Đà Nẵng sẽ xây dựng Quảng trường lấy Thành Điện Hải làm trung tâm
Hồ Xuân Mai
VietTimes – Sau khi tổ chức Lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt đối với Thành Điện Hải vào sáng 29/3, UBND TP Đà Nẵng sẽ khởi công Dự án tu bổ, phục hồi, tôn tạo di tích giai đoạn 1 và khảo sát xây dựng khu vực thành Quảng trường, lấy Thành Điện Hải làm trung tâm
Chiều 27/3, Giám đốc Sở VH-TT Đà Nẵng cho biết, ngày 29/3, UBND TP Đà Nẵng sẽ tổ chức Lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt đối với Thành Điện Hải. Đồng thời sẽ khởi công Dự án tu bổ, phục hồi, tôn tạo di tích Thành Điện Hải giai đoạn 1.
Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt đối với Thành Điện Hải được công bố theo Quyết định số 2082/QĐ-TTg ngày 25/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ. Đây là kết quả nỗ lực của UBND TP Đà Nẵng trong việc bảo tồn, phát huy giá trị của di tích Thành Điện Hải trong suốt thời gian qua.
Bên cạnh Lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt đối với Thành Điện Hải. Ban tổ chức cũng đã khởi công Dự án tu bổ, phục hồi, tôn tạo di tích giai đoạn 1, dự kiến hoàn thành tháng 10/2018 với kinh phí 102,7 tỷ đồng. Giai đoạn 1 bao gồm các hạng mục: giải tỏa, đền bù nhà ở, vật kiến trúc, phục hồi nguyên trạng hệ thống tường thành, kè hào, hạ tằng cấp thoát nước, cải tạo cảnh quan xung quanh, xây dựng công viên, cây xanh, bãi đỗ xe… tạo không gian đệm cho di tích; ,...;
Giai đoạn 2 của Dự án sẽ thực hiện trong năm 2019-2020 gồm các hạng mục bên trong Thành như di dời Bảo tàng Đà Nẵng ra khỏi Thành Điện Hải và tiến hành tôn tạo, phục hồi các yếu tố gốc trong khu vực nội thành gồm những công trình đã có ở thành trong lịch sử như nhà kho, kho thuốc súng, kỳ đài, vọng lâu… và nghiên cứu xây dựng không gian tưởng niệm các anh hùng, nghĩa sĩ đã hy sinh, xây dựng các khu phụ trợ phục vụ cho việc phát huy giá trị di tích. Đặc biệt, theo lãnh đạo Sở VH-TT, lãnh đạo TP Đà Nẵng đang chỉ đạo khảo sát quy hoạch xây dựng khu vực này thành một Quảng trường, trong đó Thành Điện Hải được xác định là Trung tâm.
Một góc khuôn viên Thành ĐIện Hải nhìn từ trên cao
Thành Điện Hải là di tích hiếm hoi còn lại từ buổi đầu chống thực dân Pháp xâm lược nước ta giữa thế kỉ XIX, là biểu tượng về lòng yêu nước của người dân Đà Nẵng. Thành Điện Hải trước là đồn Điện Hải, được khởi công xây dựng từ năm Gia Long thứ 12 (1812) tại khu vực cửa biển tả ngạn sông Hàn, nhằm thực hiện nhiệm vụ kiểm soát tàu thuyền vào ra và trấn giữ Đà Nẵng. Đến năm Minh Mạng thứ 4 (1823), đồn được dời vị trí hiện tại do vị trí ban đầu gần cửa biển, vật liệu xây dựng kém nên bị hư hại.
Để đảm bảo việc xây dựng, Vua Minh Mạng phân công Nguyễn Văn Thành phụ trách việc xây dựng. Đồn Điện Hải được thiết kế kiểu thành Vauban của Châu Âu; xây hoàn toàn bằng gạch; có chu vi 139 trượng (556m); chung quanh có hào sâu 7 thước, cao 1 trượng 2 thước (gần 5m). Đồn có 2 cửa: một cửa hướng về phía đông, nhìn xuống sông Hàn, một cửa hướng về phía nam (cửa chính). Trong thành có hành cung, kỳ đài, có các cơ sở chứa lương thực, đạn dược, thuốc súng. Thành hình vuông có 4 góc lồi, được trang bị 30 súng đại bác cỡ lớn.
Trong thời kỳ này, Thành Điện Hải là một trong những công trình phòng thủ quan trọng nhất ở Đà Nẵng cùng với đồn An Hải bên kia sông Hàn, kiểm soát tàu thuyền vào ra ở cửa biển Đà Nẵng.
Đến năm 1858 Liên quân Pháp và Tây Ban Nha tiến đánh cửa biển Đà Nẵng nhằm làm bàn đạp mở rộng xâm lược ra 2 miền Nam Bắc, nhưng đã bị quân và dân kháng cự mãnh liệt. Thành Điện Hải trở thành thành lũy đầu tiên trong công cuộc chống thực dân Pháp của Việt Nam ở giữa thế kỉ XIX.
Tiếp theo sau đó, khi Đà Nẵng thành nhượng địa của Pháp, thực dân Pháp đã thay đổi công năng và phá bỏ nguyên trạng của Thành Điện Hải để làm công trình phục vụ hoạt động đô hộ tại Việt Nam. Và cho đến nay, di tích này chưa được quan tâm bảo tồn đúng mức nên di tích đã bị hư hại và xuống cấp nặng nề.
Thành Điện Hải sẽ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt vào sáng 29/3 tới
Trải qua nhiều thăng trầm, di tích này bị xâm hại nặng nề, xuống cấp nghiêm trọng. Thấy được giá trị lịch sử to lớn của di tích Thành Điện Hải đối với lịch sử dân tộc, UBND TP Đà Nẵng phê duyệt Quy hoạch tổng thể và giao cho ngành văn hóa quản lý, bảo vệ, nghiên cứu các giải pháp bảo tồn, phục hồi, tôn tạo di tích, nhằm phát huy giá trị của di tích trong việc giáo dục truyền thống yêu nước, nghiên cứu khoa học, phục vụ khách tham quan, du lịch trong và ngoài nước.
Nhận thức được giá trị văn hóa-lịch sử to lớn của Thành Điện Hải, từ năm 2016, lãnh đạo Đà Nẵng đã triển khai nhiều biện pháp để bảo tồn, phát huy giá trị của di tích, Sở Văn hóa và Thể thao TP Đà Nẵng đã đề nghị lãnh đạo thành phố xem xét lại giá trị lịch sử của Thành Điện Hải, nhằm có giải pháp quản lý bảo vệ di tích có một không hai này.
Đến đầu năm 2017, lãnh đạo TP Đà Nẵng chủ trương giải tỏa, di dời 80 hộ dân sống xung quanh bờ tường phía Tây, dừng hẳn công trình xây dựng Trung tâm lưu trữ ở phía Bắc, và phê duyệt Luận chứng kinh tế - kỹ thuật trùng tu, tôn tạo và phục hồi Thành Điện Hải gồm 2 giai đoạn.
Ngoài Lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích, Đà Nẵng đã tổ chức Hội thảo khoa học về giải pháp bảo tồn di tích Thành Điện Hải; tiến hành cải tạo, nâng cấp di tích quốc gia Nghĩa trủng Khuê Trung, nơi an tang 1.500 hài cốt nghĩa sỹ và đồng bào hy sinh tỏng cuộc kháng chiến; Hội thảo khoa học cấp quốc gia về ý nghĩa cuộc chiến chống ngoại xâm tại Đà Nẵng thời kỳ 1858-1860;…
Đà Nẵng sẽ di dời Bảo tàng Đà Nẵng để thực hiện dự án Tu bổ, cải tạo di tích Thành Điện Hải
Được biết, cùng với Thành Điện Hải ở Đà Nẵng, trong năm 2017, Thủ tướng Chính phủ cũng ký quyết định xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt đối với 9 di tích khác trên cả nước. Và tính đến thời điểm hiện tại, đã có 95 di tích được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.