Cuộc chiến xe hơi: Các thương hiệu quốc tế muốn giành thị phần đã mất từ tay đối thủ Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Trong năm ngoái, thị phần của các thương hiệu xe hơi quốc tế đã giảm xuống còn 48%, từ mức 80% năm 2004, trong bối cảnh xe điện ngày càng trở nên phổ biến.

Các thương hiệu ô tô quốc tế, từ Volkswagen cho đến Honda, đang phải vật lộn với tình trạng thị phần sụt giảm ở Trung Quốc. Các hãng xe này sẽ sớm tiến hành một cuộc phản công quyết liệt tại thị trường ô tô lớn nhất thế giới, tập trung vào độ tin cậy và an toàn cho tệp khách hàng địa phương mới.

Hầu hết các nhà sản xuất này đều có kế hoạch thực hiện cách tiếp cận cân bằng – tập trung vào cả xe thông thường và xe chạy bằng pin – để tối ưu doanh số trong một thị trường nơi xe điện (EV) đang nhanh chóng phát triển.

Chiến lược này hoàn toàn trái ngược với các đối thủ trong nước của họ - những công ty đang đặt cược vào ô tô điện và hybrid để thu hút khách hàng.

“Chúng tôi tin rằng khả năng cạnh tranh bắt nguồn từ sự tích lũy sức mạnh và kinh nghiệm trong thời gian dài”, Li Jin, phó chủ tịch GAC Honda, nói với các phóng viên trong cuộc họp báo tại Triển lãm Ô tô Trung Quốc ở Bắc Kinh hôm 25/4. “Những chiếc xe đáng tin cậy và chất lượng cao phải mang lại cho người dùng cảm giác an toàn”.

Volkswagen, nhà sản xuất ô tô lớn nhất ở Trung Quốc đại lục, tuyên bố sẽ phát triển 40 mẫu xe mới cho người tiêu dùng Trung Quốc vào năm 2027, một nửa trong số đó sẽ chạy bằng động cơ đốt trong.

Ralf Brandsatter, giám đốc điều hành của Volkswagen tại Trung Quốc, chia sẻ với các phóng viên tại một cuộc họp báo gần đây rằng: “Chúng tôi có một vị thế vững chắc ở Trung Quốc nhờ vào cơ cấu sản phẩm cân bằng của chúng tôi”.

Các nhà sản xuất ô tô nước ngoài đã chứng kiến ​​vị thế thống trị của họ ở Trung Quốc liên tục suy giảm. Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc, 20 năm trước, các công ty nước ngoài nắm giữ 80% thị phần xe hơi tại quốc gia tỉ dân. Con số này nay đã giảm xuống còn 48% vào năm ngoái, khi ô tô điện do các công ty trong nước như BYD sản xuất đang dần thay thế xe động cơ đốt trong.

Đây cũng là lần đầu tiên thương hiệu ô tô Trung Quốc vượt qua đối thủ nước ngoài ngay tại thị trường quê nhà. Theo thống kê, khoảng 1/3 số ô tô mới bán ở đại lục là chạy bằng điện, trong đó các thương hiệu địa phương chiếm 86% thị phần trong phân khúc xe điện.

Wang Chuanfu, chủ tịch của BYD, hãng xe điện bán chạy nhất thế giới đã bị Volkswagen vượt mặt về số lượng giao hàng tại đại lục vào năm ngoái. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia dự đoán rằng, với tốc độ phát triển thần tốc của xe điện tại Trung Quốc, thị phần của các nhà sản xuất ô tô nước ngoài sẽ tiếp tục giảm xuống chỉ còn 10% trong vòng 3 đến 5 năm tới.

Capture.PNG
Ảnh: SCMP

Các phương tiện sử dụng năng lượng mới - một thuật ngữ chỉ những chiếc xe chạy hoàn toàn bằng điện và plug-in hybrid - sẽ chiếm khoảng một nửa doanh số bán xe mới ở Trung Quốc vào năm 2030, khi các ưu đãi của nhà nước và mạng lưới trạm sạc ngày càng mở rộng, thu hút được nhiều khách hàng hơn, Moody's Investor Service cho biết trong một báo cáo phát hành vào đầu tháng 4.

Eric Han, quản lý cấp cao tại Suolei, một công ty tư vấn ở Thượng Hải, cho biết: “Tốc độ phát triển của xe điện có thể sẽ không nhanh như một số quan chức trong ngành dự đoán. Ô tô chạy xăng vẫn sẽ là một phân khúc quan trọng ngay cả ở thị trường xe điện lớn nhất thế giới”.

Gao Huan, giám đốc bán hàng của Tập đoàn PSA có trụ sở tại Bắc Kinh, sở hữu thương hiệu Peugeot và Citroen, cho biết các nhà sản xuất ô tô thông thường vẫn có những khách hàng trung thành hiểu rõ lịch sử và tầm nhìn của doanh nghiệp.

Ông nói thêm: “Các công ty như PSA vẫn sẽ hấp dẫn tệp khách hàng của riêng họ, những người hiểu rõ về thương hiệu”.

Ngân hàng Thụy Sĩ UBS dự báo rằng các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc sẽ kiểm soát 1/3 thị trường toàn cầu vào năm 2030, gần gấp đôi mức 17% thị phần mà họ có được vào năm 2022, nhờ sự phổ biến ngày càng tăng của các phương tiện chạy bằng điện.

Theo SMCP