"Bố già AI" và hàng loạt CEO công nghệ cảnh báo về sự nguy hiểm của trí tuệ nhân tạo

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Một nhóm các nhà khoa học, lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu thế giới, trong đó có CEO của công ty mẹ ChatGPT, đã cảnh báo về nguy đến từ trí tuệ nhân tạo (AI).

Sự ra đời và phát triển nhanh chóng của ChatGPT làm dấy lên những lo ngại về nguy cơ của AI (Ảnh: TNO).
Sự ra đời và phát triển nhanh chóng của ChatGPT làm dấy lên những lo ngại về nguy cơ của AI (Ảnh: TNO).

Giữa lúc AI đang trở thành chủ đề “hot”, các chuyên gia về AI, các nhà nghiên cứu và giám đốc điều hành doanh nghiệp hàng đầu thế giới hôm thứ Ba (30/5) đã đưa ra tuyên bố, yêu cầu mọi tầng lớp xã hội hãy nghiêm túc xem xét về nguy cơ AI có thể gây ra sự diệt vong cho nền văn minh nhân loại.

Theo Deustche Welle, Bản tuyên bố này do The Center for AI Safety (Trung tâm An toàn AI) có trụ sở tại San Francisco đưa ra, chỉ rõ: “việc giảm thiểu nguy cơ trí tuệ nhân tạo gây diệt vong (nhân loại) cũng phải trở thành ưu tiên toàn cầu giống như các nguy cơ xã hội khác như đại dịch và chiến tranh hạt nhân”.

Những ai đã ký bản tuyên bố này?

Có rất nhiều người ký vào bản tuyên bố này, bao gồm các chuyên gia AI quan trọng và giám đốc điều hành doanh nghiệp, chẳng hạn như Tiến sĩ Geoffrey Hinton và Yoshua Bengio, những người đồng giành giải thưởng Turing 2018 và được gọi là "Bố già của AI".

Sam Altman.jpg
Ông Sam Altman, CEO của OpenAI cũng kí tên vào bản tuyên bố cảnh báo về nguy cơ của AI (Ảnh: Reuters).

Ông Sam Altman, CEO của OpenAI, công ty nghiên cứu và phát triển ChatGPT, và Demis Hassasbis, CEO của DeepMind, một công ty trí tuệ nhân tạo thuộc sở hữu của gã khổng lồ công cụ tìm kiếm Google, cũng nằm trong danh sách những người ký tên. Sam Altman cũng đã tham dự một phiên điều trần về AI tại Thượng viện Mỹ vào ngày 16/5.

Nhiều học giả, chuyên gia và doanh nhân cũng tham gia ký tên, bao gồm một số đông các chuyên gia làm việc tại các công ty như Google và Microsoft, cũng như những nhân vật nổi tiếng trong các lĩnh vực khác, chẳng hạn như cựu Tổng thống Estonia Kersti Kaljulaid, nhà thần kinh học người Mỹ và người dẫn chương trình Sam Harris, ca sĩ kiêm nhạc sĩ nhạc pop người Canada Grimes...

Các chuyên gia về khoa học hạt nhân, dịch bệnh và biến đổi khí hậu, như nhà văn Bill McKibben, cũng đã ký vào bản tuyên bố. McKibben đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự nóng lên toàn cầu với cuốn sách The End of Nature xuất bản năm 1989 và cảnh báo về các công nghệ liên quan đến AI trong một cuốn sách khác.

AI tao ra robot mo phong cac nhan vat that.jpg
Công ty người máy Hansen tạo ra robot mô phỏng người thật có trí tuệ và tính hài hước của Anbert Einstein (Ảnh: Deutsche Welle).

Vì sao phải lo ngại về sự an toàn của AI?

Phần mở đầu của tuyên bố đề cập rằng "ngày càng có nhiều cuộc thảo luận về những rủi ro rộng lớn, quan trọng và cấp bách do AI gây ra", nhưng vẫn "rất khó biểu đạt mối lo ngại về một số nguy cơ nghiêm trọng nhất của AI", tuyên bố cho rằng cần triển khai thảo luận về việc khắc phục những rủi ro này và "tạo ra kiến thức chung cho càng nhiều chuyên gia và nhân vật của công chúng, để họ cũng nghiêm túc nhìn nhận một số rủi ro nghiêm trọng nhất của AI tiên tiến".

Thời điểm đưa ra thông báo trùng với lúc diễn ra cuộc họp của Ủy ban thương mại và công nghệ Mỹ - EU tại Thụy Điển, nơi các chính trị gia và những người nổi tiếng về công nghệ dự kiến ​​sẽ thảo luận về vấn đề quản lý giám sát tiềm năng của AI trong tương lai gần.

Đầu năm nay, hơn 1.000 nhà nghiên cứu và nhà công nghệ, trong đó có CEO Tesla và Twitter Elon Musk, đã ký một lá thư dài kêu gọi các giới tạm ngừng phát triển AI trong 6 tháng, nói AI "gây ra nguy hiểm sâu sắc và lâu dài cho xã hội và nhân loại".

Bức thư này là phản hồi đối với việc OpenAI phát hành mô hình AI mới GPT-4; nhưng khi đó các nhà lãnh đạo của OpenAI, đối tác Microsoft và đối thủ cạnh tranh Google của họ đã không ký tên vào bức thư.

Bo gia AI Geoffrey Hinton.jpg
Tiến sĩ Geoffrey Hinton, "Bố già của AI" là người sớm lên tiếng cảnh báo về nguy cơ của nó (Ảnh: AP).

Ông Dan Hendrycks, Giám đốc Trung tâm An toàn AI giải thích: “Chúng tôi đang cố gắng giải quyết những rủi ro này trước khi chúng xảy ra, chứ không phải giải quyết hậu quả thảm họa sau khi đã xảy ra”.

Hãng tin AP đã đưa tin, với sự gia tăng của một thế hệ chatbot AI tính năng cao mới (như ChatGPT), mọi người ngày càng lo ngại AI sẽ vượt qua con người và vượt khỏi tầm kiểm soát, và khiến các quốc gia trên thế giới phải tạo ra các quy định pháp luật cho các công nghệ đang phát triển. Liên minh châu Âu đã đi đầu trong việc soạn thảo dự luật về AI, dự luật này dự kiến ​​sẽ được thông qua trong năm nay.

Vào tháng 4 năm nay, Văn phòng Thông tin Internet Quốc gia của Trung Quốc cũng đã soạn thảo một bản dự thảo về "Các biện pháp quản lý dịch vụ trí tuệ nhân tạo sáng tạo" để trưng cầu ý kiến ​​công khai của công chúng trong xã hội.

Thái độ với AI khác nhau

Theo một bài báo đăng trên tuần san Foreign Affairs của Mỹ số ra tuần này, căn cứ một cuộc khảo sát do cơ quan nghiên cứu thị trường quốc tế (Ipsos) công bố vào năm 2022, chỉ có 35% người Mỹ cho rằng lợi ích của AI lớn hơn rủi ro, khiến Mỹ trở thành một trong những quốc gia bi quan nhất đối với triển vọng của công nghệ AI.

Chuyen gia nguoi may Hiroshi Ishiguro va ban sao AI.jpg
Chuyên gia người máy Nhật Bản Hiroshi Ishiguro và bản sao AI của chính ông (Ảnh: AP).

Ngược lại, Trung Quốc là quốc gia lạc quan nhất trên thế giới về AI, với gần 4/5 người Trung Quốc cho rằng lợi ích của AI lớn hơn rủi ro.

Theo Bill Drexel - Phó nghiên cứu viên và Hannah Kelley, Trợ lý nghiên cứu tại Trung tâm An ninh Mỹ mới (CNAS), các thảm họa ở Mỹ thường có xu hướng dẫn đến nhận thức cộng đồng được nâng cao và tăng cường các biện pháp an toàn vì hậu quả của chúng có thể lan rộng ra toàn bộ giới truyền thông và xã hội; nhưng, ở Trung Quốc, sự cố thảm họa hiếm khi khơi dậy phản ứng thông qua giới truyền thông, bởi vì chính phủ phong tỏa thông tin để duy trì sự ổn định.

Tuy nhiên, cuộc thăm dò của Ipsos công bố vào năm 2022, khi đó ChatGPT vẫn chưa gây nên làn sóng trên toàn thế giới, nên thái độ hiện tại của Mỹ và Trung Quốc đối với sự phát triển của AI có thể có sự thay đổi.

So với thái độ thận trọng của một số chuyên gia và giám đốc điều hành doanh nghiệp phương Tây đối với AI, thái độ chung của châu Á đối với sự phát triển AI có vẻ tích cực hơn. Một trường hợp là ông Jensen Huang (Hoàng Nhân Huân), Giám đốc điều hành của Nvidia, đang được chào đón và tiếp đãi như một ngôi sao ở Đài Loan (Trung Quốc).

Nguoi may Ai-Da ve tranh.jpg
Người máy Ai-Da và bức tranh do nó sáng tác (Ảnh: Deutsche Welle).

Bloomberg đưa tin, doanh nhân 60 tuổi gần đây đã đến Đài Loan để tham gia Triển lãm Máy tính Quốc tế Đài Bắc (Computex), và được đám đông tại Chợ đêm Đài Bắc săn đón vào cuối tuần, tại Triển lãm Máy tính Quốc tế Đài Bắc ông cũng được người hâm mộ và giới truyền thông vây quanh.

Tại một hội nghị bàn tròn tại Computex Đài Bắc, Jensen Huang đã nói về quản lý AI và cách công nghệ này có thể được sử dụng ở những nơi như Trung Quốc. Ông cho rằng AI sẽ vượt ra khỏi ranh giới của ngành công nghệ và thâm nhập vào mọi thứ từ nông nghiệp, nhà máy, sản xuất dược phẩm và biến đổi khí hậu.

Jensen Huang nói "AI làm cho mọi thứ khác đi" và đề cập rằng điện toán tăng tốc và AI là hai xu hướng chính trong ngành công nghiệp máy tính ngày nay. Ông nói thẳng: "AI sẽ là một phần rất quan trọng với mọi thứ trong tương lai".

Theo Deutsche Welle