Đà Nẵng: Lo ngại mưa lớn ảnh hưởng đến sự kiện APEC
Hồ Xuân Mai
VietTimes -- Quan ngại được Ban chỉ đạo Phòng chống thiên tai Trung ương đưa ra tại cuộc họp với lãnh đạo UBND TP.Đà Nẵng vừa diễn ra tối (1/11) sau những diễn biến xấu của thời tiết tại khu vực.
Cụ thể, tối ngày 1/11, UBND TP.Đà Nẵng đã tổ chức cuộc họp với đoàn công tác của Ban chỉ đạo về chuẩn bị ứng phó thiên tai Trung ương phục vụ Tuần lễ Cấp cao APEC 2017. Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ NN & PT-NT Hoàng Văn Thắng, Phó trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai tại TP.Đà Nẵng cho biết, tình hình thời tiết những ngày tới dự báo rất bất lợi. Áp thấp nhiệt đới đã vào biển Đông chiều nay và có thể lớn lên thành bão. Bão có khả năng đổ bộ lên địa bàn Nam Trung Bộ vào ngày 3/11-4/11. Bên cạnh đó, luồng không khí lạnh từ phía Bắc đổ xuống. Và nếu hội tụ các yếu tố này lại thì sẽ gây mưa rất là lớn.
“Dự báo các tỉnh từ Thừa Thiên Huế trở vào sẽ có mưa lớn trong nhiều ngày và có lụt cực lớn trên diện rộng kể cả các đô thị ở Nam Trung Bộ. Nên cần phải có ngay các phương án ứng phó với thiên tai nếu xảy ra dịp APEC này. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng đối với Đà Nẵng nói riêng và cả nước nói chung”, ông Hoàng Văn Thắng, Phó trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cảnh báo.
Tại cuộc họp, Sở NN & PT-NT TP.Đà Nẵng cho biết, do ảnh hưởng của không khí lạnh có cường độ mạnh kết hợp với trường gió đông nên trên địa bàn TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam từ ngày 30/10 đến sáng ngày 1/11 đã xuất hiện mưa lớn trên diện rộng. Số liệu đo được tại số trạm như sau, tại Hiên: 94mm, Khâm Đức: 294mm; Thành Mỹ: 121mm; Hội Khách: 117mm; Ái Nghĩa: 145mm; Cẩm Lệ: 99mm; Sơn Trà: 121mm; Đà Nẵng 95mm; Hòa Bắc 184mm. Mực nước trên các sông, lúc 13h ngày 1.11 tại sông Vu Gia tại Ái Nghĩa là 6.45m - dưới BĐ1: 0.05m; tại Cẩm Lệ: 0.57m - dưới BĐ1: 0.43m.
Mưa lớn kèm gió to đã quật ngã nhiều hạng mục phục vụ sự kiện Tuần lễ cấp cao APEC diễn ra tại Đà Nẵng vào đầu tháng 11 tới
Cùng với mưa lớn là lượng nước về các hồ chứa tăng nhanh, các hồ chứa trên địa TP.Đà Nẵng tính đến 7h ngày 1/11 đã ở mức cao. Cụ thể, tại Hồ chứa Hòa Trung mực nước cao 41,12m/41,10 m, hồ chứa Đồng Nghệ mực nước: 27,83m/33,3 m... Tại Quảng Nam: hồ thủy điện Sông Bung vượt 2 m, còn A Vương và ĐăkMi4 đang ở mức nước đón lũ. Riêng hồ ĐăkMi4 đang vận hành xả tràn trung bình 56,67m3/s để đưa hồ về mực nước đón lũ.
Trước những diễn biến của thời tiết, Phó Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh cho biết, để thực hiện các phương án phòng chống thiên tai dịp APEC, Đà Nẵng đã ban hành kế hoạch ứng phó với tình hình thiên tai và thời tiết xấu trong tuần lễ cấp cao APEC 2017. Kế hoạch này đã được Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN cấp phát, phổ biến cho các đơn vị, sở, ban ngành và các địa phương để chủ động lập các Phương án ứng phó của ngành. Bên cạnh đó, sẽ tổ chức trực ban 24/24 sẵn sàng ứng phó thiên tai và tiếp tục thực hiện các chỉ đạo của Trung ương...
“Về tình hình ngập úng cục bộ trên địa bàn trung tâm TP nếu xảy ra trong thời gian diễn ra sự kiện APEC, UBND TP đã chỉ đạo công ty xử lý nước thải tăng cường các phương án, tập trung nhân vật lực để giảm thiểu tình trạng này tới mức tối đa, tránh trường hợp các đoàn APEC gặp sự cố trên đường di chuyển”, ông Hồ Kỳ Minh nói.
tình trạng mưa lớn diễn ra liên tục trong ngày 31/10-1/11 khiến nhiều vùng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng bị ngập úng
Sau khi lắng nghe ý kiến của các cơ quan, Thứ trưởng Bộ NN & PT-NT Hoàng Văn Thắng yêu cầu, UBND TP.Đà Nẵng chỉ đạo Sở NN & PT-NT cắt cử cán bộ trực chiến tại các hồ 24/24h, để có phương án với các nguy cơ có thể xảy ra. Đồng thời cần tăng cường công tác phòng chống thiên tai, lụt bão trong thời gian diễn ra APEC này.
Cùng ngày, tình trạng mưa lớn diễn ra liên tục trong ngày 31/10-1/11 khiến nhiều vùng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng bị ngập úng. Cụ thể, tại Quảng Nam, nhiều khu vực thuộc huyện Nông Sơn, Duy Xuyên, Thăng Bình,… bị nước lũ dâng cao, một số nơi bị chia cắt cục bộ.
Một số khu vực tại Quảng Nam bị chia cắt cục bộ do mưa lũ
Thông tin từ Đài khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Nam, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường kết hợp gió đông hoạt động mạnh nên các địa phương trong tỉnh đã có mưa vừa, mưa to và có nơi mưa rất to. Tổng lượng mưa đo được từ ngày 31/10-1/11 phổ biến ở mức 40-80mm. Một số nơi mưa lớn như: Trà My đo được 283mm, TP Tam Kỳ là 243mm, Tiên Phước: 216mm… Do mưa lớn nên mực nước các sông Vu Gia, Thu Bồn ở Quảng Nam trong ngày 1/11 lên nhanh khiến nhiều khu vực bị ngập, các tuyến đường bị lũ chia cắt.