Cuộc đua kín của các "megabank" Nhật Bản ở Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Ít người để ý rằng cả 3 định chế tài chính lớn nhất Nhật Bản, SMFG - Mizuho - MUFG, đều đã vào tại Việt Nam. 3 "megabank" này lại chọn 3 ngân hàng lớn nhất Việt Nam để đầu tư chiến lược.

Trong đó, Mizuho là cổ đông chiến lược của Vietcombank, MUFG là cổ đông chiến lược của Vietinbank. Còn SMFG được tin là chỉ còn chờ ngày để trở thành cổ đông chiến lược của VPBank - ngân hàng mới đây đã cùng công ty thành viên của họ ký siêu hợp đồng bán vốn trị giá 1,37 tỉ USD.

"Cuộc đua tam mã" giữa 3 siêu ngân hàng này đã vượt ngoài biên giới Nhật Bản, lan đến các quốc gia mà họ đầu tư.

Dòng vốn và tham vọng của Mizuho - MUFG - SMFG sẽ kích hoạt một cuộc đua khác, tại 3 ngân hàng hàng đầu Việt Nam, là Vietcombank, Vietinbank và VPBank.

Trong cuộc đua lên đỉnh ngành ngân hàng Việt Nam này, tất nhiên, còn có một số tay đua khác. Đáng gờm hơn cả có lẽ là Techcombank - ngân hàng mà Chủ tịch lẫn Tổng Giám đốc đương nhiệm của VPBank từng gắn bó trước ngày "tụ nghĩa" ở VPBank.

Techcombank hiện là ngân hàng có lợi nhuận cao nhất trong nhóm tư nhân và thứ ba toàn hệ thống (sau Vietcombank và Vietinbank). Sau sự triệt thoái của HSBC năm 2017, đến thời điểm này, Techcombank vẫn chưa có cổ đông chiến lược.

Một nguồn tin nói với VietTimes rằng, Techcombank không khát vốn như VPBank và thời điểm này, họ chưa cần gấp một cổ đông chiến lược. "Techcombank đang bứt tốc và sẽ sớm áp sát Vietcombank" - vị này đánh giá.

Vốn Nhật tìm ngân hàng Việt

Xu thế hướng Nam của dòng vốn Nhật Bản đã bắt đầu từ hàng thập kỷ. Nó chảy mạnh đến miền đất giàu tiềm năng tăng trưởng, là Đông Nam Á.

"Các doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư vào khu vực này với tốc độ ngang ngửa những năm đầu 1990s trước khi Nhật Bản rơi vào vòng xoáy giảm phát và cuộc khủng hoảng tiền tệ châu Á khiến họ chùn bước" - một tờ báo bình luận.

Xuôi theo dòng tiền, các ‘megabank’ của Nhật Bản cũng nhanh chóng tìm kiếm cơ hội tại khu vực này. Không hẹn mà gặp, những ‘megabank' này đều đã có những khoản đầu tư lớn trong lĩnh vực ngân hàng tại Việt Nam. Đó là Sumitomo Mitsui Financial Group Inc (SMFG), Mizuho Financial Group Inc (Mizuho) và Mitsubishi UFJ Financial Group Inc (MUFG).

Năm 2008, Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) – thành viên của SMFG - mở đầu cuộc đua với việc trở thành cổ đông chiến lược, nắm giữ 15% cổ phần Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) - khi ấy đang giữ vị thế hàng đầu trong nhóm ngân hàng thương mại tư nhân.

Tiếp đó năm 2011, Mizuho đã chi 567,3 triệu USD để sở hữu 15% vốn Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) - nhà băng đến giờ này vẫn được thừa nhận là tốt nhất Việt Nam.

Tiếp bước các đối thủ đồng hương, cuối năm 2012, MUFG đã mua 20% cổ phần Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) - trong một thương vụ được công bố có giá trị tới 743 triệu USD (tỉ lệ sở hữu của MUFG tại VietinBank nay đã giảm xuống chỉ còn 19,73%).

Trên bình diện khu vực, MUFG đã chi khoảng 15 tỉ USD cho việc đầu tư vào các định chế tài chính Đông Nam Á.

Ngoài VietinBank, MUFG còn thâu tóm 94,1% cổ phần PT Bank Danamon Indonesia Tbk (Indonesia); nắm giữ 76.9% cổ phần của Bank of Ayudhya, 20% cổ phần của Security Bank Corp (Philippines); sở hữu 76,88% cổ phần Bank of Ayudhya Public Company Limited (Krungsri) tại Thái Lan.

Động thái của MUFG tạo sức ép lên đối thủ SMFG. ‘Megabank’ này rốt ráo tìm kiếm cơ hội đầu tư hoặc mua lại các tổ chức tài chính để củng cố nền tảng kinh doanh tại Châu Á, dù không phải lúc nào cũng thành công.

Năm 2019, SMFG để tuột PT Bank Permata (Indonesia) vào tay Bangkok Bank Pcl trong một thương vụ nhiều tỉ USD. Một năm sau đó, nhắc lại thương vụ này trên tờ Bloomberg, CEO SMFG Jun Ohta vẫn bày tỏ sự tiếc nuối, thậm chí còn nói là “rất đau đớn”.

“Thương vụ có thể không ngay lập tức mang lại tăng trưởng lợi nhuận, nhưng chúng tôi sẽ mua những gì có thể củng cố nền tảng kinh doanh ở các quốc gia mới nổi dưới góc độ tầm nhìn dài hạn” – ông Ohta chia sẻ.

CEO SMFG khi đó cũng cho hay tập đoàn đang suy tính về những bước đi tiếp theo và đang nghiên cứu về một số mục tiêu cụ thể tại Việt Nam, Philippines và Ấn Độ.

Bối cảnh kinh tế khó khăn do dịch Covid-19 không khiến SMFG chùn bước. Họ nhìn đó như một cơ hội để có được vị thế đàm phán tốt hơn và có được mức giá lợi hơn. Để rồi cuối tháng trước, họ chốt ‘deal’ mua 49% vốn FE Credit với VPBank, với giá 1,37 tỉ USD. Như VietTimes từng đề cập, hiệu ứng từ thương vụ FE Credit giữa VPBank và SMBC có lẽ sẽ rộng và xa hơn những gì đang được thấy.

Không chỉ các ông lớn, nhiều định chế tầm trung Nhật Bản cũng tìm đường vào Việt Nam. Có thể kể đến như thương vụ mua 49% cổ phần HD Finance của công ty dịch vụ tài chính Nhật Bản Credit Saison vào năm 2015; Hay mới đây là thương vụ đầu tư 11% cổ phần OCB của Azora Bank./.