Đà Nẵng sẽ sử dụng robot trí tuệ nhân tạo để khám chữa bệnh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Đó là một trong những nội dung của Đề án phát triển y tế thông minh TP Đà Nẵng giai đoạn 2025 – 2030 vừa được UBND TP Đà Nẵng phê duyệt.

Đến năm 2030, Đà Nẵng đưa ứng dụng các công nghệ tiên tiến hiện đại, sử dụng robot trí tuệ nhân tạo trong hoạt động khám chữa bệnh và đào tạo y khoa
Đến năm 2030, Đà Nẵng đưa ứng dụng các công nghệ tiên tiến hiện đại, sử dụng robot trí tuệ nhân tạo trong hoạt động khám chữa bệnh và đào tạo y khoa

100% các bệnh viện không sử dụng bệnh án giấy

UBND TP Đà Nẵng vừa phê duyệt Đề án phát triển y tế thông minh TP Đà Nẵng giai đoạn 2025 – 2030 với vốn đầu tư 488,95 tỉ đồng. Đề án Y tế thông minh TP Đà Nẵng được phát triển trên cả ba trụ cột chính bao gồm: Hệ thống phòng bệnh thông minh; hệ thống khám chữa bệnh thông minh và hệ thống quản trị y tế thông minh.

Mục tiêu đến 2025, 100% cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn đồng bộ mã định danh y tế (ID), sử dụng mã định danh cá nhân từ cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư để xây dựng ID y tế trong các phần mềm quản lý liên quan đến công dân; 100% cơ sở khám chữa bệnh triển khai ứng dụng khai tháchồ sơ sức khỏe điện tử trong khám chữa bệnh; hoàn thành ứng dụng để người dân giám sát hành trình xe cứu thương trên thiết bị thông minh, được bác sĩ theo dõi, tư vấn khi được vận chuyển trên xe cứu thương.

Bên cạnh đó, phấn đấu 100% các đơn vị sự nghiệp, cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn TP ứng dụng CNTT trong giao tiếp với người dân và áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt qua nền tảng thanh toán chung của TP; 100% các trạm y tế xã, phường được tin học hóa và triển khai hệ thống thông tin quản lý trạm y tế xã, phường, thị trấn; các nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu và phòng bệnh được thực hiện thông qua các ứng dụng thông minh.

vt_benh an dien tu 2.png
Ứng dụng đặt lịch khám trực tuyến triển khai tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng

Ngoài ra, 100% các trạm y tế xã, phường có khả năng tiếp nhận, khám chữa bệnh cho người dân địa phương với sự hỗ trợ tư vấn từ xa của chuyên gia y tế tuyến trên bằng công nghệ hội nghị truyền hình trực tuyến; 100% các cơ sở y tế của áp dụng mô hình khám chữa bệnh từ xa chuyên sâu với nhiều chuyên khoa…

Đặc biệt, đến năm 2025, Đà Nẵng hoàn thành trục liên thông dữ liệu y tế toàn TP, sẵn sàng kết nối với trục liên thông dữ liệu y tế quốc gia theo chủ trương của Bộ Y tế; hoàn thành phân hệ điều hành Y tế thông minh (miniIOC) nằm trong Trung tâm Giám sát điều hành thông minh của TP Đà Nẵng và 100% thủ tục hành chính của Sở Y tế được triển khai thành dịch vụ công trực tuyến toàn trình.

Đến năm 2030, Đà Nẵng đưa ứng dụng các công nghệ tiên tiến hiện đại, sử dụng robot trí tuệ nhân tạo trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh và đào tạo y khoa; 100% bệnh viện, trung tâm y tế đạt tiêu chuẩn bệnh viện thông minh; 100% các bệnh viện không sử dụng bệnh án giấy; 100% các bệnh viện, trung tâm y tế hoàn thành triển khai việc thay phim bằng việc luân chuyển các ảnh chụp qua môi trường mạng để bảo đảm thông tin được chuyển tải đầy đủ và tiết kiệm chi phí in ấn.

Bên cạnh đó, đến 2030, Đà Nẵng duy trì 100% các trạm y tế xã, phường triển khai phần mềm quản lý trạm y tế xã đầy đủ các chức năng theo quy định của Bộ Y tế; 100% trạm y tế xã, phường thực hiện dự phòng, quản lý, điều trị bệnh không lây nhiễm trên nền tảng số; đồng thời phát triển các ứng dụng thông minh cho phép cung cấp các dịch vụ theo dõi, trợ giúp, chăm sóc sức khỏe người dân từ xa, kết nối trực tuyến giữa người bệnh, các thiết bị theo dõi sức khỏe và cán bộ y tế tại trạm y tế theo nguyên lý y học gia đình.

“Đề án hoàn thành sẽ giúp công tác quản lý điều hành các hoạt động ngành y tế được tốt hơn, cải tiến công tác quản lý cũng như phong cách làm việc của cán bộ, nhân viên ngành y tế, nâng cao hiệu quả của công tác phòng bệnh, chẩn đoán và điều trị, giáo dục và đào tạo cũng như nghiên cứu khoa học trong ngành y tế. Về phía cộng đồng, người dân được tiếp cận thông tin y tế dễ dàng, được hưởng lợi từ các thành tựu khoa học và công nghệ; giảm các thủ tục hành chính, được đảm bảo tính công bằng khi thực hiện các dịch vụ y tế; tránh được các rủi ro y tế không đáng có như việc nhầm lẫn thông tin chẩn đoán hay điều trị. Nhất là đảm bảo tính minh bạch trong việc thanh toán các dịch vụ y tế”, ông Võ Thu Tùng cho biết thêm.

Hạ tầng công nghệ đang khá yếu

Trong thời gian qua, mạng lưới y tế trên địa bàn TP Đà Nẵng đã phát triển mạnh, nhất là hệ thống mạng lưới y tế ngoài công lập, nhiều cơ sở y tế tư nhân được thành lập dưới nhiều hình thức khác nhau như trung tâm bác sĩ gia đình, bệnh viện tư nhân, các cơ sở hành nghề y dược… nhằm giảm tình trạng quá tải ở hệ thống y tế công lập.

Tuy nhiên, hạ tầng CNTT của các đơn vị trong hệ thống phòng bệnh của y tế Đà Nẵng còn khá yếu, đặc biệt còn thiếu các thiết bị lưu trữ dữ liệu tốc độ cao, thiết bị an ninh, an toàn mạng. Tỷ lệ cán bộ chuyên trách CNTT trong các đơn vị này cũng khá thấp. Một số ứng dụng chuyên ngành còn thiếu, nhất là tỷ lệ cán bộ chuyên trách CNTT tại các cơ sở khám chữa bệnh quá thấp, chỉ bằng khoảng 1/8 so với các cơ quan nhà nước khác của TP. Đây là một trong các nguyên nhân làm hạn chế việc triển khai ứng dụng CNTT tại các cơ sở khám chữa bệnh của TP.

Ứng dụng bệnh viện thông minh, bệnh án điện tử được triển khai tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng

Ứng dụng bệnh viện thông minh, bệnh án điện tử được triển khai tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng

Ngoài ra, hệ thống an toàn, an ninh thông tin của các cơ sở khám chữa bệnh cũng còn khá yếu, chưa được trang bị đầy đủ các thiết bị lưu trữ an toàn, tốc độ cao và thiết bị phòng chống sự thâm nhập trái phép từ bên ngoài; hệ thống các ứng dụng của Sở Y tế còn thiếu khá nhiều những ứng dụng cần cho công tác quản lý nhà nước về y tế khiến công tác khám chữa bệnh cho người dân chưa đạt được như kỳ vọng.

“Trước thực trạng này, việc cần đến hệ thống y tế thông minh nhằm hỗ trợ người dân dễ dàng tiếp cận thông tin y tế để sử dụng các dịch vụ y tế có hiệu quả cao và được bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khoẻ liên tục, suốt đời góp phần xây dựng thành phố thông minh theo mục tiêu của TP Đà Nẵng. Và nhất là nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh góp phần cải cách hành chính và giảm quá tải bệnh viện; sử dụng hồ sơ bệnh án điện tử tiến tới không sử dụng bệnh án giấy, thanh toán viện phí điện tử, hình thành các bệnh viện thông minh là cần thiết”, BSCKII Võ Thu Tùng, Phó giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng cho hay.