Nhà máy sản xuất phân bón Tiến Nông (Nguồn: tiennong.vn) |
Nông nghiệp là lĩnh vực sản xuất quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Trải qua nhiều năm đổi mới, từ một nước có nền nông nghiệp lạc hậu, Việt Nam hiện đã trở thành một trong những quốc gia có sản lượng xuất khẩu nông sản hàng đầu trên thế giới.
Đồng hành cùng quá trình phát triển này, không thể không nhắc đến sự hỗ trợ đắc lực của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dinh dưỡng cây trồng. Một trong số đó có thể kể đến là CTCP Công nông nghiệp Tiến Nông (Tiến Nông).
Theo tìm hiểu của VietTimes, Tiến Nông được thành lập vào tháng 1/1995, trụ sở chính đặt tại số 274B Bà Triệu, phường Đông Thọ, TP. Thanh Hóa, gồm 3 cổ đông sáng lập là Chủ tịch HĐQT Nguyễn Xuân Cộng (SN 1939), con trai ông Cộng – Tổng giám đốc Nguyễn Hồng Phong (SN 1973), và ông Đặng Ngọc Yến (SN 1963).
Tại ngày 12/4/2016, Tiến Nông có vốn điều lệ gần 256 tỉ đồng, tỷ lệ sở hữu của 3 cổ đông cá nhân trên lần lượt là 10%, 80% và 10% cổ phần. Cập nhật đến ngày 18/9/2019, công ty này nâng vốn lên 359 tỉ đồng, cơ cấu cổ đông và tỷ lệ sở hữu thời điểm này không được công bố.
Sau hơn 25 năm phát triển, Tiến Nông hiện có 4 nhà máy sản xuất, cung cấp hàng loạt các sản phẩm về phân bón, máy nông nghiệp và giải pháp quy trình chăm sóc cây trồng. Ngoài ra, công ty này cũng sở hữu một số đơn vị thành viên như CTCP Đầu tư phát triển Vgreen, CTCP Tiến Nông Gia Lai, CTCP Đầu tư và phát triển nông nghiệp Tiến Nông…
Về kết quả kinh doanh, dữ liệu của VietTimes cho thấy, trong 4 năm trở lại đây, doanh thu hàng năm của Tiến Nông đều đạt xấp xỉ 1.000 tỉ đồng, song biên lợi nhuận chỉ ở mức nhỏ. Như năm 2016 và 2017, doanh thu thuần của Tiến Nông lần lượt đạt 703 tỉ đồng và 924 tỉ đồng, lãi thuần ở mức 23,2 tỉ đồng và 35,8 tỉ đồng, tương ứng với biên lợi nhuận hơn 3%.
Năm 2019, Tiến Nông ghi nhận doanh thu thuần đạt 802 tỉ đồng, báo lãi thuần ở mức 21,6 tỉ đồng, giảm lần lượt 13,7% và 35% so với năm 2018.
Tính đến cuối năm 2019, tổng tài sản của Tiến Nông đạt 613 tỉ đồng, giảm 9% so với thời điểm đầu năm; vốn chủ sở hữu tăng nhẹ từ 325 tỉ đồng lên 359 tỉ đồng.
Song hành cùng sự phát triển của Tiến Nông, tháng 5/2018, Tổng giám đốc Nguyễn Hồng Phong còn góp vốn thành lập CTCP Công nghệ Tincom Quốc tế – chủ sở hữu của Fer.fun – sàn thương mại điện tử tập trung vào chuỗi giá trị nông nghiệp với 3 mảng quan trọng là nông sản, thực phẩm và vật tư sản xuất nông nghiệp.
Ngoài nông nghiệp, Tiến Nông còn tham gia vào lĩnh vực bất động sản với vai trò chủ đầu tư tại dự án Công trình toà nhà hỗn hợp V-Green.
Theo đó, dự án này được chấp thuận đầu tư vào tháng 2/2015, với quy mô hơn 9.000 m2 tại lô B-CT5-1 Khu đô thị Đông Hương, TP. Thanh Hoá, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 500 tỉ đồng. Tiến độ thực hiện dự án là 3 năm kể từ ngày được giao đất.
Tuy nhiên, đến tháng 7/2017, sau gần 2 năm giao đất, dự án này vẫn chưa được triển khai, do đó UBND tỉnh Thanh Hoá đã có văn bản yêu cầu Tiến Nông khởi công xây dựng dự án trước ngày 10/8/2017.
Đến ngày 8/10/2020, UBND tỉnh Thanh Hoá có quyết định huỷ bỏ việc giao đất thực hiện dự án cho Tiến Nông với lý do chưa phù hợp với quy định của luật đất đai.
Chưa đầy 2 tuần sau (19/10), cơ quan này cũng có quyết định bãi bỏ việc chấp thuận đầu tư dự án phát triển nhà ở Công trình toà nhà hỗn hợp V-Green của Tiến Nông với lý do chấp thuận đầu tư dự án chưa đảm bảo quy định của pháp luật./.