Đà Nẵng lên 8 kịch bản ứng phó nguy cơ khan hiếm nước sạch do nhiễm mặn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Để ứng phó nhanh chóng các tình huống cực đoan có thể xảy ra, Đà Nẵng đã xây dựng 8 kịch bản chính, tương ứng với từng mốc nhiễm mặn khác nhau, trong đó tính đến giải pháp đắp đập tạm trên sông Cẩm Lệ.

Lãnh đạo TP Đà Nẵng đi thị sát vận hành nhà máy cấp nước
Lãnh đạo TP Đà Nẵng đi thị sát vận hành nhà máy cấp nước

Trước diễn biến của tình trạng xâm nhập mặn, hạn hán có thể gây ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt trên địa bàn, lãnh đạo TP đã yêu cầu Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng, Trung tâm Quản lý hạ tầng đô thị và các đơn vị liên quan tổ chức, triển khai các giải pháp để đảm bảo cấp nước an toàn cho người dân và du khách.

Lãnh đạo TP đặc biệt nhấn mạnh không để xảy ra tình trạng thiếu nước sạch trong thời gian tới, nhất là dịp cao điểm 30/4-1/5 và mùa hè năm 2024.

"Để đảm bảo nguồn nước cấp an toàn cho vùng hạ du, ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn, nhất là nguồn nước thô cho các nhà máy nước để đảm bảo cấp nước an toàn cho người dân và du khách, UBND TP Đà Nẵng đã chỉ đạo các sở, ban, ngành của TP chủ động tổ chức thực hiện nhiều giải pháp", ông Võ Tấn Hà, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP Đà Nẵng cho biết.

"UBND TP Đà Nẵng yêu cầu đặc biệt chú trọng vận hành có hiệu quả, khai thác tối đa công suất các nhà máy nước khác mà nguồn nước thô không bị ảnh hưởng bởi vấn đề xâm nhập mặn trên địa bàn TP”, ông Hà cho biết thêm.

Đặc biệt, để ứng phó nhanh chóng các tình huống cực đoan, bất khả kháng có thể xảy ra, Đà Nẵng đã xây dựng 8 kịch bản chính, tương ứng với từng mốc nhiễm mặn khác nhau. Trong số đó bao gồm cả giải pháp đắp đập tạm trên sông Cẩm Lệ, hạ lưu nhà máy nước Cầu Đỏ để lấy nguồn nước thô của toàn bộ lưu vực sông Túy Loan, trong trường hợp đã áp dụng tất cả các biện pháp nhưng vẫn không đủ nước để cấp cho toàn TP.

"Các kịch bản ứng phó đã tính đến thời điểm dùng nước nhiều nhất năm 2024, với nhu cầu nước khoảng 375.000 m3/ngày, giờ dùng nước lớn nhất là 18.000 m3/h và tình huống các nhà máy nước/trạm bơm cấp nước sử dụng nước suối bị cạn kiệt không thể khai thác", ông Võ Tấn Hà cho hay.

Các kịch bản ứng phó còn bao gồm cả phương án cấp nước luôn phiên, cấp nước tạm bằng xe bồn.

Cũng theo lãnh đạo Sở Xây dựng, bên cạnh việc vận hành có hiệu quả các nhà máy nước trên địa bàn, UBND TP yêu cầu các đơn vị phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành của UBND tỉnh Quảng Nam để sớm gia cố, đắp đập tạm trên sông Quảng Huế nhằm tăng lượng nước về hạ du sông Vu Gia.

Bên cạnh đó, thường xuyên tổ chức và yêu cầu các nhà máy thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn tổ chức vận hành hồ với lưu lượng, thời gian xả theo đúng Quy trình vận hành liên hồ chứa được ban hành tại Quyết định số 1865/QĐ-TTg ngày 23/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ.