COVID-19 ảnh hưởng tới cuộc đua làm chủ Nhà Trắng ra sao?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes -- Dịch bệnh đã khiến cho triển vọng tái đắc cử của ông Trump trở nên khó khăn hơn nhiều so với chỉ hai tháng trước đây. Dù chiến lược ứng phó với đại dịch covid đã đi đúng quỹ đạo, vấn đề hiện giờ của ông chủ Nhà Trắng là nền kinh tế Mỹ đang rơi từ vị thế mạnh nhất thế giới xuống ngưỡng suy thoái.
Chứng khoán Mỹ đỏ rực khi dịch bệnh lây lan nhanh chóng. Nguy cơ suy thoái kinh tế Mỹ khó tránh khỏi và sẽ ảnh hưởng quyết định đến việc ai sẽ là chủ nhân Nhà Trắng tiếp theo.
Chứng khoán Mỹ đỏ rực khi dịch bệnh lây lan nhanh chóng. Nguy cơ suy thoái kinh tế Mỹ khó tránh khỏi và sẽ ảnh hưởng quyết định đến việc ai sẽ là chủ nhân Nhà Trắng tiếp theo.

Bởi vậy, vài tuần tới đây sẽ có ý nghĩa quyết định đối với cả ông Biden và ông Trump trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng tháng Mười một này – Nhận định của Tiến sĩ Terry Buss, Học viện Hành chính Công Hoa Kỳ. 

Tối Chủ Nhật vừa rồi, hai ứng cử viên của phe Dân chủ, ông Joe Biden và ông Bernie Sanders mặt đối mặt trong cuộc tranh luận tay đôi đầu tiên nhằm chứng minh ai có phẩm chất nổi trội hơn để trở thành người  đối đầu với ông Donald Trump trong cuộc bầu cử tháng Mười một tới đây. 

Có rất nhiều phỏng đoán về cuộc đấu tay đôi này. Liệu các quan điểm chính sách hiện tại và trong quá khứ của ông Biden có sụp đổ trước đòn tấn công của ông Sanders? Ông Sanders đã tổ chức hai cuộc họp báo, một cuộc nói chuyện với công chúng và một cuộc phỏng vấn độc quyền, trong đó ông này đã nêu rõ chiến lược chống lại ông Biden. 

Liệu ông Biden có lỡ miệng nói hớ khiến ông mất đi sự ủng hộ của cử tri không? Với vị thế dẫn đầu trong các cuộc thăm dò dư luận, được sự ủng hộ công khai của nhóm cầm quyền trong phe Dân chủ, và sự o bế của truyền thông, tất cả những gì ông Biden phải làm chỉ là đừng ngủ gật trong buổi tranh luận. 

Cuộc tranh luận được tổ chức một ngày trước phiên bầu cử sơ bộ của phe Dân chủ diễn ra tại Ohio, Illinois, Florida và Arizona hôm thứ Ba. Cuộc tranh luận hoặc sẽ giúp ông Sanders thực hiện cú “lội ngược dòng” sau thất bại nặng nề trước ông Biden trong các cuộc bầu cử sơ bộ trước đó; hoặc sẽ củng cố vị thế dẫn đầu của Biden, khiến  ông thành người thắng cuộc rõ ràng, đại diện cho đảng Dân chủ.

Ông Biden thậm chí thắng cuộc tranh luận trước cả khi ông này cất tiếng nói: truyền thông chính thống và truyền thông xã hội thường thích tạo ra một cuộc ganh đua gay cấn để thu hút độc giả, ngay cả khi trên thực tế không có cuộc đua nào cả. 

Cuộc tranh luận kéo dài hai tiếng thì tới phân nửa thời lượng tập trung vào đại dịch COVID-19. Không có khán giả tại trường quay, các ứng viên đứng cách xa nhau gần 2 mét và những người điều phối tranh luận gần như không xuất hiện trên sân kấu. Đúng nguyên tắc “hạn chế tiếp xúc xã hội/cách ly xã hội”, tức là giữ khoảng cách xa để tránh lây lan virus, theo hướng dẫn của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC). Điều này nghe có vẻ siêu thực. 

Dư luận trông đợi cả hai ông Biden và Sanders sẽ bỉ bôi cách thức quản lý khủng hoảng dịch bệnh của ông Trump và không tiếc lời vùi dập lẫn nhau. 

Biden: Linh hồn trong các cuộc chiến chống đại dịch

Nghiền ngẫm về phần thể hiện của hai ứng viên trên khán đài, tôi có những ấn tượng thế này.

Về ông Biden, chúng ta biết được rằng trong suốt 35 năm làm Thượng nghị sĩ, ông chịu trách nhiệm về tất cả các sắc luật được Quốc hội phê chuẩn. Ông đã chủ trì việc xây dựng dự luật, huy động sự ủng hộ để thông qua, và giám sát việc thực thi.

Người Mỹ biết ơn ông Biden bởi ông đã luôn can trường đại diện cho lợi ích tốt nhất của họ. 

Ông Joe Biden gần như đã có mọi lá phiếu trong tay để trở thành ứng viên tranh cử Tổng thống của Đảng Dân chủ đối đầu với Trump tháng 11 tới.

 Ông Joe Biden gần như đã có mọi lá phiếu trong tay để trở thành ứng viên tranh cử Tổng thống của Đảng Dân chủ đối đầu với Trump tháng 11 tới. 

Chúng ta cũng biết được rằng chính ông Biden mới là người ra quyết định trong chính quyền của Tổng thống Barack Obama. Phần lớn thời gian làm việc của ông Biden là ở “phòng tình huống” của Nhà Trắng để giải quyết các cuộc khủng hoảng lớn trong ngày, cùng lúc ông còn phải gặp gỡ lãnh đạo các nước.

Ông Biden chính là linh hồn của cuộc chiến đẩy lùi đại dịch cúm heo (H1N1) và Ebola. Ông có thể dễ dàng vận dụng kinh nghiệm này để chế ngự Virus Corona.

Về phần ông Sanders, chúng ta biết rằng trong suốt 29 năm làm một nghị sĩ, sau đó là thượng nghị sĩ, ông đã bỏ phiếu chống lại mọi đạo luật được bỏ phiếu ở Quốc hội, thậm chí ngay cả khi đại đa số nghị sỹ trong cả hai đảng đều ủng hộ dự luật đó.

Cứ một mình một phách như vậy nên cho đến tận bây giờ ông cũng nhất quyết không tham gia phe Dân chủ. Với phản ứng như vậy, liệu có phải là trong mắt ông Sanders thì ông Biden đã quá sai trong các vấn đề chính sách trình lên quốc hội chăng.

Ông Sanders đã tránh không đảm nhận bất kỳ vị trí quản lý nào trong suốt sự nghiệp của mình, ngược lại, ông chỉ chăm chăm chỉ trích các chương trình nghị sự của Tổng thống Clinton, Bush, Obama và Trump.

Ông Sanders biết rằng nếu ông cứ kiên trì theo đường lối này, các đồng nghiệp của ông ta trong quốc hội rốt cục sẽ đầu hàng và trở thành những người dân chủ xã hội chủ nghĩa. Ông đã đúng về điều này: Đảng Dân chủ, bao gồm cả Biden, giờ phản chiếu y hệt quan điểm của ông ta.

Ai có thể kiểm soát đại dịch tốt nhất?

Hai ông Biden và Sanders đưa ra một chiến lược giống nhau trong việc ứng phó với khủng hoảng Corona. Trước khi trình bày các quan điểm chính sách và quản lý của mình, cả hai đều bắt đầu với việc cáo buộc ông Trump lũng đoạn và vô năng. Và tuyên bố rằng dù ông Trump có làm được việc gì thì họ cũng sẽ làm được tốt hơn.

Khi được hỏi ông sẽ làm gì để xử lý dịch bệnh, ông Sander trả lời: bảo ông Trump “im mồm” đi đã.

Cả hai ứng viên nói họ sẽ dựa vào các nhà khoa học và chuyên gia, đặc biệt là những người không phải công dân Mỹ, để tư vấn về phương thức quản lý khủng hoảng dịch bệnh. Họ rất chú ý huy động nhiều thành phần khác nhau.

Các cố vấn sẽ phối hợp để soạn thảo một đại chiến lược toàn cầu do tổng thống lãnh đạo.

Họ sẽ sắp xếp tất cả các nguồn lực hiện có từ tất cả các cấp chính quyền – chính quyền liên bang, tiểu bang và địa phương, khu vực tư nhân và phi lợi nhuận để triển khai một cách tiếp cận toàn diện. 

Họ sẽ hành động ngay lập tức trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe: xét nghiệm cho mọi người dân Mỹ và 20 triệu người nhập cư bất hợp pháp. Chính quyền liên bang sẽ chi trả phí xét nghiệm và điều trị. Các bệnh viện sẽ được trang bị thêm nhiều Phòng Hồi sức Cấp cứu và các trang thiết bị cần thiết.

Ông Biden đã bổ sung thêm rằng quân đội và Cơ quan Quản lý Khẩn cấp Liên bang có đủ năng lực để xây dựng hàng trăm Phòng hồi sức cấp cứu nhờ sử dụng các nguồn lực khẩn cấp. 

Họ sẽ đảm bảo rằng những người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh sẽ được chính quyền liên bang bù đắp bằng thông qua trợ cấp ốm đau, lương thất nghiệp, nhà trẻ, thực phẩm, giãn chi trả các khoản vay thế chấp nhà, …

Họ sẽ vực dậy nền kinh tế đang suy giảm bằng nguồn tiền thu về từ tăng thuế, đặc biệt thuế đánh vào giới tỉ phú, miễn lãi suất vay và trợ cấp cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ. Họ sẽ yêu cầu Cục Dự trữ Liên bang rót hàng tỷ đô để kích cầu nền kinh tế.

Cả hai ứng viên đều đồng ý rằng cách tiếp cận của họ chẳng khác gì việc đẩy đất nước vào tình trạng chiến tranh. 

Sao chép chính sách của ông Trump

Cả hai ông Biden và Sanders đã đúng khi cho rằng ứng phó của ông Trump đối với dịch COVID-19 lúc đầu quá chậm chạp và không được quản lý hiệu quả. Ông chủ Nhà Trắng đã bị bất ngờ và hệ thống quản lý khủng hoảng cần thiết chưa sẵn sàng. 

Nhưng khi nói như vậy thì kế hoạch của ông Biden và ông Sanders giống y hệt như của ông Trump. Giống đến mức mà như được sao chép nguyên văn. Thực sự là vậy!

Ví dụ như, ông Trump đã chỉ định một hội đồng chuyên gia và nhà khoa học để cố vấn cho ông. Ít nhất có hai người trong số đó đã từng hỗ trợ ông Obama trong đại dịch cúm heo H1N1 và Ebola, còn chưa kể đến chương trình HIV toàn cầu.

Hai ứng viên đề xuất thiết lập các trạm xét nghiệm nhanh, cho phép người dân có nhu cầu được lái xe vào làn đường dành riêng để thực hiện xét nghiệm khi đang ngồi trên xe, nhưng trong thực tế thì ông Trump đã triển khai việc này theo mô hình hợp tác công-tư.

Thêm nữa, Cục Dự trữ Liên bang cũng bắt đầu bơm hơn 1 nghìn tỷ đô la tiếp sức cho nền kinh tế. 

Vòng tranh luận kì lạ giữa hai ứng viên Biden và Sanders tối Chủ Nhật vừa qua trong bối cảnh dịch COVID-19 đang lây lan mạnh ở nhiều bang nước Mỹ. Các ứng viên phải giữ khoảng cách khá xa.

Vòng tranh luận kì lạ giữa hai ứng viên Biden và Sanders tối Chủ Nhật vừa qua trong bối cảnh dịch COVID-19 đang lây lan mạnh ở nhiều bang nước Mỹ. Các ứng viên phải giữ khoảng cách khá xa.

Có lẽ cả ông Biden lẫn ông Sanders đều không theo dõi các hoạt động của chính quyền tổng thống Trump và vì vậy mà họ không biết được những gì đang diễn ra, hoặc là họ hy vọng rằng những người không có thông tin sẽ không nhận ra sự giống nhau giữa đề xuất của họ với những gì ông Trump đang làm.

Sẽ khá thú vị để xem chiến dịch tranh cử của ông Trump sẽ tận dụng điều này thế nào cho các quảng cáo tranh cử sắp tới để đấu lại ông Biden hoặc ông Sanders. 

Khác nhau trong Ý thức hệ

Ông Sanders đã thành công trong việc xoay Đảng Dân chủ sang hướng cực tả trong suốt bốn năm qua. Hãy nhớ lại rằng ông Sanders suýt nữa đã đánh bại bà Hillary Clinton trong cuộc đua giành đề cử của Đảng Dân chủ trong kỳ bầu cử tổng thống 2016.

Kể từ đó, ông vẫn giữ nguyên bộ máy chiến dịch tranh cử và không ngừng truyền bá những ý tưởng của mình đến người dân Mỹ.

Năm 2018, ông chính là người đứng sau thành công của bốn nhân vật theo chủ nghĩa xã hội trở thành Nghị sỹ.

Kể từ năm 2016, Sanders có vai trò áp đảo trong phe Dân chủ đến mức ông này có thể khiến một người Dân chủ trung dung như Biden trở thành thiên tả.

Chẳng hạn như, cả ông Sanders và giờ là ông Biden đều tin vào việc cần phải mở cửa biên giới cho người nhập cư bất hợp pháp. Họ cũng cổ xúy việc cho phép bất kỳ ai muốn trở thành công dân Mỹ đều có thể bước qua biên giới mà không bị tạm giữ; và chỉ những ai phạm trọng tội mới bị trục xuất. 

Việc ông Biden bẻ lái sang thiên tả không thể hiện cực đoan như ông Sanders khi trình bày về chiến lược ứng phó với virus corona. Ông Biden chủ yếu dựa vào thực tế là dự luật được thông qua hay không phụ thuộc vào việc xây dựng các liên minh, thỏa thuận và thỏa hiệp, tất cả  phải dựa trên cân nhắc tính toán chi phí.

Ông vận dụng các kinh nghiệm của mình để cho thấy rằng ông đủ năng lực để hoàn tất những gì cần làm để kiểm soát dịch bệnh. 

Ngược lại, cách tiếp cận của ông Sanders có vẻ giáo điều, phi thực tế. Ông tuyên bố trong cuộc tranh luận rằng đại dịch COVID-19 là bằng chứng cho thấy chính sách “Medicare for All” (“Bảo hiểm Y tế cho mọi người" trị giá hàng nghìn tỷ đô la dùng ngân sách liên bang sẽ giúp phòng ngừa hoặc chặn đứng dịch bệnh.

Ông nói rằng các ngân hàng và giới đầu tư phố Wall là những kẻ tham nhũng và họ phải bỏ ra những khoản lợi nhuận kiếm được một cách không chính đáng chi trả cho chương trình của ông.

Ông Sanders cũng cáo buộc các công ty bảo hiểm y tế và dược phẩm đẩy giá lên cao.

Tuy nhiên, ông Sanders chưa tính đủ chi phí của các chương trình này: các chuyên gia độc lập ước tính để triển khai chính sách y tế của ông Sanders sẽ mất khoảng 60 đến 90 nghìn tỷ đô la! Ông Sanders chỉ đơn giản là lặp lại các phát biểu tranh cử mà ông đã ra rả hàng trăm lần trước nay. 

Khả năng thắng cử là vấn đề cốt lõi

Do phe Dân chủ dù ít hay nhiều có vẻ tán đồng những chính sách cực tả của ông Sanders, câu hỏi thực sự trong cuộc tranh luận và trước đó thực chất là ứng viên nào có “khả năng thắng cử” cao hơn trong cuộc bầu cử Tổng thống tới đây. 

Cách Trump xử lý dịch COVID-19 và các hậu quả kinh tế kèm theo sẽ ảnh hưởng quyết định đến khả năng chiến thắng của ông trong cuộc đối đầu với ông Biden tháng 11 tới.

Cách Trump xử lý dịch COVID-19 và các hậu quả kinh tế kèm theo sẽ ảnh hưởng quyết định đến khả năng chiến thắng của ông trong cuộc đối đầu với ông Biden tháng 11 tới.

Dịch bệnh đã khiến cho triển vọng tái đắc cử của ông Trump trở nên khó khăn hơn nhiều so với chỉ hai tháng trước đây. Ông Trump đã tận hưởng thành quả phát triển kinh tế tốt nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Các tổng thống đảm bảo được một nền kinh tế vững mạnh gần như luôn tái đắc cử nhiệm kỳ thứ hai. 

Dịch COVID-19 đã phơi bày điểm yếu của “cỗ xe Trump hùng mạnh”. Ứng phó ban đầu của chính quyền tổng thống Trump đối với virus corona khá yếu ớt và phản tác dụng. Ông đã không thể phân phối các bộ dụng cụ xét nghiệm cần thiết để xác định mức độ lây lan của dịch bệnh và những việc cần làm để xử lý dịch. Ông còn đổ thêm dầu vào lửa khi đổ lỗi cho ông Obama.

Điểm sáng duy nhất ở giai đoạn đầu là lệnh cấm đi lại với Trung Quốc. Lệnh cấm này đã giúp trì hoãn tốc độ lây lan của virus để ông có đủ thời gian để tái tập hợp lực lượng. Giờ thì mọi việc đã đi đúng quỹ đạo.

Tuy nhiên, vấn đề hiện giờ của ông chủ Nhà Trắng là nền kinh tế Mỹ đang rơi từ vị thế mạnh nhất thế giới xuống ngưỡng suy thoái. Thị trường chứng khoán đã mất 30% giá trị. Ông Trump đã nỗ lực giải quyết vấn đề này nhưng cũng không làm được gì nhiều để ngăn chặn đà suy giảm.

Do đó, câu hỏi sẽ là: Liệu người Mỹ có cho rằng ông Trump phải chịu trách nhiệm về tình hình dịch bệnh và cơn suy thoái kinh tế sắp tới, hay họ vẫn tin tưởng ông có thể đưa ra những quyết sách đúng đắn nhất có thể trong tương lai?

Câu hỏi tiếp theo là: Ai có thể đánh bại ông Trump: ông Biden hay ông Sanders?

Căn cứ vào thực tế là: thứ nhất, hầu hết người dân Mỹ chẳng mặn mà gì với “cuộc cách mạng” của ông Sanders; thứ hai, họ quá mệt mỏi để theo đuổi một chính sách như thế trong và sau một đại dịch gây tê liệt xã hội; có vẻ như ông Sanders không có cửa thắng.

Không chỉ vậy, ông này đã gần như không thể ra nổi một đòn “đo ván” nào đối với ông Biden. Trong khi đó, ông Biden đã duy trì được sự tỉnh táo trong suốt hai giờ tranh luận.

Điều này khiến ông Biden gần như đã nắm mọi phiếu bầu trong tay để đánh bại ông Sanders. Nếu ông Trump không bị quy kết trách nhiệm cho dịch bệnh và hậu quả đối với nền kinh tế, cũng như nếu ông không tiếp tục  có những phát ngôn sai lầm thì đương kim tổng thống có thể dễ dàng đánh bại ông Biden cả về các quan điểm chính sách tả khuynh lẫn tính cách và tuổi tác.

Ông Biden chỉ già hơn ông Trump một chút nhưng hình ảnh của ông trên truyền thông chính thống và truyền thông xã hội thường được tô vẽ như một người mệt mỏi và hay nhầm lẫn. Tờ Washington Post gọi ông là “một cỗ máy lỗi”.

Ông Biden thường xuyên quên mất ông đang tranh cử cho vị trí nào và đang phát biểu ở thành phố nào. Có lẽ, ông Biden sẽ rất khó khăn để thay đổi được ấn tượng này.

Nhiều khả năng, truyền thông sẽ là nhân tố quyết định. Nhiều chuyên gia cho rằng chính truyền thông đã thổi bùng sự sợ hãi và hoảng loạn trong công chúng để chống lại ông Trump.

Chẳng hạn như, truyền thông và ông Biden đã rêu rao rằng ông Trump đã cắt giảm ngân sách cho CDC, trong khi trên thực tế ông đã tăng gần gấp đôi ngân sách cho cơ quan này.

Mặc dù các cuộc tấn công trong suốt ba năm qua đã không thể đánh bại được ông chủ Nhà Trắng nhưng không ai biết ông có thể làm được điều tương tự trong cơn cuồng phong của đại dịch COVID-19.

Vài tuần tới đây sẽ có ý nghĩa quyết định đối với cả ông Biden và ông Trump./.