"Đại gia" F&B Golden Gate muốn kinh doanh cửa hàng tiện lợi

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Vốn là ông lớn trong ngành F&B, việc bổ sung ngành nghề kinh doanh cửa hàng tiện lợi cho thấy tham vọng của Golden Gate trong việc vực lại hoạt động kinh doanh sau 2 năm đại dịch.
"Đại gia" F&B Golden Gate muốn kinh doanh cửa hàng tiện lợi
"Đại gia" F&B Golden Gate muốn kinh doanh cửa hàng tiện lợi

CTCP Thương mại dịch vụ Cổng Vàng (Golden Gate) vừa công bố tờ trình lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc bổ sung ngành nghề kinh doanh, điều chỉnh phương án phát hành cổ phiếu ESOP, tạm ứng cổ tức năm 2022 và đổi tên công ty.

Theo đó, ban lãnh đạo Golden Gate đề xuất bổ sung 4 ngành nghề kinh doanh, bao gồm: Hoạt động tư vấn quản lý; Bán lẻ nhiều loại mặt hàng trong cửa hàng tiện lợi (minimarket); Bán lẻ lương thực, thực phẩm, đồ uống, đồ tổng hợp khác qua website và ứng dụng điện thoại; Bán lẻ hình thức khác chưa được phân vào đâu.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp này dự kiến đổi tên công ty từ CTCP Thương mại Dịch vụ Cổng Vàng thành CTCP Tập đoàn Golden Gate; chốt phương án tạm ứng cổ tức bằng tiền với tỷ lệ 65%, tương ứng 6.500 đồng/cp, dự kiến thực hiện vào quý 2/2023.

Vốn là ông lớn trong ngành F&B với nhiều chuỗi nhà hàng nổi tiếng như Vuvuzela, Sumo BBQ, Kichi Kichi, Gogi House… việc bổ sung ngành nghề kinh doanh cửa hàng tiện lợi cho thấy tham vọng của Golden Gate trong việc vực lại hoạt động kinh doanh sau 2 năm đại dịch.

Thời gian gần đây, thị trường cửa hàng tiện lợi tại Việt Nam được đánh giá là “miếng bánh” hấp dẫn đối với cả doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Các thương hiệu như Circle K, FamilyMart, GS25, 7- Eleven, Ministop... đang tranh giành từng chút thị phần bằng cách mở thêm nhiều cửa hàng mới. Việc Golden Gate tham gia vào thị trường này được kỳ vọng sẽ làm cuộc đua thêm nóng, khi bán lẻ vốn là thế mạnh của đại gia F&B này.

Năm 2021, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp khiến Golden Gate phải đóng cửa nhiều chuỗi nhà hàng trong thời gian dài, doanh thu của công ty theo đó đã giảm 27,2% so với năm trước xuống còn 3.317,7 tỉ đồng. Đây cũng là năm đầu tiên công ty này báo lỗ kể từ năm 2008, với khoản lỗ sau thuế lên tới 430,6 tỉ đồng.

Năm 2022, Golden Gate đặt mục tiêu doanh thu thuần đạt 6.878,4 tỉ đồng, tăng gấp đôi so với thực hiện năm 2021; đồng thời công ty dự kiến có lãi trở lại với lợi nhuận sau thuế đạt 375,6 tỉ đồng.

Chia sẻ tại tọa đàm Embracing Opportunities do Endeavor tổ chức vào tháng 1/2023, Ông Đào Thế Vinh, nhà sáng lập kiêm Tổng giám đốc Golden Gate, cho biết lợi nhuận năm 2022 của Golden Gate đã tăng gấp đôi so với năm 2019.

Theo ông Vinh, Golden Gate cũng đang tìm kiếm thêm cơ hội ở một số lĩnh vực khác như mảng giao hàng (delivery) đã được manh nha trong mùa dịch, hay lĩnh vực đồ uống – giải khát.

Golden Gate cũng được cho là đang nằm trong giai đoạn tái cấu trúc, sau khi họ đón ba nhà đầu tư mới vào tháng 3/2022 là Seletar Investments Pte Ltd (một quỹ đầu tư có quan hệ mật thiết với Temasek Holdings), Seatown Private Capital Master Fund và Periwinkle Pte. Ltd. Nhóm nhà đầu tư này nắm giữ tổng cộng 2,74 triệu cổ phần, chiếm tỷ lệ 35,95% vốn điều lệ của Golden Gate./.