Sẽ là điểm đến đầu tư tiềm năng
- Tại diễn đàn quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam và Hoa Kỳ - Cơ hội nào cho doanh nghiệp Việt?, ông nói rằng Quảng Nam mong muốn thu hút các dự án FDI của Mỹ về lĩnh vực công nghệ cao, chip bán dẫn... Định hướng được tỉnh thực hiện ra sao?
Ông Hồ Quang Bửu: Trong thời gian qua, Quảng Nam là một trong những địa phương được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm, đánh giá là điểm đến đầu tư an toàn, hấp dẫn và ổn định.
Toàn tỉnh hiện có 195 dự án FDI còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký gần 6,1 tỷ USD. Riêng đối với FDI Hoa Kỳ, Quảng Nam đã thu hút được 8 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 7,6 triệu USD. Thời gian vừa qua, tỉnh đã đón tiếp và làm việc với nhiều nhà đầu tư Hoa Kỳ muốn được hợp tác, đầu tư trong các lĩnh vực như phát triển cảng, chế biến dầu sinh học…
Đối với ngành công nghiệp bán dẫn, đây là một ngành công nghiệp còn khá mới mẻ đối với Quảng Nam. Tuy nhiên với định hướng ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp chế biến chế tạo với các dự án tự động hóa và có hàm lượng công nghệ cao thì ngành công nghiệp bán dẫn rất phù hợp. Quảng Nam hứa hẹn là điểm đến đầu tư tiềm năng của các dự án chip bán dẫn.
- Cũng tại diễn đàn, ông cho biết Quảng Nam sẽ định hướng xúc tiến đầu tư thành lập KCN Quảng Nam - Hoa Kỳ. Đến nay, hoạt động xúc tiến đã tiến triển ra sao, thưa ông?
Ông Hồ Quang Bửu: Định hướng xúc tiến đầu tư thành lập KCN Quảng Nam - Hoa Kỳ trên địa bàn tỉnh đã được lãnh đạo tỉnh Quảng Nam trao đổi với Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam - Marc E.Knapper hồi tháng 11/2023.
Để chuẩn bị cho việc xúc tiến hình thành KCN này, đến nay tỉnh Quảng Nam đã xây dựng được phương án phát triển hệ thống các khu công nghiệp thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và được Thủ tướng Chính phủ phê tại Quyết định số 72 ngày 17/1/2024. Theo đó, tổng diện tích đất Khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam hơn 10.165ha (trong đó quỹ đất cho khu công nghiệp công nghệ cao trên 600ha).
Bên cạnh đó, Quảng Nam định hướng phát triển công nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn, chuyên môn hóa, tự động hóa cao, tăng nhanh tỷ trọng đóng góp của công nghiệp chế biến, chế tạo và trở thành trụ cột chính trong nền kinh tế; ưu tiên xây dựng các khu công nghiệp, khu công nghiệp công nghệ cao tại khu vực đồng bằng để thu hút các ngành công nghiệp có hàm lượng tri thức cao, tự động hóa, giá trị gia tăng cao, đóng góp ngân sách lớn.
Đây chính là cơ sở và là tiền đề để hình thành Khu công nghiệp Quảng Nam - Hoa Kỳ trên địa bàn tỉnh trong tương lai.
Có nhiều lợi thế phát triển ngành bán dẫn
- Lĩnh vực chip bán dẫn là 1 trong những lĩnh vực đòi hỏi nhiều yếu tố như tài nguyên (đất hiếm), nguồn nhân lực, môi trường đầu tư, công nghệ… Vậy Quảng Nam có lợi thế cạnh tranh gì để hiện thực mục tiêu này?
Ông Hồ Quang Bửu: Thứ nhất, Quảng Nam có vị trí địa lý thuận lợi, nằm trong vùng kinh tế động lực miền Trung (Thừa Thiên - Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam - Quảng Ngãi); nằm trên các trục giao thông chính Bắc-Nam cả về đường bộ, đường sắt, đường biển và đường hàng không.
Có khả năng kết nối nhanh với các vùng kinh tế năng động nhất khu vực châu Á như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc. Đồng thời Quảng Nam còn có vị trí chiến lược về giao lưu kinh tế Bắc - Nam và Đông - Tây, có quan hệ chặt chẽ với Tây Nguyên, Nam Lào, Đông Bắc Campuchia, Đông Bắc Thái Lan và Myanmar; là cửa ngõ ra biển của các tuyến hành lang Đông - Tây nối với đường hàng hải quốc tế qua biển Đông và Thái Bình Dương.
Quảng Nam có hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ và hiện đại. Có sân bay Chu Lai được quy hoạch thành cảng hàng không quốc tế theo tiêu chuẩn 4F vào năm 2030. Không những vậy, ngoài chức năng là nơi trung chuyển hàng hóa quốc tế, cảng hàng không Chu Lai còn là nơi sản xuất cho ngành công nghiệp dịch vụ hàng không, sản xuất vật tư, linh kiện hàng không, sản xuất các sản phẩm gắn với nhập khẩu, xuất khẩu bằng đường hàng không…
Quảng Nam cũng có cảng biển Chu Lai được quy hoạch, đầu tư mở rộng để đón tàu 5 vạn tấn. Có cửa khẩu quốc tế Nam Giang kết nối với các tỉnh Nam Lào, cùng hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt kết nối theo trục Bắc – Nam và Đông – Tây... Những điều kiện này hoàn toàn thuận lợi cho việc giao thương, trao đổi hàng hóa về cả đường bộ, đường biển, đường sông và đường hàng không.
Với cơ sở hạ tầng giao thông đồng bộ sẵn có, Quảng Nam hoàn toàn có các điều kiện thuận lợi để vận chuyển đất hiếm từ các địa phương phía Bắc để phục vụ cho ngành chip bán dẫn tại địa phương.
Bên cạnh đó, Quảng Nam còn có cơ sở hạ tầng các khu kinh tế, khu công nghiệp đủ lớn về quy mô, diện tích, dịch vụ phụ trợ, hạ tầng viễn thông, cấp điện… hoàn toàn đáp ứng đầy đủ địa điểm sản xuất và hạ tầng kỹ thuật cho việc sản xuất chip bán dẫn.
Đặc biệt, Quảng Nam đang quy hoạch 4 trung tâm logistics trên địa bàn tỉnh gắn với hệ thống cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu quốc tế Nam Giang sẵn sàng đáp ứng các nhu cầu về logistics không chỉ đối với ngành chíp bán dẫn mà đối với tất cả các ngành khác từ dịch vụ logistics cảng hàng không, cảng biển, đường bộ…
- Yếu tố nhân lực và chính sách ưu đãi luôn được các doanh nghiệp FDI chú ý. Quảng Nam có lợi thế gì nếu so với Đà Nẵng và nhiều địa phương khác?
Ông Hồ Quang Bửu: Lợi thế của Quảng Nam có tỷ lệ dân số vàng, lực lượng lao động trẻ đã qua đào tạo đang ngày một tăng cao với hệ thống 2 trường đại học, 1 trường cao đẳng, 7 trường trung cấp chuyên nghiệp; 9 trung tâm giáo dục nghề nghiệp đào tạo nghề.
Trong thời gian tới, tỉnh Quảng Nam định hướng đầu tư phát triển hệ thống cơ sở giáo dục, giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao, tiệm cận chất lượng đào tạo, trình độ các nước ASEAN-4, có kỹ năng nghề phù hợp tiêu chuẩn khu vực và quốc tế. Lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật ở Quảng Nam ngày càng tăng, hướng mạnh vào các ngành kỹ thuật.
Bên cạnh đó, Quảng Nam còn gần Đà Nẵng - TP hiện đang có các trường đại học lớn như Đại học Đà Nẵng, Đại học FPT, Đại học Duy Tân với nhiều ngành, nghề đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực điện tử viễn thông, công nghệ thông tin, cơ khí chế tạo, xây dựng… Và mới đây, Đà Nẵng đã thành lập Trung tâm nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo, bước đầu giải quyết được vấn đề nguồn nhân lực chất lượng cao cùng với trình độ ngoại ngữ tốt để có thể nắm bắt ngay được công việc.
Một yếu tố rất quan trọng nữa đó là Quảng Nam có chính sách ưu đãi đầu tư và môi trường đầu tư cho doanh nghiệp về đất đai, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu, tín dụng… đối với các dự án đầu tư vào tỉnh. Quỹ đất dành cho phát triển công nghiệp còn dồi dào và đơn giá thuê đất thấp.
Đối với các dự án công nghệ cao nói chung và sản xuất chip bán dẫn nói riêng, Quảng Nam đang tổ chức lập quy hoạch Khu công nghiệp công nghệ cao để thu hút các dự án đầu tư công nghệ cao, công nghệ thông tin, dự án có chuyển giao công nghệ…
Một yếu tố không kém phần quan trọng đó là Quảng Nam có doanh nghiệp đủ khả năng hợp tác quốc tế để hình thành cơ sở sản xuất.
Hiện nay, Tập đoàn Ô tô Trường Hải (THACO GROUP) đã trở thành Tập đoàn công nghiệp đa ngành, đa lĩnh vực, sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị, quản trị theo phương pháp công nghiệp, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, nhất là lĩnh vực cơ khí chế tạo, công nghiệp hỗ trợ.
Bên cạnh đó, theo định hướng về chuyển đổi về phát triển của xu thế công nghiệp cách mạng 4.0 thì THACO GROUP cũng đang dần hướng đến là một ngành công nghiệp mang tính tự động hóa cao, sản xuất các sản phẩm đem lại giá trị gia tăng cao hơn. Chính vì thế, việc phát triển các ngành điện điện tử, các ngành công nghiệp chíp bán dẫn… là cơ hội để gắn kết với chuỗi giá trị sản xuất của THACO.
- Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, Việt Nam đang có nhiều cơ hội để nắm bắt xu hướng ngành công nghiệp chíp bán dẫn này. Vậy theo ông, Việt Nam nên phát triển tập trung ở một nơi hay phát triển tại nhiều địa phương khác nhau?
Ông Hồ Quang Bửu: Việt Nam nằm ở trung tâm Đông Nam Á, sở hữu vị trí chiến lược trong chuỗi vận chuyển cung ứng toàn cầu, có trữ lượng đất hiếm lớn thứ hai trên thế giới nên sẽ là địa điểm lý tưởng cho các nhà sản xuất công nghiệp bán dẫn muốn gia nhập thị trường bán dẫn đang phát triển nhanh trong khu vực.
Ngành công nghiệp bán dẫn đang mở ra nhiều cơ hội phát triển, thu hút đầu tư cho Việt Nam nói chung và các tỉnh thành nói riêng. Cùng với những đóng góp to lớn mà ngành công nghiệp này mang lại cho nền kinh tế thì đây là ngành công nghiệp đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao, nguồn vốn cho thiết kế và đầu tư, vận hành nhà máy sản xuất rất lớn, cần có hệ sinh thái đầy đủ, đồng bộ với nhà máy sản xuất.
Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng cho nhà máy sản xuất chất bán dẫn của nước ta hiện chưa bảo đảm; nguồn nhân lực cho ngành chíp bán dẫn của Việt Nam còn thiếu và tập trung ở những TP lớn như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng. Do đó trong giai đoạn đầu, nước ta nên tập trung phát triển công nghiệp bán dẫn ở những nơi có điều thuận lợi, những nơi này đã có Khu công nghệ cao và một số tỉnh lân cận các TP này.
Theo tôi, về lâu dài cả nước sẽ cùng tiếp cận với ngành chíp bán dẫn, đa dạng hóa ngành nghề đầu tư tại các khu công nghiệp. Qua đó, từng địa phương sẽ có cơ hội phát triển mở rộng ngành chip bán dẫn từ các công đoạn có giá trị thấp như: lắp ráp, đóng gói... đến các công đoạn đòi hỏi trình độ chuyên môn sâu như thiết kế, chế tạo, thử nghiệm… từng bước hình thành trung tâm lắp ráp chip bán dẫn mang thương hiệu Việt Nam.
- Cám ơn ông!