Cuộc chiến Ukraine, Trung Quốc chiếm phần "thắng"

Xung đột địa chính trị từ mâu thuẫn lợi ích Mỹ, EU, Nga và Trung Quốc, liên quan đến sự chuyển dịch cấu trúc đơn cực thế giới sang hệ thống đa cực và đa tiền tệ. Ukraine đã rơi vào vùng đấu tranh địa chính trị  “thực tế như một quân bài”.
Cuộc chiến Ukraine, Trung Quốc chiếm phần "thắng"

Sự quan tâm đến vị thế địa chính trị của Ukraine xuất phát từ quyết định của Kiev khi ký kết hiệp ước liên kết với EU với định hướng gia nhập Liên minh châu Âu đồng thời gia nhập NATO. Những lợi ích của Mỹ, thực tế hóa thông qua EU (trước hết thông qua Ba Lan) bao gồm việc sử dụng Ukraine như một công cụ nhằm làm suy yếu nước Nga và ngăn chặn sự phát triển của Liên minh Á Âu, có xu hướng trở thành một liên minh kinh tế và quân sự. Lợi ích quốc gia của Nga là sử dụng vị thế địa chính trị của Ukraine để ngăn chặn ảnh hưởng của Mỹ và không cho phép mở rộng của NATO đến sát biên giới nước mình cũng như bành trướng những ảnh hưởng kinh tế của EU vào Nga. Lợi ích và quan tâm của Trung Quốc với Ukraine đến thời điểm trước Maidan như một hành lang trung chuyển hàng hóa vào EU và biến Ukraine trở thành nguồn cung cấp nguyên liệu, công nghệ với nhân công giá rẻ.

Xung đột địa chính trị Ukraine với những nỗ lực công kích dữ dội từ phía Mỹ, sự chống trả quyết liệt của Nga và sự im lặng phòng ngự của Trung Quốc, thực tế ai dành thắng lợi? Phóng viên tờ báo The New York Times, Jane Perlez khẳng định, Trung Quốc dành thắng lợi trên mặt trận địa chính trị này. Cũng theo thông số dữ liệu của cô, hầu hết các nhà khoa học của Mỹ, châu Âu, Trung Quốc đều đi đến kết luận này trong buổi hội thảo vừa qua do German Marshall Fund of the United States tổ chức ở Stockholm.

Trong khi Mỹ và EU càng lúc càng dấn sâu vào vòng xoáy khủng hoảng nghiêm trọng nhất trong quan hệ Đông Tây tính từ thời điểm kết thúc cuộc chiến tranh lanh, khi họ áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với nước Nga, Trung Quốc, tương tự như cuộc khủng hoảng Syria, đã đứng bên ngoài xung đột và có được những lợi ích vô cùng quan trọng cả về kinh tế, địa chính trị cũng như ưu thế trên các lĩnh vực gặp khó khăn.

Bobo Lo, nhà cựu ngoại giao Úc, chuyên gia về chính sách đối ngoại của Trung Quốc và Nga phát biểu. “Cuộc khủng hoảng đã tạo lợi thế quan trọng cho Trung Quốc trong việc ký được hợp đồng mua khí gas đã đàm phán từ rất lâu, các công ty của Trung Quốc tham gia vào các dự án khai thác nguồn tài nguyên năng lượng của Nga, nhập khẩu dầu gia tăng mạnh mẽ do giá dầu hạ và có được những thỏa thuận cung cấp vũ khí thuận lợi " “ Trung Quốc tạo được các mối quan hệ không đơn thuần là kinh tế” với Nga, cho phép Bắc Kinh có thể với tới được khí gas và nguồn tài nguyên của láng giềng với mức giá hợp lý, không những thế vị thế địa chính trị của họ lại được nâng cao trong một số các lĩnh vực ở Phương Tây. Ông Lo nhận định.

Ngược lại vào những năm trước năm 2013, vị thế địa chính trị của Trung Quốc rất xấu, từ năm 2009, khi Trung Quốc trình diễn sức mạnh quân sự và công khai đòi hỏi chủ quyền (phi pháp) của họ trên toàn bộ vùng biển Đông, phương Tây đứng đầu là Mỹ đã có những phản ứng rất quyết liệt, Nhà Trắng đã đưa ra những kịch bản nhằm đối phó với sự cạnh tranh vị thế siêu cường của Mỹ trong chính sách xoay trục của chính quyền Obama, người Mỹ đề cập đến những giải pháp mạnh như tăng cường sự hiển diện của lực lượng quân sự Mỹ ở các nước đồng minh bao gồm cả Philiphine, ủng hộ sự phát triển lực lượng hải quân của Việt Nam, tăng cường cấp độ các cuộc tập trận với các đồng minh.

Các học giả, các chiến lược gia Mỹ đưa ra những phương án nhằm phong tỏa Trung Quốc và các chuyên gia quân sự đánh giá lại các học thuyết quân sự Mỹ, đưa vào các khái niệm tác chiến “Không – hải” mới (Air – Sea Battle Operational Concept), nghiên cứu phương án “Phong tỏa đường biển” Trung Quốc với tham vọng lôi kéo cả nước Nga vào chiến dịch kiềm chế đại lục.

Giữa năm 2013, sau sự kiện vùng ADIZ (nhận dạng phòng không biển Hoa Đông”, tình hình đối đầu giữa hai cường quốc kinh tế thế giới Mỹ và Trung Quốc đã ở mức độ cực điểm, các chuyên gia đã bàn luận đến xung đột vũ trang giữa Nhật Bản- đồng minh thân cận của Mỹ và Trung Quốc trong tranh chấp chủ quyền Senkaky /Điếu Ngư, những quan hệ được tăng cường với Đông Nam Á như những tiền đồn phong tỏa, kiềm chế Trung Quốc. Xét trên góc độ đấu tranh địa chính trị, rõ ràng Bắc Kinh đã rơi vào một tình huống rất khó khăn, có nguy cơ bị bao vây, kiềm chế từ phía bên ngoài, xung đột nội bộ từ phía bên trong, được châm ngòi từ Tân Cương và Tây Tạng.

Có vẻ năm 2014 là một năm may mắn đối với Bắc Kinh, những chuyển biến nội bộ chính trị của Ukraine và nỗ lực giải cứu tình hình nội bộ Kiev của Kremlin với gói ngân sách cứu trợ lên đến 15 tỷ USD, hạ giá khí gas đến mức thấp nhất đã khiến Phương Tây nhận xét như một điểm yếu chết người của Nga. Được sự ủng hộ mạnh mẽ của EU và Mỹ, cách mạng EuroMaidan bùng nổ tháng 2.2014 đã làm thay đổi tất cả. Những nguy cơ địa chính trị đe dọa sự sống còn, tồn vong của nước Nga đã buộc người Nga phải hành động quyết liệt.

Theo sự điều khiển từ Washington, toàn bộ chính sách đối ngoại của phương Tây với tất cả các phương pháp công kích cùng lúc, với những đòn tấn công trên các mặt trận trọng yếu nhằm vào nước Nga như: Truyền thông; Ngăn chặn khí gas; Bao vây và phong tỏa kinh tế; Tấn công vào đồng rúp; Đánh tụt giá dầu xuống đến cận mức thảm họa….nhằm gây bất ổn chính trị,sụp đổ về kinh tế buộc nước Nga phải thay đổi chính sách đối ngoại với Ukraine.

Bộ máy hành chính của Nhà Trắng, Lầu Năm góc và phố Wall cũng như toàn bộ các cơ quan quyền lực Brussels tập trung hoàn toàn vào cuộc đối đầu khốc liệt này, bỏ qua một đối thủ địa chính trị vô cùng nguy hiểm và không những thế, tạo điều kiện tối ưu cho Bắc Kinh thực hiện những ý đồ bành trướng quyền lực và ảnh hưởng của mình trên thế giới.

Một trong những lợi thế đầu tiên mà Trung Quốc đạt được, đó là tiến trình bình thường hóa quan hệ Nga – Nhật, ký kết hiệp định hòa bình và giải quyết tranh chấp quần đảo Kuril đã bị các biện pháp trừng phạt hoàn toàn phá vỡ. Những nỗ lực của thủ tướng Abe và tổng thống V.Putin nhằm tạo điều kiện hợp tác khai thác vùng Viễn Đông của Nga phải đóng băng vô thời hạn, áp lực bị phong tỏa từ hướng Bắc của Trung Quốc được rỡ bỏ, Bắc Kinh có nhiều cơ hội có thể khai thác nguồn tài nguyên khổng lồ của nước Nga ở khu vực này.

Đòn trừng phạt đánh vào hệ thống cung cấp khí gas của Nga cho châu Âu đã buộc nước Nga phải thúc đẩy nhanh tiến trình đàm phán và ký kết cung cấp khí gas cho Trung Quốc ngày 20.05 với tổng giá trị lên đến 400 tỷ đô la, mức giá là 350 đô la/1000 m3 khí trong vòng 30 năm , đi kèm theo hợp đồng là những biên bản ghi nhớ thỏa thuận khác, liên quan đến vấn đề thương mại giữa hai nước trên cơ sở dồng nội tệ và sản phẩm của Trung Quốc trên thị trường Nga. Với hợp đồng này, Trung Quốc trong nhiều năm tới hoàn toàn tự chủ năng lượng, một vấn đề cân não của Bắc Kinh trước chiến lược xoay trục châu Á của ông Obama.

Trung Quốc hiểu rất rõ vị thế và tiếng nói của mình tại Liên Hiệp Quốc và biết cách sử dụng nó. Để được Bắc Kinh ủng hộ vấn đề Crimea, Nga đã bị ép phải đồng ý với hợp đồng cung cấp tên lửa phòng không S- 400 và máy bay tiêm kích tiên tiến S-35. Với 6 tiểu đoàn tên lửa S-400, PLA đã vượt qua khó khăn tưởng chừng không bao giờ qua được, đó là có được nguyên mẫu vũ khí đánh chặn tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình. Hơn thế nữa, những máy bay tiêm kích thế hệ ++4 sẽ giúp Trung Quốc yên tâm hơn với Nhật Bản trong cuộc đối đầu cân não tương lai.

Hai đòn đánh chủ lực nhằm vào nước Nga là “hạ giá dầu” và “suy sụp đồng Rúp”. Mục đích nhằm đánh quỵ nền kinh tế và tạo rối loạn chính trị cho "cách mạng sắc mầu". Phương Tây không tính trước được hoặc ngược lại, đã tạo cho Trung Quốc một cơ hội ngàn năm có một. 

Tàu chở dầu siêu trọng Trung Quốc "Mặt trận Thượng Hải"

Chỉ trong một thời gian ngắn, khi giá dầu suy giảm, Trung Quốc đã tăng tốc nhập khẩu dầu thô với số lượng cực kỳ lớn, chỉ tính riêng tháng 9.2014 Trung Quốc tăng nhập khẩu dầu 13,1% so với tháng Tám khoảng 6,7 triệu thùng mỗi ngày, chín tháng đầu năm 2014 mức nhập khẩu tăng 8,3%, khoảng 6.11 triệu thùng mỗi ngày. Chỉ cần tính 80 tàu dầu siêu trọng vận tải dầu cho Trung Quốc cũng có thể hiểu, lượng dự trữ đã lớn đến như thế nào nếu tính đến ngày nay. Sự ổn định và dư thừa nguồn cung cấp dầu đã cho Trung Quốc một thế mạnh và họ không ngần ngại triển khai một nước đi rất cứng rắn trên biển Đông.

Từ tháng 7.2014, nhận định Mỹ và Phương Tây sẽ bận rộn với Ukraine, Trung Quốc tập trung các phương tiện hiện đại  xây dựng các đảo nhân tạo trên biển Đông, đến nay cơ bản 4 hòn đảo nhân tạo đã được mở rộng đủ để xây dựng cầu cảng, đường băng và các công trình quân sự. Truyền thông thế giới có rất nhiều bài viết  phản ứng quyết liệt với những hành vi này, nhưng một nước có ảnh hưởng rất lớn ở Biển Đông như Mỹ thì có những phản ứng khá chậm.

Hiện đã có 50 nước đăng ký tham gia ngân hàng mới với nguồn vốn dự kiến khoảng 50 tỷ USD

Khi các diều hâu Phương Tây hăng hái lao vào cuộc chiến đánh bại đồng Rúp, Trung Quốc cũng tranh thủ thời cơ đề xuất giải pháp hỗ trợ nâng giá đồng rúp bằng gói hoán đổi tiền tệ 150 tỷ Nhân dân tệ. Một thủ pháp cao siêu nhằm đưa đồng NDT vào hệ thống thanh khoản quốc gia Nga. Trung Quốc và Nga cũng thống nhất trên quan điểm vấn đề thanh toán thương mại giữa hai nước bằng đồng nội tệ.
Bắc Kinh và Moscow đã ký hiệp định 3 năm thỏa thuận hoán đổi rúp – nhân dân tệ trong giới hạn 150 tỷ tệ ( tương đương 24 tỷ đô la).

Trong lúc FED đang bận rộn với những kế hoạch của các ông trùm và chính sách của Nhà Trắng, lơi lỏng kiểm soát hệ thống tiền tệ, đã không đánh giá quá cao những hành động của Bắc Kinh, Trung Quốc đã ký một thỏa thuận hoán đổi tiền tệ với Argentina trong 3 năm trên tổng số tiền nội tệ tương đương với giá trị cực đại lên đến 11 tỷ đô la, trong tháng 12 đã hoán đổi một lượng nhân dân tệ tương đương với 1 tỷ đô la Mỹ.

Ngay sau khi ký hợp đồng thỏa thuận vào tháng 10 Buenos Aires đã nhận được một gói tài chính bằng nhân dân tệ tương đương với 2,3 tỷ đô la Mỹ. Nhờ có gói hỗ trợ tài chính này mà dự trữ ngoại hối của Argentina cao nhất tính từ thời điểm đất nước phá sản vào năm 2001. Tháng 11 vừa qua Trung Quốc hoán đổi một gói tài chính tương đương 4 tỷ đô la cho Venezuela mà dự trữ ngoại hối của nước này chỉ đủ cho 2 năm trả lãi nợ nước ngoài.

29.12.2014, Hãng thông tấn Bloomberg thông báo, Trung Quốc đưa vào hệ thống Thương mại ngoại hối China Foreign Exchange Trade System các giao dịch bằng các hợp đồng có kỳ hạn và hoán đổi ngoại hối ra đồng rúp. Ngoài ra, Trung Quốc sẽ bắt đầu các giao dịch hợp đồng mua bán đồng ringgit Malaysia và đô la New Zealand.

Không dừng bước ở các nước thuộc thế giới thứ 3, Trung Quốc cũng đặt mục tiêu dùng tiền đề khống chế Ukraine sau này, với khoản vay nợ 3 tỷ đô la tiền đầu tư vào nông nghiệp mà Ukraine hoàn toàn không rõ ràng, số lượng lúa mì từ tiền Trung Quốc biến đi đâu. Bắc Kinh đã đưa khoản nợ khó đòi này ra Trọng tài Quốc tế ở London, nhưng lại vẫn tiếp tục cho Kiev vay 3,6 tỷ đô la để trả nợ tiền gas cho Nga và hơn thế nữa, đã ký một biên bản ghi nhớ với chính quyền Ukraine về việc sẽ đầu tư vào các dự án bất động sản với số vốn lên tới 15 tỷ đô la, văn bản đã được ký kết giữa CITIC Construction với chính quyền Ukraine với khoản trả nợ là thấp nhất trong vòng 15 năm.

20.03.2015 Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Lâu Kế Vĩ vừa cho biết, Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á (AIIB) do nước này đứng đầu sẽ chính thức được thành lập vào cuối năm 2015. Trả lời phỏng vấn trên truyền hình, ông Lâu Kế Vĩ khẳng định: "AIIB là một sự bổ sung chứ không cạnh tranh với những định chế khác như Ngân hàng Phát triển châu Á và Ngân hàng Thế giới".

Hiện đã có 50 nước đăng ký tham gia ngân hàng mới với nguồn vốn dự kiến khoảng 50 tỷ USD để cho vay các nước đang phát triển. Bất chấp những phản ứng từ phía Mỹ, nhiều nước phương Tây như Anh, Pháp, Đức, Italy, thậm chí Đài Loan cũng đăng ký tham gia AIIB. Đồng minh của Mỹ là Nhật tuyên bố không tham gia Ngân hàng này.

Như vậy, chỉ trong thời gian rất ngắn, Bắc Kinh đã đột phá vào thị trường tiền tệ thế giới, đồng NDT đã có điều kiện thâm nhập vào các nền kinh tế lớn, mặc dù Tổ chức giao dịch toàn cầu (SWIFT), nhận xét: đồng nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc tụt xuống vị trí thứ 7 trong số các đồng tiền thanh toán quốc tế, nhưng với sức mạnh của nền sản xuất giá rẻ và mô hình kinh tế Trung Quốc, sẽ không khó để Bắc Kinh thao túng đồng NDT trong tương lai gần.

Các chuyên gia nước ngoài nhận xét, với tỷ lệ % thanh khoản bằng NDT, còn rất lâu đồng tiền này mới đứng vào giỏ định giá Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Nhưng bản chất sự việc thì Bắc Kinh không vội tiến đến điều đó, Bắc Kinh có tham vọng chia xẻ với Mỹ quyền lực khống chế thế giới, bước đầu tiên là vùng nước Hoa Đông và Biển Đông, làm bàn đạp tiến ra Ấn Độ Dương và khống chế khu vực châu Á. Những nước đi mạnh mẽ về dầu mỏ - khí gas, về quan hệ kinh tế đầu tư, về tài chính tiền tệ đều nhằm mục đích này.

Khó thắng được bằng quân sự trong cuộc đối đầu trực tiếp với Mỹ, Trung Quốc đã tìm cách tước bỏ sức mạnh của đồng đô la trong các quan hệ đồng minh để có thể mạnh dạn đưa ra nước cờ phiên lưu mới trong vấn đề “tuyên bố chủ quyền phi pháp” mà đơn giản nhất là áp dụng “khu vực nhận dạng phòng không Biển Đông”.

Trước mắt, Bắc Kinh đã có được tiếng nói chung với 50 nước trong đó có những đồng minh mạnh của Mỹ, nhiều nước đã có những trao đổi về việc sử dụng thanh toán nội tệ song phương, gây tổn thất không nhỏ cho đồng đô la Mỹ. Nhưng cơ bản là từ thế phòng ngự bị động, Trung Quốc có thể bước sang thế công.

Cần phải chú ý một vấn đề: Trong và sau sự kiện Crimea, theo ông giáo sư tại Đại học Renmin (Bắc Kinh) Shi Yinhon, chủ tịch Tập Cận Bình đã nhiều lần gọi điện cho V.Putin đề nghị các giải pháp chính trị cũng như gọi điện cho ông Barack Obama phản đối các biện pháp trừng phạt . Dù truyền thông Trung Quốc hoàn toàn im lặng, nhưng rõ ràng Bắc Kinh không đứng ngoài cuộc trong trận cờ địa chính trị Ukraine.

Giai đoạn cuối gần đây, Bắc Kinh thấy được xu thế không thể đảo ngược trong tiến trình Ukraine, đã rời bỏ vị trí “tọa sơn quan hổ đấu” và thể hiện rõ nét sự thân thiện với Moscow. Trung Quốc đang nhằm đến khả năng thâm nhập sâu hơn vào Ukraine trong quá trình tái thiết  đồng thời không muốn mất đi nhưng gì đạt được với Russia trong năm vừa qua. Có nghĩa là Bắc Kinh có thể công kích Moscow từ hai hướng.  

Ukraine có hai đặc trưng mà Trung Quốc cần đến:

Thứ nhất: đây là cánh cửa vào châu Âu, Trung Quốc hy vọng bằng “con đường tơ lụa” cổ truyền sẽ đẩy mạnh xuất khẩu thông qua đường sắt và khai thác triệt để vựa lúa mì của Ukraine với nguồn nhân công giá rẻ, không loại trừ lao động nhập cư có nguồn gốc Trung hoa.

Thứ hai: Có thể sử dụng được nguồn tài nguyên chất xám trong lĩnh vực công nghiệp quân sự, như sản xuất động cơ máy bay , tên lửa, tàu đổ bộ đệm khí. Hai bên cũng đã hợp tác trong khuôn khổ hiệp định đối tác chiến lược. Đối với Trung Quốc, sự hỗn loạn địa chính trị của Ukraine là điều kiện tuyệt vời cho thị trường sản phẩm giá rẻ, điều mà người dân Ukraine không thể có được trong phong trào hướng Âu của đất nước này.

Phương Tây sau chiến dịch “bài Nga” kéo dài hơn một năm đã nhận được những gì họ không mong muốn, họ càng cảm thấy lo sợ hơn trước một liên minh Kinh tế - Quân sự chặt chẽ Trung – Nga. Nhưng điều đó sẽ không xảy ra. Người dân Nga đã phản ứng quyết liệt khi một quan chức cao cấp Nga đề xuất cung cấp đất đai cho các chủ đầu tư Trung Quốc, và cách đây không lâu, tổng thống Nga V.Putin đã chỉ thị kiên quyết không bán cho các nhà đầu tư nước ngoài bất cứ một mét đất nào. Dưới sức ép các đòn tấn công của Phương Tây, Nga đã phải kéo gần hơn mối quan hệ kinh tế - quốc phòng với Trung Quốc, nhưng đó không phải là Liên minh.

Cuộc đối đầu địa chính trị các siêu cường ở Ukraine đã tạo ra một cuộc khủng hoảng địa chính trị nặng nề ở Đông Âu, tất cả các nước liên quan đều chịu những tổn thất nặng nề về kinh tế. Đất nước Ukraine tươi đẹp ngày nào chìm sâu vào cuộc khủng hoảng kinh tế, chính trị và sự nổi dậy mạnh mẽ của chủ nghĩa dân tộc cực đoan mà sự nguy hiểm của nó không thua kém gì phong trào Hồi giáo cực đoan ở Trung Đông.

Dự trữ ngoại hối của Ukraine không đủ cho một tháng trả nợ và khu vực Donbass đe dọa trở thành lò lửa nội chiến một lần nữa. Nhưng Trung Quốc đã thu được những lợi ích đáng kể trong mọi lĩnh vực, từ gia tăng vị thế chính trị, củng cố sự hiển diện quân sự trên biển Đông, có được những lợi ích đáng kể về quân sự, kinh tế và nâng cao giá trị của mình trong mối quan hệ giữa các siêu cường.

Một câu hỏi tự nhiên: Trung Quốc sẽ làm gì trong năm 2015? Tất nhiên, để củng cố tình hình nội bộ, Bắc Kinh sẽ có những hoạt động mạnh mẽ hơn nữa trên vùng tranh chấp, trước mắt có thể là sự hiển diện dài ngày của các chiến hạm phòng không hạm đội, các sân bay sẽ được khánh thành, những chiếc máy bay vận tải và chiến đấu cơ sẽ thử nghiệm cất hạ cánh - bước đầu tiên của tiến trình thiết lập vùng nhận dạng phòng không, buộc các tàu sân bay hải quân Mỹ đối mặt với tên lửa HQ9 trên biển. Bắc Kinh cũng sẽ không ngại ngần đặt các dàn khoan nước sâu ở các khu vực nằm trong tầm với của hệ thống tác chiến không biển PLAN. Và đó mới chỉ là bắt đầu…

Theo: QPAN