Du khách: nên bikini!
Đến các bãi tắm ở Đà Nẵng, rất dễ nhận thấy đâu là người địa phương, đâu là khách du lịch. Nữ giới Đà Nẵng phần đông xuống biển trong trang phục quần sọc, quần đùi, áo ngắn tay, còn du khách thì dạn dĩ hơn, với bộ bikini. Dù là hai mảnh đúng nghĩa, hay có cách điệu lên một chút để thành váy, quần cộc, thì du khách vẫn lựa chọn họ hàng “nhà bikini” để xuống biển.
Đủ loại trang phục tắm trên bãi biển Mỹ Khê (Đà Nẵng, ảnh chụp chiều 15/7/2015). Ảnh: Thanh Trần
Chị Dương Thị Đức (34 tuổi, đến từ Hà Nội), nói: “Đã xuống biển thì nên mặc bikini. Đi ăn tiệc có áo quần của ăn tiệc, đi làm có áo quần đi làm, vậy nên đi tắm cũng phải tìm cho mình trang phục thoải mái nhất, theo tôi không có lựa chọn nào hơn bikini”. Cô gái đến từ Thanh Hóa - Thái Thị Thanh Hà, 19 tuổi, cũng cho rằng nên mang bikini xuống biển, vì năng động, đẹp mắt, hiện đại hơn.
“Đặt câu hỏi mang bikini liệu có ngại nếu vô tình bắt gặp người thân không”, đa số nữ du khách tắm ở bãi biển Mỹ Khê chiều 15/7 đều trả lời không. Chị Nguyễn Thị Ngọc My, 35 tuổi (Hải Phòng), chia sẻ: “Mang bikini tắm biển là thói quen của chúng tôi, không phải vì ở đây không có người quen nên chúng tôi mới dám mặc. Chuyện này đâu còn lạ với người Việt Nam mà phải ngại. Trên phim ảnh, hay các bãi biển khác như Vũng Tàu, Nha Trang người ta đã mặc từ rất lâu rồi, có ai lên tiếng phản đối hay chê trách khi phụ nữ mang đồ thoải mái đi tắm đâu!”.
Một số du khách bày tỏ sự ủng hộ khi nghe thông tin Đà Nẵng sôi nổi bàn về bikini khi tắm biển. Bởi không gì chán bằng xuống biển phải bắt gặp muôn ngàn kiểu trang phục không phù hợp như đồ ngủ, quần jean, áo ôm…
Anh Nguyễn Triều, 30 tuổi (Quảng Trị), nói: “Đàn ông khi ra biển có thể chỉ mang chiếc quần đùi xuống lặn ngụp, thì chị em phụ nữ cũng nên mang đồ thật thoải mái để tắm, không việc gì phải ngại cả. Tôi đã đến rất nhiều bãi biển, nhất là Vũng Tàu và Nha Trang, thấy người dân địa phương ở đó rất tự nhiên khi mang bikini xuống tắm”.
Chị em chủ nhà: Sợ “dị” khi gặp người quen
Lý giải về việc mang quần đùi, áo ôm đi tắm biển, chị Trần Thu Hồng, 42 tuổi (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng), nói: “Thực ra mang bộ đồ này cũng khá mát, lại làm tụi tui đỡ ngại, lịch sự hơn nếu gặp người quen. Không phải cơ thể ai cũng đẹp để khoe ra cả”. Còn Hà Thị Na, 20 tuổi (quận Hải Châu, Đà Nẵng) cho rằng, ai muốn mang gì cứ mang, miễn thấy tiện lợi là được.
“Ở Đà Nẵng đi đâu cũng gặp biển nên chuyện tắm biển thường theo cảm hứng. Nhiều lúc tụi em đi học thể dục, tập gym về nóng quá là lao ngay xuống tắm, hoặc tổ chức vui chơi, sinh nhật ở biển xong cũng tắm luôn. Hơn nữa mang bikini cần có sự chuẩn bị, đâu phải đồ hai mảnh nào cũng có thể xuống tắm được, tùy theo dáng vóc mỗi người sẽ lựa chọn cho mình loại bikini thích hợp, rồi loại nào đúng thời, loại nào không bị nhão khi ngâm nước... Em thấy đi tắm mà như vậy thì rườm rà quá, cứ thấy nóng, thấy tiện là xuống tắm thôi”, Na chia sẻ.
Tuy nhiên, nhiều bạn trẻ lại tỏ ra hào hứng nếu biển Đà Nẵng một ngày gần nhất cũng “dạn dĩ” như các bãi biển ở nước ngoài. Bùi Thị Thanh Thảo (ĐH Kỹ thuật Y- Dược Đà Nẵng) cho biết, chưa lần nào mang bikini xuống biển, nhưng sẽ hoàn toàn ủng hộ nếu thành phố phát động. “Em nghĩ đã đến lúc Đà Nẵng cần thay đổi để phát triển thế mạnh du lịch của mình, đồng thời tạo sự phóng khoáng trong nhận thức của người dân ở thành phố. Nếu ai cũng mặc thì đâu có việc gì phải ngại!”.
Về việc sẽ khoanh vùng những khu vực dành riêng cho người mang bikini xuống tắm như phát biểu của lãnh đạo Sở VH-TT&DL tại kỳ họp HĐND vừa rồi, nhiều người dân Đà Nẵng không đồng tình. Bởi theo họ đã xuống biển thì họ có quyền tắm ở bất cứ bãi nào họ muốn, không vì trang phục tắm mà phải tắm ở những bãi mà họ không thích.
Mặt khác, việc khoanh vùng như vậy sẽ tạo ra sự ngăn cách rõ rệt trong nhận thức người dân, người dân sẽ không thể tiếp cận được sự thoải mái, năng động và thẩm mỹ khi mang bikini, vô tình làm sự dị nghị, bất đồng lên cao.
Không áp đặt
“Không áp đặt người dân phải mang bikini khi xuống biển, bởi đó là quyền của họ. Nhưng từ năm 2013, những dịp khai trương mùa du lịch biển, chúng tôi đã vận động mọi người, nhất là các bạn trẻ mang trang phục đẹp và phù hợp khi tham gia các hoạt động trên bãi và xuống tắm. Điển hình như việc nhảy flashmob, những lần đầu các bạn trẻ không dám mặc bikini vì ngại. Nhưng về sau, nhận thấy mang bikini đồng đều để nhảy fashmob làm đội hình đẹp, trẻ trung và sau khi nhảy xong xuống tắm rất thoải mái nên các bạn đều mang. Từ đó đến nay, mỗi lần có sự kiện về biển, các bạn trẻ rất tự tin mang bikini” - ông Nguyễn Đức Vũ, Phó Ban quản lý Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển Đà Nẵng.
Theo ông Trần Chí Cường, Phó GĐ Sở VH-TT&DL thành phố Đà Nẵng, Sở đã lập kế hoạch xin chủ trương của thành phố về việc khuyến khích người dân mang trang phục phù hợp khi đi tắm biển. Theo đó, ở các bãi tắm sẽ cắm bảng vận động người dân nên mang trang phục đẹp, phù hợp khi xuống tắm biển, chứ không quy định, ép buộc người dân phải mang bikini.
Bà Lê Thị Mỹ Hạnh, Phó Chủ tịch Hội LHPNVN thành phố Đà Nẵng nói: “Biến bãi biển Đà Nẵng trở nên năng động, đẹp mắt hơn từ trang phục tắm là một việc làm rất tốt nhưng để thay đổi nhận thức của người dân cần có thời gian để tuyên truyền, vận động. Tôi phản đối khoanh vùng khu vực tắm dành riêng cho những người mang bikini, bởi điều đó vô hình trung tạo nên sự kì thị không đáng có”.
Theo Tiền phong