TikTok, một công ty con của gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc ByteDance, hôm 7/3 (giờ Mỹ) đã đệ đơn lên toà án liên bang ở Washington nhằm ngăn chặn chính phủ thực thi đạo luật buộc phải ByteDance phải thoái vốn khỏi Mỹ, gọi nó là "vi hiến" theo Tu chính án thứ nhất và theo một số căn cứ khác.
Trong đơn kiện, TikTok cho rằng luật này vi phạm Hiến pháp Mỹ. Đơn kiện nêu rõ: "Lần đầu tiên trong lịch sử, Quốc hội Mỹ đã thông qua đạo luật cấm vĩnh viễn một nền tảng ngôn luận riêng biệt, nổi tiếng hoạt động trên toàn quốc, cũng như cấm người dân Mỹ tham gia một cộng đồng trực tuyến với hơn 1 tỷ người dùng trên toàn thế giới".
TikTok cũng cho rằng việc ByteDance buộc thoái vốn để tiếp tục hoạt động tại Mỹ là "không thể thực hiện được" trong khung thời gian mà luật quy định.
Nền tảng pháp lý không vững chắc
Theo nhận định của một số chuyên gia, nền tảng truyền thông xã hội này đang dựa vào một nền tảng pháp lý không hề vững chắc. Nguyên nhân chính: Nó thuộc quyền sở hữu của một công ty Trung Quốc, cụ thể là ByteDance.
“Nhìn chung, các công ty nước ngoài không có quyền hiến định”, Jamil Jaffer – Giám đốc Trường Luật Antonin Scalia tại Viện An ninh Quốc gia, thuộc Đại học George Mason – cho biết.
Tuy nhiên, Wilson Freeman, luật sư của Tổ chức Pháp lý Thái Bình Dương, cho biết khiếu nại của TikTok là một thách thức pháp lý mà chính phủ phải tiếp nhận một cách “rất nghiêm túc”.
“Tôi không ngạc nhiên khi họ bắt đầu vụ kiện với tuyên bố về Tu chính án thứ nhất, vì nó có vẻ như là tuyên bố mạnh mẽ nhất trong bốn tuyên bố cho đến nay”, ông Freeman nhận định. “Bạn không bao giờ có thể đoán trước được kết quả các vụ kiện tụng, tôi sẽ không ngạc nhiên chút nào nếu TikTok giành chiến thắng”.
Như vậy, TikTok đã chọn khởi đầu vụ kiện với chiến lược là nhằm vào Tu chính án đầu tiên. Tuy nhiên, một vấn đề tiềm ẩn với chiến lược này là: Tòa án Mỹ có thể bác bỏ luận điểm cho rằng nội dung trên nền tảng đủ điều kiện để được xem là phát ngôn của chính TikTok hoặc ByteDance.
Trong trường hợp tòa án liên bang xác thực tuyên bố của TikTok về Tu chính án thứ nhất, công ty này vẫn sẽ phải vượt qua một rào cản khác: Chứng minh rằng đạo luật mới nhằm mục đích gây tác động đến những quan điểm mà TikTok thể hiện – chứ không phải nhằm mục đích bảo vệ an ninh quốc gia và quyền riêng tư của người dùng như chính phủ Mỹ đã nêu.
Về vấn đề thứ nhất, TikTok lập luận rằng họ không nằm dưới sự kiểm soát của chính phủ Trung Quốc.
"ByteDance không thuộc sở hữu hoặc kiểm soát của chính phủ Trung Quốc. Đây là một công ty tư nhân", Giám đốc điều hành TikTok Shou Zi Chew tuyên bố trong phiên điều trần tại Quốc hội Mỹ vào tháng 3/2023.
Tuy nhiên, trong đơn khiếu nại của mình, TikTok xác nhận một báo cáo của tờ Wall Street Journal rằng việc bán hoặc thoái vốn sẽ cần có sự chấp thuận của chính phủ Trung Quốc.
Công ty này cũng cho hay, chính phủ Trung Quốc “đã nói rõ rằng họ sẽ không cho phép thoái vốn khỏi công cụ đề xuất, vốn là chìa khóa thành công của TikTok, ở Mỹ”.
Quyền tự do ngôn luận của người dùng TikTok
Một cơ sở pháp lý mạnh mẽ hơn mà TikTok có thể tận dụng là, tuyên bố đạo luật mới vi phạm Tu chính án thứ nhất cũng có thể đến từ một trong 170 triệu người dùng TikTok ở Mỹ - những người cũng có thể cho rằng quyền bày tỏ quan điểm của họ đang bị xâm phạm.
Lập luận này từng phát huy tác dụng ở Montana khi Tòa Sơ thẩm Mỹ tạm thời ngăn chặn việc thực thi lệnh cấm của tiểu bang này đối với TikTok, đứng về phía người dùng Mỹ. Một thẩm phán thừa nhận rằng chính quyền bang có quyền quản lý một số cấp độ ngôn luận, nhưng chưa đủ để có thể vượt qua sự giám sát của hiến pháp.
Theo luật sư Brian Marks, giảng viên kinh tế cấp cao của Đại học New Haven, đạo luật mới của Mỹ được Quốc hội thông qua có thể được điều chỉnh đủ để tránh số phận tương tự.
“Tôi không chắc rằng lập luận về vi phạm Tu chính án thứ nhất của người dùng có thể giành được chiến thắng pháp lý hay không”, ông Marks nhận định.
Điều này là bởi "người dùng TikTok ở Mỹ vẫn có quyền truy cập vào các nền tảng khác, nơi họ có thể đưa ra phát ngôn" của mình như Instagram, Facebook và Twitter.
Ông Jaffer cũng đồng tình rằng những nền tảng mạng xã hội đối thủ của TikTok có thể là những lựa chọn thay thế phù hợp. Hiến pháp Mỹ chỉ đảm bảo quyền phát ngôn ở các diễn đàn công cộng chứ không phải ở các diễn đàn riêng tư – như các diễn đàn do các tập đoàn công nghệ cung cấp, trong đó có TikTok.
“Việc các toà án tuyên bố rằng người dân có quyền truy cập hoặc phát biểu trên một diễn đàn riêng tư, đặc biệt là diễn đàn do một công ty nước ngoài kiểm soát, là một sự mở rộng quá lớn đối với Tu chính án thứ nhất”, ông Jaffer cho hay.
Các cơ sở pháp lý khác
Một cơ sở pháp lý khác, mặc dù khá yếu, mà TikTok có thể tận dụng trong vụ kiện này là luật hồi tố, theo các chuyên gia. Luật này coi hoạt động hợp pháp trước đây là bất hợp pháp và sau đó quay ngược thời gian để trừng phạt những người vi phạm vì những hành động trong quá khứ.
“Tuy nhiên, một số trường hợp như vậy đã xuất hiện trong nhiều năm trở lại đây và không có vụ nào thành công. Tôi rất nghi ngờ rằng TikTok sẽ giành chiến thắng nhờ cơ sở này, nhưng vẫn có khả năng", ông Freeman cho hay.
Các chuyên gia cho biết, để vượt qua thách thức như vậy, chính phủ Mỹ phải chứng minh rằng đạo luật mới không có mục đích trừng phạt. Theo Quốc hội, mục đích của luật không phải là trừng phạt TikTok mà là để bảo vệ người Mỹ.
Ông Freeman nói: “Vì vậy, câu hỏi đặt ra là liệu điều đó có thực sự đúng hay không”.
Gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc Huawei trước đây từng cố gắng nhưng thất bại trong việc vô hiệu hóa luật của Mỹ dựa trên cơ sở đó. Trong vụ kiện chống lại chính phủ Mỹ, Huawei lập luận rằng Quốc hội đã lạm dụng quyền lực của mình bằng cách ban hành Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng, cấm chính phủ liên bang mua thiết bị và dịch vụ viễn thông của Huawei.
Tòa liên bang của Texas cuối cùng đã ra phán quyết chống lại Huawei, chỉ ra rằng mặc dù luật này nhằm vào Huawei nhưng nó không mang tính trừng phạt vì nó chỉ áp dụng cho các hành động của Huawei trong tương lai.
Có những lập luận khác mà TikTok đang đưa ra trong vụ kiện của mình, nhưng chắc chắn sẽ gặp rất nhiều phản kháng.
Một trong số những lập luận đó là, chính phủ Mỹ đã vi phạm Điều khoản về Quyền lợi (Takings Clause) của Hiến pháp, trong đó nói rằng chính phủ không thể tuyên bố quyền sở hữu đối với tài sản cá nhân nếu không được bồi thường chính đáng.
Tuy nhiên, ông Freeman tỏ ra hoài nghi về việc áp dụng điều khoản này.
“Tôi không biết ở đây có thu nhập hay không. Chính phủ chỉ cấm một sản phẩm cụ thể", ông nói.
Thăm dò: Phần lớn người Mỹ coi TikTok là công cụ gây ảnh hưởng của Trung Quốc
Tổng thống Joe Biden ký luật viện trợ cho Ukraine, mở đường cấm cửa TikTok
Ông Donald Trump nói Tổng thống Biden sẽ phải "chịu trách nhiệm" đối với lệnh cấm TikTok
Theo Yahoo Finance