Phối cảnh dự án Khu đô thị Nam Minh Phương (Nguồn: Licogi 14)
|
Cả CTCP Licogi 14 (Mã CK: L14) và CTCP Licogi 16 (Mã CK: LCG) đều là những doanh nghiệp cùng “họ” Tổng công ty Xây dựng và Phát triển hạ tầng (Licogi) thuộc Bộ Xây Dựng. Sau khi tiến hành cổ phần hóa, với sự tham gia của dòng vốn tư nhân, hai doanh nghiệp này lại có những ngã rẽ khác nhau.
Trong khi L14 là cổ phiếu được các nhà đầu tư bàn luận sôi nổi trên các diễn đàn, mạng xã hội chuyên về chứng khoán thì LCG lại có phần thầm lặng hơn. Mối hợp tác giữa 2 doanh nghiệp “họ” Licogi chỉ thực sự gây chú ý sau khi liên danh này trúng sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư cho Dự án Khu đô thị mới Nam Minh Phương (Tp. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) từ hồi tháng 7/2019.
Song, phải đến ngày 11/6/2020, UBND tỉnh Phú Thọ mới có quyết định về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án Khu đô thị mới Nam Minh Phương. Theo đó, liên danh L14 - LCG là nhà đầu tư được lựa chọn để thực hiện dự án. Trong đó, đại diện liên danh nhà đầu tư là L14.
Dự án Khu đô thị mới Nam Minh Phương có địa điểm thực hiện tại phường Minh Phương và phường Minh Nông, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.
Dự án có quy mô sử dụng đất là 54,43ha, bao gồm khu nhà ở đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội theo quy hoạch chi tiết đã được UBND tỉnh Phú Thọ phê duyệt vào tháng 1/2018. Tổng mức đầu tư 2.890 tỷ đồng.
Mục tiêu xây dựng Khu đô thị mới Nam Minh Phương có biệt thự, nhà ở liền kề, nhà vườn, nhà chung cư, các khu nhà văn hóa, trường tiểu học, trường mầm non, dịch vụ thương mại, công viên cây xanh, thể dục thể thao.
Thời gian thực hiện dự án là 5 năm kể từ ngày ký kết hợp đồng thực hiện dự án.
Tính đến cuối năm 2019, Licogi 14 có vốn điều lệ 184 tỷ đồng, trong đó cổ đông lớn nhất là Licogi (nắm giữ 25,94% cổ phần), ông Phạm Gia Lý – Tổng giám đốc (nắm giữ 5,99% cổ phần) và bà Nguyễn Thúy Ngư (nắm giữ 4,97% cổ phần), còn lại là các cổ đông khác.
Đến cuối kỳ tài chính năm 2019, Licogi 14 có doanh thu thuần đạt 256 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế gần 80 tỷ đồng.
Trong khi đó, Licogi 16 có 3 cổ đồng lớn là Lucerne EnterPrise Ltd (nắm giữ 18,26% cổ phần), Ns Advisory Inc Pte. Ltd (nắm giữ 7,5% cổ phần) và ông Bùi Dương Hùng (nắm giữ 5,25% cổ phần). Ông Bùi Dương Hùng (SN 1958) là Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện pháp luật của công ty này.
Năm 2019, Licogi 16 có doanh thu thuần ở mức 2.536 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 191 tỷ đồng.
Khác với 2 cựu thành viên, Licogi được cổ phần hóa vào cuối năm 2014, song nhiều năm liền hoạt động kinh doanh kém hiệu quả.
Năm 2016, tình hình kinh doanh của Licogi đi xuống với khoản lỗ kỷ lục 437 tỷ đồng. Phải sang đến năm 2018, doanh thu hoạt động tài chính của Licogi tăng mạnh cùng chi phí tài chính được tiết giảm giúp công ty này báo lãi 46,5 tỷ đồng.
Sang năm 2019, Licogi đặt chỉ tiêu 80 tỷ đồng lợi nhuận, nhưng kết quả thu về với số lỗ 52 tỷ đồng, đẩy công ty này một lần nữa phải quay lại với ám ảnh thua lỗ, điều mà tưởng chừng như đã chấm dứt tại năm 2018.
Đến cuối năm 2019, tổng tài sản của Licogi đạt 4.415 tỷ đồng, chủ yếu là các khoản phải thu ngắn hạn 1.204 tỷ đồng và tài sản dở dang dài hạn 1.042 tỷ đồng. Trong khi đó, công ty này có 4.005 tỷ đồng nợ phải trả, nợ vay tài chính ngắn và dài hạn đạt là 1.948 tỷ đồng.
Hiện nay, Licogi có vốn điều lệ 900 tỷ đồng, trong đó, cổ đông lớn nhất là SCIC (nắm giữ 40,71% cổ phần), Công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh Bất động sản Khu Đông (BĐS Khu Đông; nắm giữ 35% cổ phần) và các cổ đông khác (nắm giữ 24,29% cổ phần).
BĐS Khu Đông là một cái tên được nhắc đến nhiều sau quá trình cổ phần hóa của Licogi sang loại hình công ty cổ phần và hiện được xem là một trong các đầu mối của hệ sinh thái MIKGroup.
Cuối năm 2016, BĐS Khu Đông từng có văn bản gửi Bộ Xây dựng đề xuất mua lại toàn bộ 40,71% vốn nhà nước tại Licogi, tuy nhiên Bộ Xây dựng cho biết việc thoái vốn tại Licogi không thuộc thẩm quyền của Bộ./.