Thông qua nhiều chủ trương, chính sách quan trọng
Sáng 29/7, HĐND TP Đà Nẵng khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 khai mạc Kỳ họp thứ 19 - Kỳ họp giữa năm 2024. Tham dự kỳ họp có ông Trần Quang Phương, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; ông Nguyễn Văn Quảng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng; ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cùng lãnh đạo Thành uỷ, UBND TP Đà Nẵng.
Phát biểu khai mạc, ông Ngô Xuân Thắng, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng cho biết, kinh tế quý II/2024 của Đà Nẵng tăng trưởng đạt 8,35%; hoạt động dịch vụ, du lịch tiếp tục là điểm sáng, đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế chung của TP; nhiều công trình, dự án trọng điểm được khởi công, khánh thành, đưa vào sử dụng; các chương trình an sinh xã hội tiếp tục được duy trì thực hiện tốt với những chính sách đặc thù, riêng có của địa phương…
Tuy nhiên, kinh tế TP cũng đang đối diện với nhiều khó khăn, tồn tại, hạn chế do nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan. Tốc độ tăng trưởng GRDP vẫn còn thấp so với mục tiêu đề ra trong năm 2024; cộng đồng doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, thách thức; giải ngân vốn đầu tư công chưa đảm bảo kế hoạch; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội còn tiềm ẩn phức tạp.
“Chính vì vậy, Kỳ họp lần này có ý nghĩa hết sức quan trọng, cần tập trung thảo luận, phân tích, đánh giá về tình hình, những kết quả đạt được, chỉ ra những hạn chế, khó khăn, làm rõ nguyên nhân cả khách quan và chủ quan, đề ra các giải pháp, nhiệm vụ cụ thể, khả thi, gắn với chủ đề năm 2024 đã được xác định là: “Năm đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tiếp tục khơi thông các nguồn lực đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội”, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng nhấn mạnh.
Được biết, tại Kỳ họp, các đại biểu sẽ thảo luận, bàn bạc cho ý kiến 152 tài liệu, dự kiến thông qua 32 Nghị quyết với nhiều chủ trương quan trọng, có tác động lớn và trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của người dân TP. Trong đó, Kỳ họp xem xét, cho ý kiến về dự toán thu, chi ngân sách 6 tháng đầu năm 2024; kế hoạch vốn đầu tư công 2025 và điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025; xem xét, cho ý kiến một số chính sách an sinh xã hội mang tính đặc thù như: Hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông công lập và ngoài công lập trên địa bàn trong năm học 2024-2025; chính sách hỗ trợ chi phí mua điện thoại thông minh cho hộ nghèo, hộ cận nghèo…
Kỳ họp lần này, các đại biểu sẽ xem xét, cho ý kiến về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 136 ngày 26/6/2024 của Quốc hội khóa 15 về tổ chức mô hình chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng, nhằm khai thác, phát huy những lợi thế, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, khơi thông mọi nguồn lực, tạo động lực tăng trưởng mới, phát triển cho Đà Nẵng.
Bàn phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, phường
Đặc biệt, tại kỳ họp, các đại biểu sẽ thảo luận, cho ý kiến về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 của TP Đà Nẵng; đồng thời, xem xét chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư do thực hiện chủ trương này.
Theo phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2023-2025 của UBND TP Đà Nẵng gửi Bộ Nội vụ, sau sắp xếp, Đà Nẵng sẽ còn 47 đơn vị gồm: 36 phường và 11 xã (giảm 9 phường, chiếm tỷ lệ 20%), trong đó chủ yếu ở các quận trung tâm.
Cụ thể, tại quận Hải Châu, sáp nhập 2 phường Hải Châu 1 và Hải Châu 2, thành lập đơn vị hành chính mới với tên gọi dự kiến là phường Hải Châu 1; sáp nhập phường Bình Thuận và Hòa Thuận Đông, tên gọi mới dự kiến là phường Hòa Bình; sáp nhập 3 phường Phước Ninh, Nam Dương và Bình Hiên, tên gọi mới dự kiến là phường Nam Bình Phước hoặc Nam Phước. Riêng phường Thạch Thang, UBND TP Đà Nẵng đề nghị không hoặc chưa sắp xếp do yếu tố đặc thù về văn hóa, lịch sử, an ninh quốc phòng.
Tại quận Thanh Khê, Đà Nẵng dự kiến sáp nhập hai phường Thanh Khê Đông và Hòa Khê, tên gọi đơn vị hành chính mới dự kiến là phường Thanh Hòa; sáp nhập 2 phường Tân Chính và Chính Gián, tên gọi mới dự kiến là phường Tân Chính Gián; sáp nhập phường Tam Thuận và Xuân Hà, tên gọi mới dự kiến là phường Hà Tam Xuân; sáp nhập phường Thạc Gián và Vĩnh Trung thành phường mới mang tên mới là phường Thạc Gián.
Tại quận Sơn Trà, sáp nhập 2 phường An Hải Đông và An Hải Tây, tên gọi mới dự kiến là phường An Hải Nam.
Ở cấp quận/huyện, trong giai đoạn 2026-2030, quận Thanh Khê dự kiến điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính, nhập một phần diện tích của quận Liên Chiểu vào quận Thanh Khê.
Việc sắp xếp các đơn vị hành chính này dự kiến sẽ dôi dư so với quy định là 103 người, số người hoạt động không chuyên trách cấp xã dôi dư là 34 người.
Để đảm bảo quyền lợi cho số cán bộ, công chức dôi dư này, UBND TP Đà Nẵng đã có tờ trình dự thảo Nghị quyết về chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn giai đoạn 2023 – 2025.
Đối tượng áp dụng là cán bộ, công chức cấp xã dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023 – 2025; người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025 được bố trí công tác trước ngày 1/1/2024.
Theo UBND TP Đà Nẵng, việc xây dựng nghị quyết hỗ trợ nhằm kịp thời động viên, khuyến khích cán bộ, công chức cấp xã, người hoạt động không chuyên trách cấp xã nghỉ công tác do thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế đảm bảo phù hợp với quy định và điều kiện thực tế của địa phương; bên cạnh đó, hỗ trợ cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã giải quyết khó khăn khi bị cắt giảm để thực hiện chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính…