Chủ tịch VPBank Ngô Chính Dũng (ngồi giữa) làm Chủ toạ tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 của VPBank |
Đúng như dự đoán của VietTimes, sau khi bán 49% vốn FE Credit cho SMBC, VPBank vẫn có nhu cầu tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, “nếu kịp thì sẽ thực hiện ngay trong cuối năm nay”. Đây là thông tin đáng chú ý được Chủ tịch VPBank Ngô Chí Dũng chia sẻ tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2021 diễn ra vào chiều nay (29/4).
VPBank hiện vẫn còn “room ngoại”, chưa có cổ đông chiến lược và đang còn gần 9% cổ phần tồn tại dưới dạng cổ phiếu quỹ, được gom về cách đây ít năm và chưa bán.
Theo ông Ngô Chí Dũng, lần gần nhất VPBank khoá ‘room’ ngoại là khoảng 22%, tuy nhiên, những ngày này, ‘room’ ngoại tiếp tục được mở rộng do một số quỹ đầu tư tiến hành bán ra.
Nói về phương án sử dụng cổ phiếu quỹ, ông Dũng cho biết, hiện VPBank có hơn 75 triệu cổ phiếu quỹ, nếu bán đi có thể thu về 4.000 tỉ đồng. Sau khi trừ đi giá vốn, ngân hàng có thể ghi nhận thặng dư 2.500 tỉ đồng.
“Như đã trình bày, VPBank đang có kế hoạch phát hành cho cổ đông chiến lược nước ngoài. Vì vậy, nếu đạt được thoả thuận, cùng với lượng cổ phiếu quỹ đó, chúng ta sẽ bán cho nhà đầu tư nước ngoài” – ông Dũng chia sẻ.
Nếu IPO, FE Credit có thể được định giá gần 4 tỉ USD
Phát biểu tại đại hội, Chủ tịch VPBank cho biết ngân hàng đã xem xét hai phương án bán vốn FE Credit, bao gồm (1) thực hiện bán vốn qua IPO và (2) bán vốn cho cổ đông chiến lược.
Ông Dũng cho hay, nếu thực hiện IPO, VPBank thậm chí có thể bán được FE Credit với giá cao hơn và các nhà tư vấn đã đưa ra phương án tiến gần với giá trị định giá gần 4 tỉ USD. Tuy nhiên, như VietTimes đã đưa, VPBank đã quyết định bán 49% vốn FE Credit cho SMBC, với mức định giá 2,8 tỉ USD.
“Trong quá trình tiếp xúc với các nhà đầu tư, VPBank đã lựa chọn SMBC của Nhật Bản. Công ty mua FE Credit là công ty tiêu dùng lớn nhất, lâu đời nhất tại Nhât Bản. Hơn nữa, họ cũng có cam kết rất mạnh mẽ, tiếp tục phát triển FE Credit lên tầm cao mới . Trong quá trình làm việc, chúng tôi và đối tác đã đạt được những sự tin tưởng lớn” – Chủ tịch VPBank chia sẻ.
Theo ông Ngô Chí Dũng, mỗi khi nhắc tới FE Credit, thị trường trong nước thường nói tới rủi ro. Song, qua thương vụ bán vốn vừa rồi, có thể thấy các nhà đầu tư nước ngoài có đánh giá rất khác về FE Credit.
“Nếu cái gì chúng ta cho là tốt và làm đúng thì dần dần nó sẽ được đánh giá và định giá đúng” – ông Dũng nói.
Trong khi đó, CEO VPBank Nguyễn Đức Vinh khẳng định, FE Credit vẫn là công ty con của ngân hàng.
“Việc hợp tác với FE Credit không phải là VPBank bỏ đi 'con gà đẻ quả trứng vàng', mà chúng tôi tìm kiếm đối tác chiến lược, qua đó, có thể đem lại giá trị lớn hơn, thông qua nguồn vốn rẻ, các mối quan hệ hợp tác” – ông Vinh tỏ ra tự tin về mối hợp tác giữa VPBank và SMBC tại FE Credit.
Song, vị CEO VPBank cũng lưu ý, lợi nhuận của FE Credit có thể giảm hoặc đi ngang trong 2 năm đầu, song sẽ sớm trở lại mạnh mẽ hơn.
Về việc sử dụng nguồn vốn thu về, HĐQT VPBank cũng đã lên kế hoạch cụ thể, trong đó có việc tăng vốn, cải thiện hệ số CAR lên trên 20%, đồng thời mở rộng sang các lĩnh vực kinh doanh mới “mà trước đây chưa thể làm được do chưa có nhiều vốn” như: Investment Banking (ngân hàng đầu tư), Wealth Management (quản lý tài sản).
Đại diện VPBank cũng cho biết, ngân hàng sẽ có thêm 3 nguồn thu chính để tăng quy mô vốn chủ sở hữu trong năm nay, đó là nguồn thu từ bảo hiểm (dự kiến phát sinh trong tháng 6/2021), thu từ bán vốn FE Credit và lợi nhuận để lại năm 2021 (HĐQT đang áp lực lên ban điều hành để vượt kế hoạch lợi nhuận 16.600 tỉ đồng đã đề ra).
Với nguồn thu như trên, theo ban lãnh đạo VPBank, tới cuối năm sau, quy mô vốn điều lệ của VPBank có thể đạt 75.000 tỉ đồng./.