Cuộc chiến sinh tồn của Ukraine: Duy trì hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Để trang trải phí tổn chiến tranh và tái thiết, Ukraine và các doanh nhân nước này phải căng mình đấu tranh để duy trì hoạt động kinh doanh và thậm chí mở rộng.

tai-xuong-8002.jpg
Chiến sự ác liệt khiến vô số cửa kính trên khắp Ukraine bị phá huỷ (Ảnh: WSJ)

Igor Liski muốn thay thế các cửa sổ bị hỏng trên khắp lãnh thổ Ukraine. 2 năm kể từ khi cuộc chiến bùng nổ, Ukraine tràn ngập những mảnh kính vỡ, và các cuộc tấn công của Nga không ngừng làm vỡ thêm nhiều tấm kính.

Ukraine không có một nhà máy sản xuất kính cửa sổ nào có thể đáp ứng được nhiệm vụ này. Thay vào đó, họ phải nhập khẩu kính tấm, bao gồm cả từ Belarus, đồng minh của Nga.

Liski, một nhà đầu tư Ukraine có cổ phần ở một số công ty, muốn xây dựng một nhà máy thủy tinh gần thủ đô Kiev với chi phí khoảng 240 triệu USD. Ông đang kêu gọi các nhà cung cấp thiết bị châu Âu và nói rằng ông sẵn sàng đầu tư khoảng 80 triệu USD vào dự án. Tuy nhiên, ông đang phải đối mặt với khó khăn trong việc kêu gọi vốn cho phần còn lại vì các ngân hàng do dự cho vay trong bối cảnh chiến sự.

“Vấn đề lớn nhất không phải là con người, công nghệ hay vốn chủ sở hữu mà là huy động vốn cho dự án”, Liski cho hay.

Ông không phải người duy nhất đang gặp phải thách thức. Ở Ukraine, bên cạnh cuộc chiến đang diễn ra nơi tiền tuyến, một trận chiến thầm lặng hơn vì sự sống còn của quốc gia lại ít được biết đến: Duy trì các hoạt động kinh doanh.

im-930550-6784.jpg
Igor Liski nói rằng các doanh nhân ở lại Ukraine và tạo việc làm là những người yêu nước nhất (Ảnh: WSJ)
im-930551-2303.jpg
Những mảnh kính rải đầy trên đường phố của Ukraine (Ảnh: WSJ)

Mặc dù ít được nhìn thấy hơn so với những nỗ lực cung cấp vũ khí cho Kiev của phương Tây, nhưng nó không kém phần quan trọng. Hoạt động thương mại tạo ra việc làm, doanh thu thuế và nguồn lực để tiếp tục duy trì sức chiến đấu.

Thỏa thuận của Liên minh châu Âu (EU) vào ngày 1/2 nhằm hỗ trợ Kiev 54 tỉ USD tiền tài trợ và khoản vay trong 4 năm để rót cho các hoạt động của nhà nước sẽ bù đắp phần nào sự thiếu hụt. Các tổ chức tài chính quốc tế bao gồm Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Châu Âu, Ngân hàng Đầu tư Châu Âu của EU và Ngân hàng Thế giới cũng đang cung cấp “phao cứu sinh”.

Sự hỗ trợ đó – mặc dù chưa đủ đối với Ukraine – là rất quan trọng vì chiến sự rất tốn kém và việc duy trì nền kinh tế trong thời chiến luôn đầy thách thức. Để Ukraine duy trì khả năng chiến đấu và có hy vọng tái thiết, nước này không chỉ phải chiếm ưu thế trên chiến trường mà còn phải duy trì hoạt động tại các nhà máy, thành phố và trang trại của mình.

“Chiến lược để Ukraine giành chiến thắng trong cuộc chiến phải là nền kinh tế Ukraine mạnh hơn nền kinh tế Nga”, cựu đặc phái viên của Mỹ về Ukraine Kurt Volker cho biết.

Để làm suy yếu nền kinh tế Nga, Mỹ, EU và các đồng minh đã áp đặt các biện pháp trừng phạt và kiểm soát xuất khẩu chưa từng có, nhưng tác động của chúng rất chậm do Nga đủ sức né tránh. Các biện pháp còn lại chính là hỗ trợ nền kinh tế Ukraine, ngay cả khi bị Nga cố gắng phá hủy.

Trong số các mục tiêu lớn nhất mà Nga tấn công có nhà ở và cơ sở hạ tầng, đặc biệt là cơ sở năng lượng, điều khiến cho Ukraine phải gấp rút sửa chữa với chi phí khổng lồ. DTEK, công ty năng lượng tư nhân lớn nhất Ukraine, mùa đông năm ngoái đã chi khoảng 120 triệu USD để xây dựng lại, các quan chức của công ty cho biết. Mùa đông năm nay, Nga ít tập trung hơn vào cơ sở hạ tầng năng lượng nên chi phí xây dựng lại thấp hơn và DTEK đang tìm cách mở rộng, đặc biệt là sang lĩnh vực năng lượng xanh.

im-930553-8046.jpg
Các cảng từng xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine giờ đã bị phá hủy hoặc nằm ngoài tầm với (Ảnh: WSJ)
im-930549-95.jpg
Tàu chở ngũ cốc gần Odesa, Ukraine (Ảnh: WSJ)

Giám đốc điều hành Maxim Timchenko cho biết DTEK có thể giải quyết các vấn đề hậu cần và sự nguy hiểm khi xây dựng trang trại gió trong thời chiến, nhưng vấn đề tài chính còn khó khăn hơn. “Yếu tố nghiêm trọng duy nhất là khả năng tiếp cận vốn”, ông nói.

Timothy Ash, nhà kinh tế tại RBC BlueBay Asset Management ở London, ước tính Ukraine hiện cần khoảng 100 tỉ USD hỗ trợ hàng năm, trong đó khoảng 40 tỉ USD là hỗ trợ ngân sách và 60 tỉ USD là viện trợ quân sự. Ông nói, nếu chiến tranh kết thúc và Ukraine thắng thế theo một cách nào đó, nước này có thể cần 50 tỉ USD mỗi năm trong vòng một thập kỷ để tái thiết.

“Đó là một khoản cam kết lớn trong thời gian 10 năm”, ông nói tại cuộc họp của DTEK được tổ chức trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos, Thụy Sĩ, vào tháng 1.

Có rất nhiều trở ngại trong việc hỗ trợ nền kinh tế Ukraine. Kinh tế nước này đã suy yếu từ trước khi chiến tranh bùng nổ, do sự kém hiệu quả, cơ sở hạ tầng nghèo nàn và nạn tham nhũng. Kể từ khi chiến sự bắt đầu, Ukraine đã mất phần lớn cơ sở công nghiệp và nông nghiệp.

Những cánh đồng rộng lớn của Ukraine từng giúp nuôi sống thế giới giờ trở thành chiến trường. Các cảng từng xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine giờ đã bị phá hủy hoặc nằm ngoài tầm với. Các nhà máy và hầm mỏ từng trả lương cho nhiều người và cung cấp hàng hóa thiết yếu giờ nằm ​​trong đống đổ nát.

Các nhà đầu tư và bên cho vay ngần ngại cấp vốn cho những doanh nghiệp có thể phải đối mặt với sự tàn phá hoặc gặp khó khăn để hoạt động, do nhân viên phải nghỉ làm để nhập ngũ hoặc bị thương do chiến tranh.

“Chúng tôi không ảo tưởng rằng cuộc chiến này là một cuộc chạy nước rút - nó là một cuộc chạy marathon”, Gennadiy Chyzhykov, chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Ukraine cho biết.

Công việc kinh doanh của gia đình Sergey Ustenko tập trung vào Carpathian Mineral Waters, công ty chuyên bán nước ngọt có ga và đồ ăn nhẹ trên khắp Ukraine và đã mở rộng trong thời kỳ chiến tranh, ngay cả khi thị trường chung bị thu hẹp. Ông cho biết đang có kế hoạch xây dựng một nhà máy mới với chi phí khoảng 20 triệu USD, tạo ra khoảng 100 việc làm.

Ustenko cho biết các ngân hàng Ukraine sẽ cho vay tối đa khoảng 1/4 số tiền đó, với lãi suất khoảng 20% ​​và yêu cầu tài sản thế chấp có giá trị. Ông hiểu nỗi lo lắng của các ngân hàng nhưng điều đó lại tạo ra gánh nặng lớn cho các doanh nhân.

“Tự bản thân bạn phải gánh hết mọi rủi ro”, ông nói.

im-930552-3781.jpg
Sergey Ustenko cho rằng việc các ngân hàng miễn cưỡng cho vay là điều dễ hiểu, nhưng điều đó đang tạo gánh nặng lớn cho các doanh nhân (Ảnh: WSJ)

Ông nói, các khoản tài trợ và khoản vay được cung cấp bởi các tổ chức tài chính phương Tây như EBRD và Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ nhiều nhất cũng chỉ hạn chế ở mức hàng trăm nghìn USD, chứ không thể lên đến hàng triệu USD. Quy trình đăng ký không hề dễ dàng, nhưng ông dự định sẽ đăng ký một vài khoản như vậy vì ngay cả một khoản tiền nhỏ cũng có thể tạo ra sự khác biệt lớn.

Để có vốn hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ, chính phủ Ukraine đang thành lập quỹ phục hồi trị giá 1 tỉ USD. Với sự tư vấn của BlackRock và JPMorgan Chase, Kiev hy vọng sẽ sử dụng quỹ này làm chất xúc tác cho hoạt động đầu tư tư nhân lớn hơn.

Rostyslav Shurma, phó chánh văn phòng Tổng thống Volodymyr Zelensky, cho biết tại sự kiện Davos rằng các nhà lãnh đạo dự án đang cố gắng sàng lọc danh sách các dự án tiềm năng khi quỹ khởi động, có thể là vào cuối năm nay. Tuy nhiên, việc tìm kiếm các doanh nhân Ukraine có thể thuyết phục được các nhà đầu tư quốc tế là điều thách thức.

“Hiện đang thiếu các dự án có khả năng huy động vốn”, đặc biệt là ở các doanh nghiệp nhỏ, Shurma cho biết. Ông nói, quỹ phục hồi là một trong nhiều thử nghiệm kinh tế của Ukraine.

Lĩnh vực năng lượng của Ukraine, bất chấp chiến sự, đang thu hút một số nguồn tài trợ quốc tế, một phần để thúc đẩy sự chuyển dịch khỏi nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu. Một trở ngại là các trang trại gió và tua-bin là những mục tiêu lớn trong chiến tranh. Một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Nga trong năm nay đã đánh sập một tuabin mới được chế tạo ở miền Nam Ukraine.

im-930554-2592.jpg
Đầu năm ngoái, DTEK đã mở một trang trại gió ở Tây Nam Ukraine (Ảnh: WSJ)
im-930556-1008.jpg
Các trang trại gió và năng lượng mặt trời là những mục tiêu khó khăn hơn đối với Nga (Ảnh: WSJ)

Nhưng việc sản xuất điện phi tập trung từ các trang trại gió và các tấm năng lượng mặt trời lắp trên mái nhà khó bị Nga phá hủy hơn so với các nhà máy phát điện tập trung, Timchenko của DTEK cho biết. Ông nói, một quả tên lửa có thể khiến toàn bộ một nhà máy điện truyền thống ngừng hoạt động, nhưng có khả năng gây thiệt hại tương tự cho một cơ sở năng lượng gió hoặc năng lượng mặt trời.

Mùa Xuân năm ngoái, DTEK đã mở một trang trại gió 19 tuabin mới ở Tây Nam Ukraine, cách tiền tuyến khoảng 60 dặm. Công việc xây dựng cơ sở trị giá 215 triệu USD này bắt đầu vào năm 2021. Sau khi tạm dừng do chiến sự bùng nổ, dự án được tiếp tục nối lại vào giữa năm 2022 và cơ sở này đã đi vào hoạt động vào tháng 5 năm ngoái, cung cấp điện cho khoảng 200.000 hộ gia đình.

DTEK, hợp tác với nhà sản xuất tuabin Đan Mạch Vestas Wind Systems, hiện đang lên kế hoạch cho giai đoạn hai lớn hơn, có thể tiêu tốn hơn 450 triệu USD.

Sự đảm bảo vệ về mặt quân sự khỏi các cuộc tấn công của Nga - một phần để trấn an các nhà lãnh đạo doanh nghiệp - hiện là điều mà Ukraine đang tìm kiếm, và mục tiêu này chính là động lực khiến họ tích cực gia nhập NATO. Quy trình này sẽ mất nhiều năm và trong khoảng thời gian đó các thành viên bao gồm Anh, Pháp, Đức và Đan Mạch đã ký các thỏa thuận an ninh với Kiev để đưa ra một mức độ bảo vệ nhất định.

Hiện tại, người Ukraine biết rằng họ phải nỗ lực tự cung tự cấp, cả trong chiến đấu lẫn kinh tế.

Theo Wall Street Journal