Đà Nẵng làm gì để hút khách khi giá vé máy bay tăng cao?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

TP Đà Nẵng đã làm việc với các hãng hàng không, cơ quan quản lý về giá vé máy bay để nắm bắt thông tin, đưa ra giải pháp, đồng thời khuyến khích doanh nghiệp lữ hành đa dạng hóa phương tiện vận chuyển.

Từ đầu tháng 3 đến nay, vé máy bay khứ hồi từ Hà Nội, TP.HCM đến Đà Nẵng không chỉ khan hiếm mà còn tăng giá 15-20%. Số đường bay nội địa đến Đà Nẵng cũng bị cắt giảm từ 7 xuống còn 4 đường bay, khiến lượng khách đến một số khu du lịch nổi tiếng của Đà Nẵng không đạt như kỳ vọng.

Trước ảnh hưởng tiêu cực của tình trạng khan hiếm và tăng giá của vé máy bay đến ngành du lịch Đà Nẵng, VietTimes đã có cuộc phỏng vấn đối với bà Nguyễn Thị Hoài An, Phó giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng, về vấn đề này.

vt_nguyen thi hoai an.png
Bà Nguyễn Thị Hoài An, Phó giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng.

- Tình trạng khan hiếm vé máy bay cũng như việc giá vé rất cao đang ảnh hưởng rất lớn đến du lịch Đà Nẵng. Bà có thể chia sẻ những ảnh hưởng khó khăn này thưa bà?

Bà Nguyễn Thị Hoài An: Như chúng ta biết, hàng không là xương sống cho các sản phẩm du lịch nội địa, nên bất cứ biến động nào về giá vé, hay khan hiếm vé máy bay… cũng đều ảnh hưởng tới ngành du lịch nói chung, trong đó có du lịch Đà Nẵng.

Do tình hình thiếu hụt tàu bay, hiện nay chỉ còn 4/7 chặng bay nội địa đến Đà Nẵng bao gồm: Hà Nội, TP HCM, Cần Thơ và Hải Phòng; so với cùng kỳ năm 2023 thì 3 đường từ Phú Quốc, Đà Lạt, Nha Trang đã bị cắt.

Việc cắt giảm này khiến tần suất bay trung bình đến Đà Nẵng hiện nay chỉ còn 53 chuyến bay/ngày, giảm 12 chuyến/ngày so với năm 2023.

Việc cắt giảm này khiến số lượng chuyến bay đến Đà Nẵng trong quý I/2024 chỉ còn 4.854 chuyến, với 806.000 lượt khách, bằng 87% số lượng chuyến bay và 91% số lượng hành khách so với quý I/2023.

Số liệu trên cho thấy, việc thiếu hụt máy bay và giá vé máy bay tăng ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường nội địa. Đặc biệt khó thu hút khách du lịch đến Đà Nẵng bằng đường hàng không trong giai đoạn cao điểm hè sắp đến.

vt_sunworld-ba-na-hill-71297_2842020.jpg
Khách đến Khu du lịch Sunworld Bà Nà Hills (Đà Nẵng) giảm mạnh do tác động của giá vé máy bay tăng cao

- Trước bối cảnh này, ngành du lịch Đà Nẵng đã có giải pháp gì để ứng phó, nhằm đảm bảo mục tiêu tăng trưởng du lịch địa phương?

Bà Nguyễn Thị Hoài An: Ngành du lịch Đà Nẵng đã và đang có những giải pháp để thích ứng linh hoạt với tình trạng trên. Ngoài ra, TP đã làm việc với các hãng hàng không, cơ quan quản lý về giá để nắm bắt thông tin, đưa ra những giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch. Về phía doanh nghiệp du lịch, chúng tôi khuyến khích đa dạng hóa phương tiện vận chuyển (tàu hỏa, ô tô…), không phụ thuộc hoàn toàn vào máy bay.

Đối với sản phẩm đường sắt, tuyến đường sắt du lịch có tên “Kết nối di sản miền Trung” giữa Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng được Tổng Công ty đường sắt Việt Nam chính thức triển khai từ ngày 26/3. Tại ga Huế và ga Đà Nẵng, mỗi ngày sẽ có 2 chuyến khởi hành.

Ngoài ra, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cũng đã đưa vào khai thác đoàn tàu gồm 5 toa xe ghế mềm điều hoà và một toa sinh hoạt cộng đồng với không gian âm nhạc cung đình Huế. Khách cũng có thể thưởng thức các món ăn nhẹ dân dã của Việt Nam.

Việc ra mắt tuyến đường sắt “Kết nối di sản miền Trung” đáp ứng nhu cầu của du khách, nhất là du khách quốc tế trong hành trình trải nghiệm du lịch miền Trung và thưởng ngoạn cảnh đẹp hùng vĩ của cung đường sắt qua đèo Hải Vân - địa danh được mệnh danh là “Thiên hạ đệ nhất hùng quan” và cũng là một trong những cung đường sắt đẹp nhất thế giới.

vt-tau-di-san-6-2732.png
Du khách đến Đà Nẵng trên chuyến tàu “Kết nối di sản miền Trung”

Chuyến tàu “kết nối di sản miền Trung” góp phần đa dạng hóa loại hình du lịch, giảm áp lực du lịch hàng không, khai thác lợi thế của ngành đường sắt và đường bộ với phương án di chuyển an toàn, thoải mái cho hành khách, được kỳ vọng là sản phẩm mẫu cho du lịch đường sắt trong thời gian tới, là một sản phẩm du lịch đặc thù của miền Trung, sản phẩm của sự liên kết phát triển du lịch giữa ba địa phương Đà Nẵng-Quảng Nam-Thừa Thiên Huế và ngành đường trong hành trình khám phá di sản miền Trung.

Ngoài ra, để quảng bá cho đoàn tàu du lịch Huế - Đà Nẵng, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam có kế hoạch sơn mới 1 toa tàu mang hình ảnh đặc trưng của du lịch của TP Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên Huế.

- Phải chăng đường sắt sẽ là giải pháp vận chuyển hành khách du lịch đến với Đà Nẵng trong bối cảnh vé máy bay tăng cao?

Bà Nguyễn Thị Hoài An: Nhằm đa dạng hóa các sản phẩm trải nghiệm du lịch mới lạ, hấp dẫn phục vụ khách du lịch và tiếp tục khai thác có hiệu quả nguồn khách du khách đến với Đà Nẵng, ngành đường sắt đã kịp thời thích ứng và chuyển mình tích cực, tập trung đầu tư mạnh trang thiết bị, cơ sở vật chất, tăng tiện ích và trải nghiệm cho cho du khách trên các chuyến tàu.

Ngày 29/3, trong khuôn khổ buổi công bố kích cầu thu hút du khách đến với Đà Nẵng ,Sở Du lịch TP Đà Nẵng cùng các doanh nghiệp đã ký kết biên bản hợp tác về việc đồng hành phát triển sản phẩm du lịch tàu hoả “Wow Train” gắn với trải nghiệm của du khách, giúp khách đi tàu thêm yêu cảnh sắc Việt, tới các điểm du lịch nổi tiếng của Việt Nam. Chúng tôi hy vọng rằng, sự vào cuộc của Tổng Công ty Đường sắt và cộng đồng doanh nghiệp góp phần rất lớn cho sự phát triển du lịch Đà Nẵng trong thời gian tới.

Trong bối cảnh khó khăn của ngành hàng không hiện nay thì tuyến đường sắt “Kết nối di sản miền Trung” sẽ là sản phẩm du lịch tốt, khai thác lợi thế của ngành đường sắt góp phần tăng sự trải và nhiều lựa chọn cho du khách đến tham quan du lịch Đà Nẵng, Quảng Nam cũng như Thừa Thiên Huế.

vt-tau-di-san-7-1792.png
Tuyến đường sắt “Kết nối di sản miền Trung” nối 2 điểm đến du lịch miền Trung là TP Đà Nẵng và TP Huế

- Việc khan hiếm vé và giá vé máy bay tăng cao đang khiến khách du lịch chuyển hướng đến các địa điểm nước ngoài. Nhiều địa phương làm du lịch đang lo ngại xu hướng này. Vậy TP Đà Nẵng có nghĩ đến việc sẽ đề xuất với Chính phủ và các bộ ngành các cơ chế tháo gỡ khó khăn về vận chuyển khách bằng đường hàng không hay không?

Bà Nguyễn Thị Hoài An: Chúng tôi cũng đã chuẩn bị nội dung và những đề xuất, kiến nghị đối với Chính phủ và Bộ VH-TT&DL để tháo gỡ các khó khăn này.

Đối với ngành hàng không, cần có gói tài trợ về tài chính cho các hãng hàng không. Cụ thể như: Giảm một số loại thuế phí cất hạ cánh, phí nhiên liệu… cho đến hết năm 2025, chính sách hỗ trợ lãi suất với doanh nghiệp trong ngành hàng không.

Để giải quyết tình trạng thiếu hụt máy bay, đề xuất các hãng tăng tần suất bay, tăng chuyến bay đêm, nhất là vào dịp mùa hè cao điểm. Bên cạnh đó, ngành hàng không làm việc với các cơ quan quản lý hàng không các nước để tăng tải cung ứng (slot) trong đó có thị trường Ấn Độ, Trung Quốc.

Việc vé máy bay, đặc biệt chặng bay nội địa tăng giá đang làm giảm sức cạnh tranh của điểm đến của Đà Nẵng nói chung và Việt Nam nói riêng, khách Việt Nam đang có xu hướng chọn du lịch nước ngoài thay vì trong nước, nên ngành hàng không cần tăng cường hợp tác với ngành du lịch mà cụ thể là Bộ VH-TT&DL, Bộ GTVT và các địa phương cần liên kết để xác định thị trường, hoạch định sản phẩm và phối hợp trong công tác xúc tiến quảng bá. Đồng thời phát động chiến dịch người Việt Nam đi du lịch Việt Nam, liên kết với nhau để đưa ra gói kích cầu hấp dẫn.

Đối với đường bộ, đường sắt, cần phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng. Để thích ứng với tình hình hiện nay, các doanh nghiệp du lịch cần chuyển hướng sản phẩm, dịch vụ, xây dựng tour tuyến mới theo hướng tăng tour đi bằng xe chất lượng cao ở những chặng ngắn; kết hợp đi máy bay và tàu hỏa, ô tô (vận chuyển đa phương thức).

Theo tôi, ngành đường sắt cần nỗ lực hoàn thiện dịch vụ tại tất cả các tuyến tàu để kết hợp phục vụ nhu cầu đi lại và phục vụ du lịch, tạo ra sự đa dạng về phương tiện vận chuyển cho khách lựa chọn. Còn đường bộ cần tăng cường xúc tiến, quảng bá các sản phẩm du lịch, chương trình kích cầu, sự kiện, lễ hội….tại TP Đà Nẵng và các tỉnh thành lân cận để thu hút khách du lịch nội địa đến Đà Nẵng đặc biệt vào dịp hè 2024.

- Cám ơn bà!