Trao đổi mới đây, một đại diện của Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam – PVC cho biết đơn vị đã được Cục Thuế tỉnh Thái Bình hoàn lại số tiền thuế hơn 100 tỷ đồng cho một dự án nhiệt điện ở Thái Bình.
Thế nhưng, hành trình để đơn vị này “đòi” được tiền hoàn thuế không đơn giản. Trước đó, dù được Cục Thuế tỉnh Thái Bình chấp thuận hoàn thuế giá trị gia tăng từ đầu tháng 8/2015, nhưng đơn vị này phải chật vật gửi công văn đi khắp nơi để đòi tiền hoàn thuế. Trong khi đó, DN vẫn phải tiếp tục nộp thuế giá trị gia tăng hàng nhập khẩu với bình quân hàng tháng khoảng trên 100 tỷ đồng.
Việc chậm trễ hoàn thuế khiến cấp trên của PVC là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam phải cùng vào cuộc gửi văn đi khắp nơi mới có kết quả. Tuy nhiên, không phải DN nào cũng có được may mắn trên.
Một DN chuyên xuất khẩu mặt hàng tinh bột sắn cho biết: Ngày 19/8/2015, công ty nộp hồ sơ hoàn thuế kỳ hoàn thuế tháng 6 và 7/2015 tại Chi cục Thuế quận 5 TP.HCM. Nhưng bất ngờ chúng tôi nhận được thông báo Cục Thuế TP.HCM không giải quyết hồ sơ hoàn thuế với lý do hóa đơn vận tải từ Hải Phòng ra Móng Cái lập sau ngày của tờ khai hàng hóa xuất khẩu.
“Dù đã giải trình nhiều lần về lý do khiến hóa đơn vận tải không lập đúng ngày của tờ khai hàng hóa xuất khẩu, nhưng họ nói rằng chúng tôi phải chờ kết quả trả lời của các cơ quan có thẩm quyền” – đại diện DN này chia sẻ.
Trong đơn kiến nghị gửi cơ quan chức năng, đại diện một DN cao su cho hay: Vào tháng 6/2015, chúng tôi đã nhận dược văn bản của Tổng cục Hải quan phân loại mặt hàng cao su tổng hợp được hường thuế nhập khẩu ưu đãi là 0%. Cho nên DN đã đề nghị hoàn lại thuế nhập khẩu đã nộp thừa là hơn 364 triệu đồng.
DN đã nhiều lần trao đổi qua điện thoại và trực tiếp, kể cả gửi công văn cho những bộ phận liên quan đề nghị hoàn tất thủ tục hoàn trả lại tiền thuế nhập khẩu cho công ty.
“Chúng tôi không nhận được bất cứ văn bản trả lời nào về sự chậm trễ này, mặc dù đã gần 5 tháng sau khi có quyết định của cơ quan chức năng”, DN này cho biết.
Nhiều DN bị chậm tiền hoàn thuế chỉ vì những rắc rối liên quan đến khâu xác minh giấy chứng nhận xuất xứ (C/O). Theo quy định, nếu doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa có giấy chứng nhận xuất xứ “chuẩn” từ các quốc gia đã ký hiệp định thương mại với Việt Nam sẽ được ưu đãi thuế. Song những C/O có lỗi kỹ thuật luôn luôn là “ác mộng” với mỗi doanh nghiệp có hàng nhập khẩu.
Một công ty về giao nhận vận tải ở Hải Phòng cho biết: Vào tháng 2/2015, DN có nhập khẩu một lô hàng từ Trung Quốc có C/O form E qua cảng Hải Phòng. Nhưng trong quá trình làm thủ tục hải quan, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng khu vực III có nghi vấn C/O của doanh nghiệp và tiến hành chuyển đi xác minh.
Nhưng kể từ ngày 3/2/2015 đến nay, DN vẫn chưa nhận được thông báo về kết quả xác minh C/O nói trên khiến cho việc hoàn thuế của DN bị đình trệ đến nay gần 11 tháng.
“Ngày 5-1-2016 chúng tôi nhận được công văn của Cục Hải quan Hải Phòng thông báo là đã báo cáo Tổng cục Hải quan để yêu cầu xác minh C/O nhưng chưa có kết quả”, DN than vãn.
Nhiều tháng nay, Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà cũng đang rối bời khi có nguy cơ mất 46 tỷ đồng tiền thuế chỉ vì C/O dính lỗi.
Mặc dù Bộ Công Thương cho rằng sai sót trong C/O của công ty có thể được chấp nhận và không làm mất giá trị ưu đãi cho C/O này, song đại diện phía công ty cho biết hải quan vẫn chưa chấp nhận hoàn trả lại số tiền 46 tỷ đồng mà công ty đã nộp vào ngân sách cho lô hàng trên.
Với lý do tương tự, gần 1 năm nay Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil) cũng phải vất vả đi chứng minh C/O của công ty cung cấp là hợp lệ và đòi lại số tiền 51 tỷ đồng đã tạm nộp vào Kho bạc Nhà nước.
C/O mắc lỗi cũng khiến nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải đau đầu. Đại diện một DN nước giải khát nổi tiếng giãi bày: Chúng tôi nhập từ nhà cung cấp tại Singapore một lô hàng nguyên liệu sản xuất nước giải khát có sử dụng C/O form D để khai báo hải quan. Tuy nhiên giấy chứng nhận xuất xứ C/O form D được cấp lại sai sót có thêm dấu “stick” không đúng trên C/O, dẫn đến hải quan bác C/O và không chấp nhận cho chúng tôi được hưởng thuế ưu đãi đặc biệt cho lô hàng.
Theo VNN