​ Đại biểu muốn làm rõ chuyện cấp bù lãi suất cho VBSP, VDB

VietTimes – Ý kiến này được đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (đoàn Bắc Ninh) đề xuất tại Quốc hội sáng 16/6, khi thảo luận về dự án Luật quản lý nợ công sửa đổi.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo, có một số vấn đề trong dự thảo sửa đổi Luật này nhưng cần làm rõ thêm nội dung liên quan tới các khoản nợ khác mà Chính phủ không bảo lãnh.

Đại biểu Bảo đặt câu hỏi, với doanh nghiệp nhà nước giữ cổ phần chi phối và doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, liệu Nhà nước có trách nhiệm trả nợ thay nếu doanh nghiệp mất khả năng trả nợ không ?.

Rồi trường hợp các khoản vay có bảo lãnh Chính phủ và những khoản vay không có bảo lãnh Chính phủ thì khi doanh nghiệp mất khả năng trả nợ thì trách nhiệm của Nhà nước đến đâu ?

Đại biểu Bảo phân tích, về nguyên tắc, các trường hợp này doanh nghiệp đều phải tự trả. Tuy nhiên, đã xuất hiện nhiều trường hợp doanh nghiệp nhận những khoản hỗ trợ của Chính phủ dưới các hình thức như bổ sung vốn, khoanh, giãn nợ, chuyển, xóa nợ.

Một thực tế là dù nhiều doanh nghiệp Nhà nước thua lỗ rất nặng, lên tới hàng tỷ USD. Nhưng cho đến nay chưa có doanh nghiệp nhà nước nào phá sản. Ngược lại, doanh nghiệp thường nhận được hỗ trợ để duy trì hoạt động.

Đại biểu Bảo dẫn trường hợp cụ thể của Vinashin, theo đó  Chính phủ vẫn bỏ một phần tiền để bù đắp tại các ngân hàng thương mại. Đồng thời Nhà nước can thiệp chuyển một phần nợ sang cho Vinalines và PVN. Và bổ sung vốn vốn điều lệ cho Vinashin từ 9.000 tỷ lên 14.655 tỷ đồng.

Như vậy. các hỗ trợ này cũng đều góp phần vào việc tăng chi tiêu ngân sách và từ đó đương nhiên ảnh hưởng tới nợ công.

Đại biểu Bảo nêu trường hợp nữa phải đánh giá lại là việc cấp bù chênh lệch lãi suất cho Ngân hàng phát triển Việt Nam (VDB) và Ngân hàng Chính sách xã hội (VBSP), nợ hoàn thuế giá trị gia tăng.

Tại VDB, nhiều khoản vay trong những năm qua không đem lại hiệu quả vì vay không đúng đối tượng. Đồng thời ngân hàng này cũng không có đầy đủ chức năng hoạt động theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng và của Ngân hàng Nhà nước.

Cụ thể, có đến 70% - 80% tổng nguồn vốn huy động hàng năm của VDB dựa vào vốn phát hành trái phiếu Chính phủ bảo lãnh, hay nhận nguồn ODA để cho vay lại. Năm 2016, vốn từ trái phiếu Chính phủ tại VDB đã là 21.500 tỷ đồng. Câu chuyện tương tự cũng diễn ra tại VBSP.

Theo đại biểu Bảo, nguồn vốn này là các khoản vay mà Chính phủ phải trả cho các chủ nợ. Nếu là đã nợ thì phải trả. Nên nếu không tính vào nợ công thì sẽ dẫn tới việc méo mó số liệu theo dõi, kéo theo rủi ro trong quản lý nợ công và điều hành ngân sách.