công bố lên tới hàng trăm tỷ đồng. Cục thuế Hà Nội cũng cho biết nếu chủ đầu tư đã bán nhà, thu tiền nhưng không nộp thuế thì cơ quan thuế sẽ phối hợp với cơ quan Công an Thành phố Hà Nội để thực hiện điều tra và xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo VNN