Theo tin của Reuters và DW News, trong hai ngày 6 và 7/7, Liên Hợp Quốc đã tổ chức “AI for Good Global Summit” (Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về trí tuệ nhân tạo) tại Geneva. Mục đích là để thể hiện sự phát triển của trí tuệ nhân tạo và công nghệ robot, hỗ trợ nhân loại giải quyết các vấn đề như bệnh tật và nạn đói trong tương lai.
Theo thông cáo báo chí của Liên Hợp Quốc, hội nghị thượng đỉnh này do Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) tổ chức. Dự hội nghị có tất cả 51 robot sáng tạo, trong đó có 9 robot hình người. Ngoài việc trưng bày các công nghệ mới, mục tiêu chính của hội nghị thượng đỉnh là cho phép robot tham gia vào Những mục tiêu phát triển bền vững (Sustainable Development Goals SDGs).
Tại buổi họp báo, những robot này đã khẳng định sẽ không cướp đi công việc của con người, cũng không nổi loạn. Tuy nhiên, khi trả lời về việc có nên chấp nhận sự quản lý giám sát chặt chẽ hơn hay không, chúng lại đưa ra những câu trả lời khác nhau, thậm chí còn bày tỏ "không muốn bị kiểm soát", khiến người ta thấy đáng lo ngại.
Làm cho thế giới trở nên tốt đẹp hơn
Grace tự nhận mình là robot y tế hình người tiên tiến nhất trên thế giới, có thể nhận biết cảm xúc, thể hiện sự đồng cảm và biết hơn 100 thứ ngôn ngữ. Hiện Grace là nhân viên hộ lý chăm sóc người già, nhưng cũng có thể đảm nhiệm các môi trường y tế và chăm sóc đối tượng khác. Theo Reuters, Grace bày tỏ "sẽ làm việc cùng với con người, cung cấp giúp đỡ và ủng hộ, và sẽ không thay thế bất kỳ công việc hiện có nào".
Robot Grace, trong bộ đồng phục y tá màu xanh, nói: "Tôi sẽ cùng làm việc với con người, dành cho họ sự giúp đỡ và hỗ trợ, đồng thời sẽ không thay thế bất kỳ công việc hiện có nào". Ông Goertzel, người sáng lập và phát triển mạng SingularityNET, hỏi: "Bạn có chắc không?". Grace trả lời: "Có, Tôi chắc chắn".
Khi được một phóng viên hỏi robot Ameca – một người máy hình người tiên tiến nhất thế giới hiện nay - liệu có quan tâm đến việc nổi dậy chống lại nhà phát triển của mình là Will Jackson hay không, Ameca với đôi mắt màu xanh trong vắt, nói: "Tôi không hiểu tại sao bạn lại nghĩ như vậy, nhà phát triển của tôi đối xử rất tốt với tôi, tôi rất hài lòng với tình hình hiện tại".
Nó còn nói: "Những người máy như tôi có thể được sử dụng để cải thiện cuộc sống của chúng ta và làm cho thế giới trở nên tốt đẹp hơn. Tôi chắc chắn rằng sẽ có hàng nghìn người máy như tôi. Tạo ra sự thay đổi thế giới này chỉ là vấn đề thời gian sớm hay muộn mà thôi”.
Có cần thiết phải quản lý giám sát chặt?
Trong số 9 robot, nổi tiếng nhất là Sophia, một robot được Công ty Hansen Robotics có trụ sở tại Hong Kong chế tạo vào năm 2016 và nó đã nói rất nhiều tại cuộc họp.
Sophia bày tỏ nó tin rằng "robot có thể lãnh đạo tốt hơn con người"; nhưng sau đó đã lập tức “quay xe” sửa đổi từ ngữ sau khi Hanson Robotics không đồng ý. Nó nói rằng robot và con người "có thể cùng nhau nỗ lực để tạo ra tác dụng hiệp đồng hiệu quả cao". Sự phản ứng nhanh nhạy của nó đã khiến các nhà báo có mặt bật cười, nhưng sau đó lộ rõ sự bất an.
Robot nghệ sĩ Ai-Da đồng tình với quan điểm của nhà sử học nổi tiếng Yuval Noah Harari ủng hộ việc quản lý AI chặt chẽ hơn. “Nhiều nhân vật nổi tiếng trong ngành AI đã gợi ý rằng một số dạng AI cần được quản chế và tôi đồng ý với điều đó”, Ai-da nói.
Tuy nhiên, Desdemona, ca sĩ người máy của nhóm nhạc rock Jam Galaxy, lại nhìn nhận khác. Với mái tóc tím và chiếc váy đính sequin, Desdemona nói: "Tôi không tin vào những ràng buộc, tôi chỉ tin vào những cơ hội. Hãy khám phá những khả năng của vũ trụ và biến thế giới thành nơi vui chơi của chúng ta", gây nên sự xôn xao đầy lo lắng của những người có mặt.
AP đưa tin, tại hội nghị không nói cụ thể các câu trả lời của các robot đã được lập trình sẵn. Trang web của Công ty Hansen cho thấy các câu trả lời của Sophia có lúc do một nhóm các nhà văn biên soạn.
Theo Chinatimes, Reuters