Đà Nẵng: “Nóng” chuyện miễn phí tiền gửi xe cho bệnh nhân
Hồ Xuân Mai
VietTimes -- Sau 7 năm thực hiện, chính sách miễn phí tiền gửi xe cho người dân tại các bệnh viện công lập do cố Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh khởi xướng tiếp tục gây tranh luận tại Kỳ họp thứ 6, HĐND TP Đà Nẵng khóa IX.
Chiều ngày 5/12, Kỳ họp thứ 6, HĐND TP Đà Nẵng khóa IX nhiệm kỳ 2016-2021 diễn ra với phiên thảo luận chung tại hội trường. Tại buổi thảo luận, UBND TP Đà Nẵng đã có tờ trình về việc xem xét lại chính sách miễn phí tiền giữ xe tại các cơ sở y tế công lập.
Theo tờ trình, từ ngày 1/1/2018, sẽ chỉ hỗ trợ miễn phí tiền giữ xe cho các đối tượng thuộc diện hộ nghèo theo quy định chuẩn nghèo của TP; người thuộc diện hộ chính sách (có công với cách mạng theo quy định); người thuộc hộ cận nghèo (theo quy định của UBND TP Đà Nẵng) khi đến khám và điều trị bệnh tại các cơ sở y tế công lập trên địa bàn, trừ Bệnh viện Tâm thần.
Mức hỗ trợ đối với bệnh nhân điều trị nội trú là: (3 lượt/ngày) x (số ngày điều trị) x (mức thu giá dịch vụ giữ xe theo quy định). Đối với bệnh nhân điều trị ngoại trú, khám bệnh sẽ được hỗ trợ: (1 lượt/ngày) x (tổng số ngày khám bệnh) x (mức thu giá dịch vụ giữ xe theo quy định).
Chiều 5/12, phiên thảo luận tại hội trường trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 6, HĐND TP Đà Nẵng khóa IX một lần nữa “nóng” chuyện xem xét chính sách miễn phí gửi xe cho bệnh nhân tại các bệnh viên công trên địa bàn
Lý do được UBND TP Đà Nẵng đưa ra là do bình quân mỗi năm ngân sách hỗ trợ 4.640 triệu đồng/năm. Bên cạnh việc góp phần giảm chi phí và hỗ trợ cho người dân đến thăm, khám và điều trị tại các bệnh viện, nhất là đối với người nghèo, gia đình khó khăn thì trong quá trình thực hiện, một số cá nhân đã lợi dụng chính sách này vào mục đích khác, gây quá tải và bất cập. Đặc biệt là không phù hợp với Luật Phí, lệ phí số 97/2015, có hiệu lực từ ngày 1/1/2017 thì nhiệm vụ chi ngân sách địa phương không có nội dung chi trợ giá đối với nội dung này buộc phải đưa ra xem xét, điều chỉnh.
Trước đề xuất của UBND TP Đà Nẵng, nhiều đại biểu HĐND TP.Đà Nẵng tiếp tục có ý kiến phản biện và bày tỏ quan điểm chưa đồng tình với việc bãi bỏ chủ trương do cố Bí thư Nguyễn Bá Thanh khởi xướng.
Đại biểu Lê Minh Trung cho rằng, chủ trương miễn phí không chỉ là việc phí hay giá mà phải xem đó là chủ trương có tầm cao hơn, đó là chủ trương được lòng dân. “Mỗi năm thành phố chi 4,6 tỷ đồng cho việc này, chia cho hơn 1 triệu dân thì mỗi người hơn 4.000 đồng, không đủ mua bó rau muống. Đà Nẵng có sự ủng hộ đồng lòng của người dân nhờ những sự khác biệt. Cực chẳng đã mới vào bệnh viện, không nên phân biệt giàu hay nghèo. Người giàu mà bị bệnh nan y thì cũng kiệt quệ không khác người nghèo. Kỳ họp trước, Sở Tài chính có nói rằng nếu HĐND quyết giữ thì Sở vẫn có cách điều tiết”, ông Lê Minh Trung nói.
Đại biểu Lê Minh Trung cho rằng, chủ trương miễn phí tienf gửi xe cho người bệnh không chỉ là việc phí hay giá mà phải xem đó là chủ trương có tầm cao hơn, chủ trương được lòng dân. Và cần được duy trì không nên bãi bỏ.
Cũng theo đại biểu Lê Minh Trung, cách hỗ trợ theo đề xuất cho người nghèo là khoán một ngày được gửi miễn phí ba lần thì chưa hợp lý. “Bởi có trường hợp ra vào bệnh viện đến cả chục lần trong ngày. Rồi khi ra viện mới được thanh toán thì những ngày nằm viện tiền đâu họ gửi xe khi bữa ăn vẫn phải trông chờ vào các tổ chức từ thiện.
Người dân Đà Nẵng rất có thiện cảm với chính quyền vì chúng ta có những chính sách hợp lòng dân. Trước APEC, chỉ một lời hiệu triệu của Chủ tịch UBND TP thì nhiều người dân đã tự nguyện đội mưa xuống đường dọn vệ sinh. Người dân đâu có nói rằng ngày mai TP sẽ tính công dọn dẹp cho mình một ngày là bao nhiêu tiền đâu. Chúng ta chỉ cần một hành động rất nhỏ nhưng đấy là lời động viên tinh thần, là sự khích lệ. Chữa bệnh không chỉ bằng thuốc mà còn là tinh thần nữa”, đại biểu Lê Minh Trung nhấn mạnh. Đồng thời ý kiến nên xem xét duy trì chủ trương nhân văn này.
Đồng quan điểm với đại biểu Lê Minh Trung, đại biểu Đại Đức Thích Thông Đạo cho rằng nên giữ lại chính sách này và nên cân đối từ những nguồn thu khác để duy trì chính sách đầy nhân văn trên.
Để có quyết định thấu đáo, đại biểu Tô Văn Hùng cho rằng, cần có báo cáo tác động xã hội đối với chính sách một cách bài bản. Trên cơ sở đó mới quyết định bỏ hay không bỏ. “Đề nghị giao cho một ban của HĐND TP thực hiện tham vấn nhân dân về việc này để có cơ sở mang ra quyết định trong kỳ họp sau”, đại biểu Tô Văn Hùng nói.
Theo đại biểu Tô Văn Hùng, cần có báo cáo tác động xã hội đối với chính sách một cách bài bản. Trên cơ sở đó mới quyết định bỏ hay không bỏ. Và nên thực hiện tham vấn nhân dân về việc này để có cơ sở quyết định trong kỳ họp sau
Cũng liên quan đến vấn đề này, tại Kỳ họp HĐND lần trước, UBND TP Đà Nẵng cũng có tờ trình đưa ra HĐND đề nghị đại biểu HĐND biểu quyết xem xét chủ trương này. Tuy nhiên, tại các kỳ họp trước, các đại biểu vẫn chưa chấp thuận thông qua.