Sản xuất ô tô Trung Quốc trong tình trạng khủng hoảng dư thừa và những nghịch lý

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Sản lượng xe hơi Trung Quốc đang quá dư thừa, nhưng chính quyền vẫn hỗ trợ mạnh mẽ các nhà sản xuất ô tô địa phương và thúc đẩy "sức sản xuất chất lượng mới".

Xe điện Trung Quốc nằm chồng chất tại các cảng châu Âu (Ảnh: AFP)
Xe điện Trung Quốc nằm chồng chất tại các cảng châu Âu (Ảnh: AFP)

Công suất dư thừa, các nhà sản xuất vẫn được hỗ trợ

Sự hồi sinh của Zhidou là một ví dụ điển hình. Năm 2019, Zhidou, một nhà sản xuất ít tên tuổi của Trung Quốc, đã phá sản do doanh số bán hàng sụt giảm khi chính phủ Trung Quốc cắt bỏ trợ cấp cho xe ô tô điện mini.

Nhưng nay Zhidou đã sống lại. Đầu tháng này, công ty đã cho ra mắt chiếc ô tô điện cỡ nhỏ có tên "Rainbow" (Thái Hồng), có 7 màu sơn để lựa chọn, với giá khởi điểm chỉ khoảng 4.400 USD.

Zhidou đã hồi sinh vào cuối năm ngoái nhờ nguồn vốn từ một quỹ do chính phủ Trung Quốc hậu thuẫn và hàng chục nhà đầu tư, cho dù Trung Quốc đã có quá nhiều nhà sản xuất ô tô so với nhu cầu. Các quan chức chính quyền địa phương rất vui mừng trước sự hồi sinh của Zhidou.

Vấn đề sản lượng ô tô dư thừa của Trung Quốc đã tồn tại từ lâu. Tổng sản lượng hàng năm của hơn 100 thương hiệu nội địa đã vượt quá lượng mua của người sử dụng trên toàn quốc.

Tuy nhiên, chính phủ Trung Quốc vẫn tiếp tục hỗ trợ các công ty như Zhidou và khuyến khích các nhà sản xuất thua lỗ tiếp tục sản xuất với hy vọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo vệ việc làm và mở rộng vai trò của Trung Quốc trong lĩnh vực kinh doanh xe điện toàn cầu.

xe Cai Hong ra mat.jpg
Xe điện mini Caihong của Zhidou ra mắt sau khi công ty hồi sinh nhờ trợ cấp của chính phủ (Ảnh: WSJ)

Sự hỗ trợ này (bao gồm cả trợ cấp cho các nhà sản xuất ô tô) đã dẫn đến sự gia tăng sản lượng ô tô trên thị trường toàn cầu. Tình trạng cung vượt quá cầu có thể trở nên trầm trọng hơn.

Theo dữ liệu từ ​​công ty chiến lược Thượng Hải Automobile và số liệu bán hàng từ Hiệp hội Thông tin Thị trường xe chở khách Trung Quốc (gọi tắt là Hiệp hội Xe khách), năng lực sản xuất ô tô hàng năm hiện tại của Trung Quốc là khoảng 40 triệu chiếc, nhưng doanh số bán hàng trong nước chỉ khoảng 22 triệu xe/năm.

Điều này đã gây nên một cuộc chiến giá cả khốc liệt, với việc Tesla và các công ty khác đua nhau giảm giá ở Trung Quốc. Mỹ và châu Âu cũng lo ngại các công ty ô tô Trung Quốc sẽ bán tháo số lượng lớn ô tô không bán được trong nước sang các nước khác.

Sự dư thừa công suất sản xuất xe sử dụng nhiên liệu đặc biệt rõ ràng khi người tiêu dùng Trung Quốc chuyển sang sử dụng xe chạy bằng điện (EV), xe nhiên liệu đang dần không còn được ưa chuộng.

Nhưng dư thừa công suất cũng là một vấn đề mà xe điện Trung Quốc phải đối mặt khi có quá nhiều công ty cạnh tranh giành thị phần. Stephen Dyer, nhà tư vấn ô tô tại AlixPartners ở Thượng Hải, cho biết năm 2023 có tới 123 thương hiệu đã bán được ít nhất chỉ 1 chiếc EV ở Trung Quốc.

Xe BYD cho xuat.jpg
Xe điện của BYD chờ lên tàu xuất khẩu (Ảnh: WSJ).

Xuất khẩu ô tô của Trung Quốc đã tăng gần 4 lần chỉ sau 3 năm, đạt khoảng 5 triệu xe vào năm 2023, điều này gây lo ngại ở một mức độ nhất định tại Mỹ và châu Âu. 3/4 số ô tô xuất khẩu năm ngoái là xe động cơ đốt trong, phần lớn sang Nga, nhưng số lượng EV bán ra nước ngoài cũng ngày càng tăng.

Các quan chức Trung Quốc cho rằng những lời chỉ trích về chính sách công nghiệp ô tô của họ là không công bằng. Ô tô Trung Quốc rất sáng tạo và đáng đồng tiền - quan điểm này được nhiều chuyên gia ngành ô tô và giám đốc điều hành các công ty ô tô nước ngoài chia sẻ. Mỹ cũng đã thông qua “Đạo luật giảm lạm phát” (Inflation Reduction Act) lợi dụng các biện pháp hỗ trợ của chính phủ để thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp xe điện và Trung Quốc đã thách thức đạo luật này tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Điều rõ ràng là ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc đang ở chế độ mở rộng, cho dù tốc độ tăng trưởng doanh số bán hàng trong nước đã chậm lại.

Xiaomi gia nhap san xuat EV.jpg
Nhà sản xuất điện thoại Xiaomi chính thức tham gia sản xuất xe điện (Ảnh: WSJ).

Giấc mơ cường quốc xe điện số 1 thế giới

Chính phủ Trung Quốc từ lâu đã muốn xe điện trở thành ngành công nghiệp hàng đầu và chính quyền nhiều địa phương đang cạnh tranh để phát triển các công ty ô tô mới có thể tạo việc làm.

Viện Kinh tế Thế giới Kiel có trụ sở tại Đức lưu ý trong một báo cáo hồi tháng 4 rằng sự hỗ trợ của chính phủ dành cho ngành này bao gồm các khoản vay lãi suất thấp hơn thị trường và giá chiết khấu cho thép và pin.

Viện trích dẫn báo cáo thường niên của BYD cho biết nhà sản xuất ô tô điện lớn nhất Trung Quốc BYD đã nhận được khoảng 3,5 tỉ USD trợ cấp trực tiếp của chính phủ từ năm 2018 đến năm 2022.

Theo ước tính mới nhất được cung cấp bởi Scott Kennedy, nhà nghiên cứu chính sách kinh tế Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), từ năm 2009 đến năm 2022, các khoản trợ cấp của Trung Quốc để hỗ trợ ngành công nghiệp xe sử dụng năng lượng mới và xe hybrid tổng trị giá xấp xỉ 173 tỉ USD.

BYD khoi day cuoc chien gia ca do khong ban duoc.jpg
Do tiêu thụ ế ẩm, BYD đã khơi mào cuộc chiến giảm giá xe điện trong nước
(Ảnh: WSJ).

Vào tháng 3 năm nay, Thủ tướng Lý Cường tuyên bố trong báo cáo thường niên của chính phủ rằng Trung Quốc sẽ củng cố và mở rộng các ưu thế hàng đầu của mình trong các ngành công nghiệp như xe sử dụng năng lượng mới được kết nối thông minh.

Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh ý định tiếp tục đầu tư thúc đẩy ngành sản xuất cao cấp của chính phủ, đồng thời nhiều lần nhắc đến thuật ngữ "sức sản xuất chất lượng mới” trong báo cáo.

Hào phóng trợ cấp người mua xe điện

Trung Quốc đã trải qua 3 năm tăng trưởng nhanh chóng trong ngành ô tô. Nhà sản xuất ô tô điện BYD đã phát động cuộc chiến về giá và các nhà sản xuất ô tô khác của Trung Quốc cũng theo sau. Giờ đây, ngành công nghiệp ô tô điện toàn cầu đã rơi vào cuộc khủng hoảng sinh tử.

Những người trong ngành chỉ ra rằng một số xe điện thương hiệu Trung Quốc đã đậu ở các cảng châu Âu tới 18 tháng. Khi số lượng xe điện không bán được của Trung Quốc ngày càng nhiều, các cảng châu Âu đã biến thành "bãi đậu xe" và các nhà sản xuất ô tô cũng như đại lý vẫn đang phải vật lộn để đối phó với doanh số bán hàng.

Trung Quốc quyết định hỗ trợ ngành công nghiệp xe sử dụng năng lượng mới từ năm 2009, bắt đầu trợ cấp mua ô tô năm 2010 và đưa ra các khoản trợ cấp cao năm 2012. Ví dụ, một chiếc xe điện thuần túy có phạm vi hoạt động liên tục 250 km sẽ nhận được khoản trợ cấp 60.000 NDT, và một chiếc xe điện thuần túy có phạm vi hoạt động chỉ 80 km cũng sẽ nhận được khoản trợ cấp 35.000 NDT.

Không chỉ chính phủ mà chính quyền các địa phương cũng có các khoản trợ cấp chính sách là 4.800 NDT cho xe plug-in hybrid và 12.600 NDT cho xe điện thuần túy.

Loại trợ cấp này đã khiến nhiều công ty ô tô tham gia. Nhiều nhãn xe có phạm vi hoạt động dưới 250 km, thậm chí dưới 100 km được sản xuất hàng loạt nhưng khả năng lưu thông rất ít. Chúng được chất đống ở những bãi đất trống sau khi nhận được trợ cấp và chờ được đưa đi tiêu hủy.

Nhiều nhà sản xuất lợi dụng trợ cấp

Mô hình "trục lợi giá" đầu tiên là nhà sản xuất nhận trợ cấp của nhà nước, sau đó thành lập công ty để mua ô tô để nhận một khoản trợ cấp khác của địa phương, rồi tháo bán các bộ phận có giá trị, và nhà sản xuất tiếp tục sản xuất ô tô, hình thành cục diện mọi người kiếm được tiền, chính phủ thực hiện giấc mơ trở thành cường quốc ô tô.

Bước tiếp theo là sử dụng tín dụng khuyến khích giới trẻ vay tiền mua ô tô và chạy xe công nghệ (gọi xe trực tuyến) để thúc đẩy doanh số bán ô tô. Tuy nhiên, sau khi dịch bệnh bùng phát ít người đi xe, không nhận được đơn hàng, nên ngày càng có nhiều thanh niên trả lại xe.

Năm 2016, một vụ bê bối "gian lận trợ cấp" đã nổ ra trong ngành công nghiệp xe năng lượng mới. Khi đó, Trung Quốc đã trợ cấp hơn 33 tỉ NDT cho ngành công nghiệp xe năng lượng mới. Trong cuộc thanh tra chính thức đối với 72 công ty, người ta đã phát hiện ra rằng số tiền trợ cấp bị lừa gạt chiếm dụng lên tới 9,27 tỉ NDT.

san luong xe nhieu gap doi doanh so trong nuoc.png
Biểu đồ cho thấy lượng xe ô tô tiêu thụ trong nước (màu đỏ) chỉ chiếm 1/2 sản lượng xe trong năm (Ảnh: WSJ).

Sau đó, Trung Quốc đã nâng ngưỡng trợ cấp tài chính, giảm số tiền trợ cấp và tuyên bố chấm dứt trợ cấp vào năm 2022. Mặc dù trợ cấp đã chấm dứt nhưng thực tế xe sử dụng năng lượng mới vẫn có chính sách hỗ trợ.

Chỉ 2 trong số hơn 100 nhà sản xuất EV có lãi

Sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc đã đạt được một cột mốc mới vào năm ngoái khi họ sản xuất được 30,161 triệu xe và bán được 30,094 triệu chiếc.

Báo cáo của Alix Partners chỉ ra rằng khoản trợ cấp của Trung Quốc cho xe sử dụng năng lượng mới từ năm 2016 đến năm 2022 ít nhất là 57 tỉ USD, đây chính là chìa khóa cho sự tăng trưởng nhanh chóng của ngành công nghiệp xe sử dụng năng lượng mới của họ.

Tuy nhiên, giữa cuộc chiến giá cả khốc liệt, chỉ có 2 trong số hơn 100 công ty ô tô điện của Trung Quốc kiếm được tiền là BYD và Li Auto.

Một số chuyên gia cho rằng các công ty xe năng lượng mới của Trung Quốc sẽ tiến hành một cuộc cải tổ lớn trong năm nay. Những công ty mạnh nhất sẽ tồn tại và những công ty không phù hợp chắc chắn sẽ bị loại bỏ.

Theo WSJ, Creaders