Những sự kiện làm chấn động thế giới thời kỳ chiến tranh lạnh:

Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba: Căng thẳng tột độ trong quan hệ Xô – Mỹ (Kỳ 3)

VieTimes -- Trong thời kì chiến tranh lạnh, cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba được đánh giá là một trong những sự kiện quan trọng đánh dấu sự căng thẳng tột độ trong quan hệ Xô - Mỹ, suýt đẩy 2 cường quốc đến bờ vực của cuộc chiến tranh hạt nhân. Sự kiện này cũng để lại những bài học sâu sắc trong việc xử lí, giải quyết các vấn đề nảy sinh trong quan hệ quốc tế, trong đó không thể thiếu vai trò năng động, sáng tạo của cơ quan tình báo.
Nguồn ảnh: CNN
Nguồn ảnh: CNN

Đầu năm 1962, sau khi bố trí ở Anh và Thổ Nhĩ Kì các tên lửa xuyên lục địa tầm trung Minuteman, Mỹ đã đạt được ưu thế rõ ràng trong cuộc chạy đua vũ trang với Liên Xô. Trong bối cảnh đó, Ban lãnh đạo Liên Xô đứng đầu là Nikita Khrusov cho rằng có thể loại bỏ ưu thế đó bằng cách triển khai các tên lửa của Liên Xô ở Cuba – hòn đảo cách mạng nằm cách Mỹ chỉ khoảng 90 hải lí.

Khrushov cũng tính toán rằng bí mật triển khai tên lửa hạt nhân trên lãnh thổ Cuba, Liên Xô có thể đặt vị Tổng thống trẻ tuổi và ít kinh ghiệm John Kennedy trước sự đã rồi mà ông này phải chấp nhận... Mùa hè 1962, các kĩ sư Liên Xô bắt đầu xây dựng các bệ phóng cho loại tên lửa có tầm bắn trên 3.000km – tên lửa này có thể bay tới vùng duyên hải phía đông nước Mỹ chỉ trong vòng vài phút. Và đây chính là nguyên nhân và sự khởi đầu của cuộc khủng hoảng.

Cuộc khủng hoảng diễn ra trong vòng 13 ngày (từ ngày 16/10 đến ngày 29/10/1962), trong đó những ngày căng thẳng nhất là: Sáng sớm ngày 16/10, thứ ba, Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) đệ trình Tổng thống Kennedy tài liệu (những bức không ảnh do máy bay do thám U-2 chụp kèm kết luận) chứng minh Liên Xô đang triển khai tên lửa tầm trung tại Saint Kristoban (Cuba). Cuộc họp giữa Tổng thống với các cố vấn tối cao diễn ra căng thẳng. Ngày 19/10, thứ Sáu, giới quân nhân gây áp lực với Kennedy, đòi “nướng chín” Cuba.

Ngày 22/10, thứ hai, Washington điện đàm với lãnh đạo các nước đồng minh; Tổng thống Mỹ thông báo tình hình với nhân dân Mỹ trên đài phát thanh và truyền hình; tuyên bố phong tỏa đường không, đường biển của Cuba và yêu cầu Liên Xô đưa tên lửa khỏi Cuba; 2.500 thân nhân binh sĩ Mỹ tại căn cứ Goantanamo được yêu cầu thu xếp hành lí trong vòng 15 phút để di tản. Ngày 24/10, thứ tư, các tàu hàng hải của Liên Xô trên đường đến Cuba bị tàu chiến Mỹ giữ và đe dọa nổ súng. Ngày 25/10, thứ năm, nhà lãnh đạo Liên Xô Khrushov đưa ra thông điệp mang tính hòa giải, song cũng phê phán, cảnh cáo những hành động quá khích của Mỹ.

Nhà lãnh đạo Liên Xô Khrushov.
Nhà lãnh đạo Liên Xô Khrushov.

Cùng ngày 25/10, giới quân sự Mỹ phát lệnh báo động nguyên tử, dù đó chỉ là báo động diễn tập. Người dân Mỹ náo động kéo đi mua sắm lương thực, thực phẩm để dự trữ, thế nhưng các cửa hàng lại bán phương tiện phòng chống nguyên tử dành cho cá nhân. Ngày 26/10, thứ sáu, giới hiếu chiến trong Bộ Quốc phòng Mỹ chỉ trông chờ một đụng độ trên không, trên biển nhỏ nhất để có thể bắt đầu chiến tranh. Lầu Năm góc thông qua kế hoạch của chiến dịch Mangusta huy động 200.000 lính lục quân, 70.000 lính hải quân đánh bộ, 2.000 lượt máy bay các loại, 100 tàu chiến và tàu đổ bộ... sẵn sàng cho chiến tranh.

Lực lượng hạt nhân chiến lược được đặt trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu cao. Các máy bay B-52 mang bom hạt nhân bay liên tục trên không phận đông – nam nước Mỹ, cứ một chiếc hạ cánh lấy dầu lập tức có chiếc khác cất cánh thay thế. Rất đông người dân Mỹ chạy sang nước Mehico láng giềng để sơ tán. Ngày 27/10, thứ bảy, nhà lãnh đạo Cuba Fidel Castro nhận được tin tình báo rằng Mỹ có thể tiến công trong vài ngày tới. Còn ở Moscow, Khrushov phê chuẩn kế hoạch bảo vệ các cơ sở của Liên Xô tại Cuba trong trường hợp Mỹ tiến công.

Ngày 28/10, chủ nhật, đại sứ Liên Xô tại Mỹ Anatoli Dobrunin thông báo với Robert Kennedy (Bộ trưởng Tư pháp, em trai Tổng thống Kennedy) nội dung bức điện của Khrushov nêu rõ Liên Xô đồng ý tháo dỡ các quả tên lửa đã triển khai tại Cuba. Ngày 29/10, thứ hai, R. Kennedy thông báo với đại sứ Dobrunin rằng Tổng thống Kennedy xác nhận, để đáp ứng thiện chí của phía Liên Xô, Mỹ đồng ý hủy bỏ căn cứ tên lửa của họ tại Thổ Nhĩ Kì đang hướng về phía Liên Xô, song yêu cầu không công khai thỏa thuận này. Đến đấy, cuộc khủng hoảng chấm dứt.

Bên cạnh kênh ngoại giao và các kênh chính thức khác, Tình báo đối ngoại Liên Xô đã có sự đóng góp xuất sắc trong giải quyết sự kiện này.

Vào thời điểm ấy, Tổ trưởng điệp báo Liên Xô tại Washington là nhà tình báo lỗi lạc Alesander Feklisov, hoạt động công khai dưới bình phong Tham tán đại sứ quán với cái tên Fomin. Chính ông đã có những bước đi táo bạo, sáng tạo giúp lãnh đạo cấp cao đưa ra giải pháp đúng đắn giải tỏa cuộc khủng hoảng.

Bước đi đầu tiên, Fomin tìm gặp người quen lâu năm của mình là nhà bình luận quốc tế nổi tiếng của đài ABC John Skaly - một người nổi tiếng là thạo tin, có quan hệ cá nhân gần gũi với Ngoại trưởng Mỹ và cả dòng họ Kennedy. Tại cuộc gặp, John Skaly đánh giá việc Khrushov coi thường Tổng thống Mỹ (non nớt và không có kinh nghiệm chính trường) là một sai lầm.

Skaly cũng thông báo giới quân sự Mỹ hăng máu đang đề nghị Kennedy cho phép họ đánh thẳng vào Cuba và cam đoan “sẽ xóa sổ các tên lửa Nga Xô và kết liễu chế độ Castro trong vòng 48 tiếng đồng hồ”, còn nhiều thành viên Hội đồng An ninh quốc gia tỏ ra nghiêng ý kiến về phía các tướng lĩnh. Đáp lại, Fomin cho rằng nhà lãnh đạo Liên Xô rất tôn trọng Tổng thống Kennedy, coi ông này là nhà hoạt động chính trị có tầm nhìn xa trông rộng, thể hiện qua việc đang cố gắng ngăn chặn giới quân nhân hiếu chiến lôi kéo nước Mỹ vào “một cuộc phiêu lưu mạo hiểm nhất với những hậu quả khôn lường”.

Liên quan đến ý tưởng tiến công Cuba, Fomin cho rằng điều này chẳng khác gì “tạo cho Khrushov quyền được tự do hành động, và Liên Xô có thể giáng đòn đánh trả Mỹ vào chỗ hiểm yếu hơn ở một nơi khác có ý nghĩa chính trị – quân sự quan trọng hơn”.

Câu trả lời này của Fomin gây bất ngờ cho John Skaly. Ông ta hỏi lại: “Có phải anh ngụ ý “chỗ hiểm” ấy là Tây Berlin? Tôi nghĩ quân đội Mỹ và đồng minh sẽ kiên quyết bảo vệ thành phố này”. “Đúng vậy, Fomin nói, để trả đũa thì điều đó hoàn toàn có thể xảy ra. Còn về việc “kiên quyết bảo vệ thì tôi nói để anh biết,John: với những dòng thác xe tăng tiến về phía Tây, với những binh đoàn máy bay tiêm kích quét sạch mọi thứ trên mặt đất thì chỉ cần 24 tiếng đồng hồ, các sư đoàn Liên Xô sẽ đè bẹp sự kháng cự của các đơn vị đồn trú Mỹ, Anh, Pháp để đánh chiếm Berlin”.

Những lời nói của Fomin đã gây ấn tượng mạnh mẽ đối với Skaly. Ông ta kết luận rằng chiến tranh với những hậu quả khôn lường như vậy là không còn xa nữa, và hỏi người đối thoại của mình: “Vậy thì theo anh vì cái gì mà phải bắt đầu chiến tranh?”. Fomin trả lời: “Vì hai bên sợ lẫn nhau. Vì Cuba sợ bị tiến công, còn Mỹ sợ bị tên lửa bắn từ Cuba”.

Cuộc gặp đến đây kết thúc mà không ai đưa ra đề nghị gì để tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng. Skaly đi thẳng đến Nhà Trắng, còn Fomin trở về báo cáo tình hình với đại sứ của mình. Tuy nhiên, không ai nghĩ rằng nội dung cuộc nói chuyện lại được báo cáo với Tổng thống Mỹ nhanh đến thế. Chỉ 2-3 giờ sau đó, cũng thông qua John Skaly, Kennedy đã đưa ra đề nghị mang tính nhân nhượng nhằm giải quyết khủng hoảng.

Skaly lập tức mời Fomin đến gặp và “được sự ủy quyền của nhà lãnh đạo tối cao”, thông báo cho Fomin những điều kiện giải quyết khủng hoảng, bao gồm: 1. Liên Xô tháo dỡ và dưới sự giám sát của Liên Hợp quốc đưa tên lửa ra khỏi Cuba; 2. Mỹ bãi bỏ phong tỏa; 3. Mỹ cam kết không tiến công Cuba.

Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Mỹ đã thực hiện nhiều vụ thử hạt nhân. Bức ảnh này được chụp năm 1962 ghi lại hình ảnh đám mây hình nấm nhỏ được tạo thành trong vụ thử hạt nhân có tên là "Small Boy".
Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Mỹ đã thực hiện nhiều vụ thử hạt nhân. Bức ảnh này được chụp năm 1962 ghi lại hình ảnh đám mây hình nấm nhỏ được tạo thành trong vụ thử hạt nhân có tên là "Small Boy".

Fomin ghi chép cẩn thận những điều kiện do Skaly đưa ra, yêu cầu Skaly xác định rõ “nhà lãnh đạo tối cao” chính là Tổng thống Kennedy và cam kết sẽ nhanh chóng báo cáo về Moscow.

Trở về sứ quán, Fomin thảo bức điện báo và chuyển cho đại sứ Dobrunin kí. Nhưng đại sứ không kí vào bức điện đó với lí do Bộ Ngoại giao không ủy quyền cho ông tiến hành những cuộc hội đàm như thế. Thế là nhà ngoại giao Fomin kiêm nhà tình báo Feklisov tự kí vào bức điện và chuyển nó theo kênh riêng cho thủ trưởng của mình là tướng Sakharovski, Giám đốc Tổng cục Tình báo đối ngoại. Ngày 27/10, trong công hàm gửi Khrushov, Kennedy chính thức khẳng định những điều kiện nhân nhượng đã được trao đổi qua kênh Skaly – Fomin. Ngoài ra, như đã biết, để đổi lại việc Liên Xô đưa tên lửa khỏi Cuba, Mỹ cũng buộc phải rút tên lửa Jupiter khỏi Thổ Nhĩ Kì sau đó 3-5 tháng, mặc dù thỏa thuận này không được chính thức đưa vào văn bản.

Nhiều năm sau, khi hồi tưởng lại sự kiện này, A. Feklisov nhấn mạnh rằng không ai giao nhiệm vụ cho ông đưa ra ý tưởng đánh chiếm Berlin như một biện pháp trả đũa của Liên Xô trước việc Mỹ tiến công Cuba. Hành động này tựa như một sáng kiến xuất thần bất chợt nảy sinh trong đầu ông: “Tôi đã nói với tinh thần dám chịu trách nhiệm trước hành động của mình, bởi sau khi phân tích tình hình tôi nghĩ rằng sự việc sẽ xoay chiều đúng như vậy... Giờ đây nghĩ lại, tôi thấy quả là mình đã mạo hiểm, nhưng không hề sai lầm”.

Đúng là, trong trường hợp cần thiết, nhất là khi hoạt động độc lập hay ở xa Tổ quốc, người tình báo viên phái biết dám phiêu lưu, táo bạo. Đôi khi hành động phiêu lưu như thế có thể so sánh với sự táo bạo của vị tướng cầm quân ngoài mặt trận khi đưa ra những quyết định mạo hiểm nhưng đúng đắn. Tuy nhiên, vị tướng thường chỉ đưa ra những quyết định trong phạm vi chiến tuyến hoặc mặt trận của mình, còn sự mạo hiểm của tình báo viên chiến lược có thể liên quan đến vận mệnh Tổ quốc của anh ta.

Chính vì lẽ đó mà Alesander Feklisov được xem là một trong những tổ trưởng điệp báo hàng đầu của Tình báo Liên Xô. Ông đã vinh dự được phong tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô vì thành tích góp phần giải quyết hòa bình cuộc khủng hoảng Cuba, do đã hiểu được ý nghĩa của sự mạo hiểm cần thiết và do sáng kiến xuất thần đầy trí tuệ và trách nhiệm.

Cho đến nay, cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba là cuộc đối đầu hạt nhân đầu tiên và duy nhất giữa Mỹ và Liên Xô. Cuộc khủng hoảng cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc tác động đến diễn biến của cuộc chiến tranh lạnh. Căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Liên Xô trong cuộc khủng hoảng đã khiến thế giới và bản thân hai siêu cường lo sợ về một cuộc chiến tranh thế giới sử dụng vũ khí hạt nhân sẽ xảy ra. Chính điều đó đã thúc đẩy hai bên bước vào giai đoạn hòa hoãn cuối thập niên 1960 và tăng cường tiến hành các cuộc đàm phán giải trừ quân bị. Mỹ và Liên Xô cũng đã đồng ý thành lập một “đường dây nóng” giữa Washington và Moscow, cho phép các nhà lãnh đạo hai nước có thể trò chuyện trực tiếp để giải quyết những cuộc khủng hoảng tương tự trong tương lai.