Lạm phát đang giảm nhanh hơn dự kiến ở các nền kinh tế phát triển, đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc chiến kéo dài 2 năm của các ngân hàng trung ương nhằm đối phó với tình trạng giá cả tăng vọt.
Đà tăng giá tiêu dùng ở Anh đã giảm xuống dưới 5% ở Anh trong tháng trước và khoảng 3% ở Mỹ và khu vực đồng tiền chung euro, làm dấy lên kỳ vọng rằng các ngân hàng trung ương có thể “hãm phanh” và bắt đầu giảm lãi suất vào năm tới.
Đây là tín hiệu đáng mừng trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang tăng trưởng chậm lại, làm tăng triển vọng “hạ cánh mềm” sau chu kỳ tăng lãi suất với nhịp độ nhanh, mà không khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng mạnh. Đặc biệt, châu Âu đang đứng trước bờ vực suy thoái.
Lợi suất trái phiếu chính phủ ở châu Âu và Mỹ đã giảm do các nhà đầu tư bắt đầu đặt cược vào khả năng giảm lãi suất sớm hơn.
Trong phần lớn năm 2023, các nhà kinh tế học đã tỏ ra bối rối trước câu hỏi tại sao đà tăng trưởng và lạm phát không giảm nhanh hơn khi lãi suất tăng. Hiện giờ, đã có nhiều bằng chứng cho thấy chi phí vay cao hơn đã bắt đầu có tác động mạnh mẽ với một độ trễ nhất định.
“Rõ ràng đây là một điểm bước ngoặt đối với lạm phát”, Stefan Gerlach, cựu Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương Ireland, cho hay. “Các nhà đầu tư có thể sẽ bất ngờ trước việc các ngân hàng trung ương sẽ giảm lãi suất nhanh như thế nào trong năm tới, có khả năng là giảm 1,5 điểm phần trăm”.
Lạm phát giảm mạnh trên khắp các châu lục đã làm sáng tỏ những nhân tố đã đẩy giá cả tăng cao ngay từ thời điểm ban đầu – đặc biệt là đại dịch COVID-19 và cuộc chiến ở Ukraine. Những nhân tố này làm gián đoạn các chuỗi cung ứng toàn cầu, giảm lực lượng lao động và làm tăng giá năng lượng, đặc biệt là ở châu Âu. Hiện nay, những áp lực gây lạm phát này đã suy yếu.
Lạm phát cũng được thúc đẩy bởi các yếu tố về cung, như gói kích thích trị giá hàng nghìn tỉ USD của Chính phủ Mỹ, và nhu cầu bị dồn nén cùng các khoản tiết kiệm mà người tiêu dùng tích lũy được trong giai đoạn đại dịch. Theo các nhà kinh tế học, đây là nguyên nhân vì sao mà lạm phát cơ bản vẫn ở mức cao sau gần 4 năm kể từ thời điểm đại dịch bùng phát, và tại sao cần phải có những đợt nâng lãi suất để kiềm chế lạm phát.
Lạm phát thấp hơn “cho thấy hiệu quả của việc nâng lãi suất thêm 4-5 điểm phần trăm”, Gerlach cho hay. “Nhóm Transitory đã sai lầm”, ông nói, nhắc tới một cuộc tranh luận giữa các nhà kinh tế học về việc lạm phát cao sẽ tự giảm theo thời gian, một nhóm mà ông từng tham gia. “Suy nghĩ của chúng tôi trước đây là, lạm phát sẽ giảm mà không cần các đợt nâng lãi suất”.
Lạm phát giảm ở nhiều quốc gia
Ngay cả các quốc gia nơi mà lạm phát được cho là dai dẳng nhất, như Anh, cũng bắt đầu có những chuyển biến. Giá tiêu dùng tăng 4,6% trong tháng 10 so với cùng kỳ năm ngoái, giảm từ mức 6,7% ghi nhận trong tháng 9 và là mức tăng thấp nhất kể từ tháng 10/2021, theo cơ quan thống kê của nước này.
Thông tin về lạm phát ở Anh được đưa ra sau báo cáo lạm phát ở Mỹ giảm xuống còn 3,2% trong tháng 10. Khu vực eurozone cũng báo cáo mức giảm lạm phát xuống còn 2,9% trong tháng 10, từ mức 4,3% trong tháng 9. Giá tiêu dùng ở Bỉ và Hà Lan cũng thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá tiêu dùng hạ nhiệt đã thuyết phục một số nhà hoạch định chính sách châu Âu rằng cuộc chiến chống lạm phát đã giành thắng lợi, và cuộc chiến này không kéo dài như trong thập kỷ 70.
“Chúng ta đang trong quá trình thoát khỏi cuộc khủng hoảng lạm phát này”, Bộ trưởng Tài chính và Kinh tế Pháp Bruno Le Maire phát biểu trong cuộc họp với các bộ trưởng EU trong tuần trước. “Trong vòng chưa đầy 2 năm, châu Âu đã nỗ lực kiềm chế được lạm phát”.
Các nhà đầu tư cũng tỏ ra lạc quan hơn. Họ cho rằng Fed và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất từ mùa Xuân năm tới, và Ngân hàng Anh sẽ giảm lãi suất vào mùa Hè, theo dữ liệu từ Refinitiv.
Các NĐT trên thị trường đặt cược 30% vào khả năng Fed sẽ có thêm một đợt nâng lãi suất – từ mức 5,25%-5,5% hiện tại – tại thời điểm trước khi dữ liệu về lạm phát Mỹ được công bố trong hôm 14/11. Tỷ lệ này giờ giảm xuống còn 5%, theo các nhà phân tích của Deutsche Bank. Triển vọng Fed giảm lãi suất vào tháng 5/2024 đã tăng từ 23% lên 86%.
Trong khi đó, các ngân hàng trung ương tỏ ra thận trọng hơn, sau khi bất ngờ trước sự dai dẳng của lạm phát trong năm ngoái. Ngân hàng Anh tháng trước cho hay vẫn còn quá sớm để tính đến việc giảm lãi suất, dự báo rằng lạm phát sẽ đạt mức mục tiêu 2% vào cuối năm 2025. Các ngân hàng trung ương cũng chỉ ra tốc độ tăng lương vẫn tăng nhanh và nguy cơ giá năng lượng tăng cao hơn nếu như cuộc chiến Israel-Hamas mở rộng ra các khu vực khác của Trung Đông.
Các nhà kinh tế học của Morgan Stanley dự báo rằng Ngân hàng Anh sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 5/2024, tiếp đến là Fed và ECB vào tháng sau đó. Mặc dù thời điểm dự báo có khác nhau, nhưng có một sự đồng thuận rằng lạm phát đang suy yếu và lãi suất thấp hơn là điều sẽ xảy ra.
“Chúng tôi dự báo rằng lạm phát và lãi suất ở khắp các nền kinh tế phát triển sẽ giảm trong năm 2024”, Michael Saunders, cựu quan chức tại Ngân hàng Anh, viết trong một báo cáo.
“Chặng cuối” trong chu kỳ nâng lãi suất
Trong trường hợp giảm lãi suất, một câu hỏi sẽ được đặt ra là liệu các ngân hàng châu Âu có nâng lãi suất quá mạnh tay, đặc biệt là ở châu Âu.
Các nhà kinh tế học cho rằng những đợt nâng lãi suất trước đây đang bắt đầu ngấm vào nền kinh tế, làm giảm hoạt động tín dụng và chi tiêu. Số lượng việc làm được tạo ra đang giảm và tỷ lệ thất nghiệp đang tăng lên ở cả Mỹ và châu Âu, từ đó làm chậm tốc độ tăng lương. Các hộ gia đình ngại chi tiêu hơn, do lãi suất cao khiến họ muốn tiết kiệm hơn, theo các nhà kinh tế học.
Doanh số bán lẻ ở Mỹ đã giảm 0,1% trong tháng 10, so với tháng trước đó. Đây là đợt giảm đầu tiên kể từ tháng 3, và sau khi tăng 0,9% trong tháng 9. Ở khu vực eurozone, sản lượng công nghiệp giảm 1,1% trong tháng 9, so với tháng trước đó, theo dữ liệu chính thức được công bố ngày 15/11.
Trong khi các yếu tố toàn cầu góp phần gây ra tình trạng lạm phát tăng tồi tệ nhất và cả những đợt giảm gần đây, các điều kiện kinh tế trong nước có thể trở thành yếu tố quan trọng nhất khi các ngân hàng trung ương bước vào giai đoạn cuối cùng – còn gọi là “chặng cuối” – để đưa lạm phát xuống mức mục tiêu 2%.
Ở Mỹ, lạm phát đang giảm khi thị trường lao động và chi tiêu tiêu dùng hạ nhiệt, nhưng vẫn ở mức ổn định. Điều này khiến thị trường tin rằng sức ép giá sẽ tiếp tục giảm mà không gây ra suy thoái.
Ở châu Âu, tình hình kinh tế lại thách thức hơn. Khu vực này đang đối diện với nhiều khó khăn về tăng trưởng, do thương mại toàn cầu suy giảm và đà tăng trưởng trì trệ ở Trung Quốc - thị trường xuất khẩu quan trọng của họ, cho tới việc các chính phủ giảm chi tiêu. Trong hôm 15/11, Tòa Hiến pháp của Đức đã bác bỏ đề xuất của Thủ tướng Olaf Scholz về việc chuyển 60 tỉ euro từ quỹ dự trữ cho đại dịch COVID-19 chưa được sử dụng để rót vốn cho các sáng kiến năng lượng xanh, tạo ra thâm hụt lớn cho ngân sách nhà nước.
Khác với Mỹ, các hộ gia đình ở châu Âu cũng do dự hơn khi tiêu khoản tiền mà họ tiết kiệm được trong giai đoạn đại dịch. Tất cả những yếu tố này dẫn tới đà suy giảm kinh tế sâu hơn và lạm phát giảm nhiều hơn ở châu Âu, khiến ECB giảm lãi suất sớm hơn.
Bất chấp khả năng lãi suất thấp hơn trong tương lai, nhiều nhà kinh tế học và nhà đầu tư cho rằng việc quay trở lại thời kỳ lãi suất cực thấp trước đại dịch là khó xảy ra, do căng thẳng địa chính trị và áp lực nhân khẩu học gia tăng.
Lực lượng lao động có thể sẽ giảm ở các nền kinh tế lớn, bao gồm cả Trung Quốc, trong những năm tới khi hàng triệu người thuộc thế hệ bùng nổ dân số (baby boomer) nghỉ hưu, khiến tiền lương tăng cao. Và căng thẳng giữa Trung Quốc và phương Tây có thể sẽ làm tăng chi phí sản xuất khi các công ty chuyển dịch nhà máy sang các quốc gia khác./.
Lạm phát tăng 143%, nhiều người ở quốc gia này “không mua nổi chiếc quần jean mới”
Nhật Bản: Quốc gia duy nhất trên thế giới hoan hỉ vì lạm phát
Lo ngại lạm phát dai dẳng và AI chiếm việc làm, làn sóng đình công ở Mỹ, châu Âu lan rộng
Theo Wall Street Journal
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu