Đà Nẵng và Đại học Arizona bàn hợp tác đào tạo nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn và AI

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh và ông Jeffrey Goss, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Arizona (Mỹ) vừa có buổi thảo luận, đề xuất hợp tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn và AI giữa hai bên.

Ông Hồ Kỳ Minh (bìa phải) - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng và ông Jeffrey Goss, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Arizona (Mỹ) (ảnh Khánh Nhi/danang.gov.vn)
Ông Hồ Kỳ Minh (bìa phải) - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng và ông Jeffrey Goss, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Arizona (Mỹ) (ảnh Khánh Nhi/danang.gov.vn)

Chủ trì buổi làm việc với đoàn công tác Trường Đại học Arizona (ASU), Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh vui mừng chào đón ông Jeffrey Goss, Phó Hiệu trưởng Đại học Arizona, cùng đoàn công tác đến làm việc tại TP Đà Nẵng, đồng thời bày tỏ mong muốn trong thời gian tới sẽ có nhiều cơ hội hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau về vấn đề đào tạo phát triển nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn và AI giữa Đà Nẵng và ASU.

Ông Jeffrey Goss, Phó Hiệu trưởng Đại học Arizona cho biết, ASU hiện là trường đại học nghiên cứu công lập toàn diện lớn nhất ở Hoa Kỳ với hơn 140.000 sinh viên và chi tiêu nghiên cứu hàng năm là 671 triệu USD. ASU cũng là trường kỹ thuật lớn nhất ở quốc gia này với khả năng và chương trình nghiên cứu mở rộng về vi điện tử, bán dẫn, và sản xuất vi mạch.

Tại buổi làm việc, ông Lê Hoàng Phúc, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng cho biết, Đà Nẵng hiện có 37 cơ sở đào tạo nhân lực về CNTT (gồm các loại hình: Đại học, Cao đẳng, Trung cấp chính quy và phi chính quy); trong đó hiện có 17 Đại học và Cao đẳng đào tạo chuyên ngành CNTT, 13 trường Đại học và Cao đẳng đào tạo các chuyên ngành gần với lĩnh vực CNTT (như Điện tử - viễn thông, Cơ điện tử, Tự động hóa, Tin học thống kê, Tin học xây dựng,...).

Tổng số chỉ tiêu tuyển sinh chuyên ngành CNTT trên địa bàn TP Đà Nẵng khoảng 5.700 sinh viên. Trong đó trình độ đại học, cao đẳng khoảng 4.500 sinh viên; chuyên ngành điện tử - viễn thông hơn 700 sinh viên. Nguồn nhân lực CNTT tại thành phố Đà Nẵng còn được cung cấp từ các cơ sở đào tạo ở khu vực lân cận và cả nước.

Hiện nay các trường đại học trên địa bàn TP Đà Nẵng đã có sự hợp tác chặt chẽ với các đối tác quốc tế uy tín để nâng cao chất lượng và số lượng đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế thuộc lĩnh vực lĩnh vực vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo. Trong đó phải kể đến sự hợp tác giữa Đại học Đà Nẵng với Đại học Oregon State University (Hoa Kỳ), Đại học Arizona State University (Hoa Kỳ), Học viện Sycada (Đài Loan), Viện Nghiên cứu bán dẫn Đài Loan TSRI; hợp tác giữa Đại học Sư phạm kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng) với Đại học Khoa học và Công nghệ Long Hoa (Đài Loan); Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt Hàn hợp tác với Đại học Kyung Hee University (Hàn Quốc); Đại học Duy Tân liên kết với Đại học Carnegie Mellon University (CMU Hoa Kỳ); Đại học Bách khoa Đại học Đà Nẵng liên kết với Đại học Thanh Hoa (Đài Loan)...

Cũng theo ông Phúc, để tham gia vào chuỗi toàn cầu, Đà Nẵng xác định mục tiêu đào tạo, phát triển nguồn nhân lực thiết kế vi mạch đến năm 2030 là có ít nhất 5.000 kỹ sư thuộc lĩnh vực vi mạch, bán dẫn. Việc xác định mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng và thu hút nhân lực thuộc lĩnh vực vi mạch, bán dẫn của TP được xác định dựa trên nhu cầu của các doanh nghiệp đã và đang có dự định đầu tư tại Đà Nẵng.

Bên cạnh đó, Đà Nẵng hướng đến hợp tác đào tạo theo chuẩn quốc tế để cung cấp cho các doanh nghiệp vi mạch, bán dẫn trong và ngoài nước mà Đà Nẵng đã và đang thiết lập các mối quan hệ hợp tác, đầu tư.