Nhà phát triển bất động sản Country Garden đã báo cáo khoản lỗ 48,9 tỉ NDT (6,7 tỉ USD) trong nửa đầu năm nay.
Khoản lỗ kỷ lục này của Country Garden cho thấy viễn cảnh tồi tệ đối với lĩnh vực vốn chiếm hơn 1/4 GDP của Trung Quốc. Trước đó, công ty đã thông báo về khoản lỗ 6,7 tỉ NDT trong nửa cuối năm 2022, sau khi đã ghi nhận khoản lãi 612 triệu NDT trong 6 tháng trước đó.
Nhà phát triển bất động sản (BĐS) này cho biết doanh thu trong nửa đầu năm nay đã tăng 39% lên 226 tỉ NDT (31 tỉ USD) - nhưng thêm rằng để “đảm bảo giao nhà hoàn thiện đúng hạn”, họ đã phải “đạt được sự cân bằng giữa khối lượng bán và giá bán tại một số dự án bất động sản của mình”.
Những lo ngại liên quan đến tình hình tài chính của Country Garden đã gia tăng vào đầu tháng này khi công ty không thể thanh toán lãi trái phiếu quốc tế. Hôm 29/8, nhà phát triển này đã yêu cầu các chủ nợ Trung Quốc gia hạn 40 ngày đối với trái phiếu bằng đồng NDT, đáo hạn vào tuần tới.
Những vấn đề mà Country Garden gặp phải cũng là những vấn đề mới nhất trong cuộc khủng hoảng thanh khoản bất động sản kéo dài 2 năm qua ở Trung Quốc, bắt đầu từ vụ vỡ nợ của nhà phát triển China Evergrande vào năm 2021, và mùa hè năm nay đã có dấu hiệu lan sang lĩnh vực đầu tư.
Country Garden cho biết họ có các khoản nợ khoảng 1,36 nghìn tỉ NDT (186.56 tỉ USD) tính đến hết nửa đầu năm 2023. Họ cho biết sẽ “xem xét áp dụng các biện pháp quản lý nợ khác nhau để giải quyết” điều mà họ mô tả là “áp lực thanh khoản theo từng giai đoạn”.
Từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, chính quyền Bắc Kinh đã thực hiện chính sách thắt chặt đối với lĩnh vực bất động sản, tuy nhiên sau đó, họ bắt đầu từng bước nới lỏng các quy định khi lĩnh vực này đối mặt với những khó khăn.
Các thành phố phía Nam gồm Quảng Châu và Thâm Quyến hôm 30/8 đã nới lỏng các điều kiện cho vay thế chấp đối với người mua nhà lần đầu. Áp mức trần vay thế chấp ngân hàng trước đây là một phần trong các biện pháp được thiết kế để giải quyết giá nhà quá nóng.
Sự suy thoái kéo dài đã ảnh hưởng đến giá nhà đất trong bối cảnh doanh số bán hàng sụt giảm và việc xây dựng căn hộ mới bị trì hoãn.
Chính phủ Trung Quốc hiện nay vẫn chưa tung ra bất kỳ gói cứu trợ nào, nhưng cách tiếp cận của họ đối với Country Garden đang được theo dõi chặt chẽ.
Các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc đang đối diện với khoản thanh toán trái phiếu bằng đồng NDT và trái phiếu bằng đồng USD trị giá 38 tỉ USD trong 4 tháng tới.
“Các vụ vỡ nợ của các nhà phát triển BĐS chắc chắn sẽ tiếp tục xảy ra vì hầu hết các nhà phát triển tư nhân đều phải đối mặt với áp lực dòng tiền, và áp lực này sẽ không sớm biến mất”, Bruce Pang, kinh tế trưởng khu vực Trung Quốc đại lục tại JLL, cho biết. “Bất kỳ sự hỗ trợ chính sách nào được đưa ra đều sẽ cần có thời gian để có tác động tới dòng tiền, doanh số bán nhà và khởi công xây dựng mới”.
Country Garden có kế hoạch huy động 300 triệu USD từ đợt chào bán cổ phiếu vào cuối tháng 7, nhưng đột ngột hủy thỏa thuận vào phút chót.
Trong ngày 30/8, nhà phát triển BĐS này cũng đã công bố kế hoạch phát hành 270 triệu HKD (34 triệu USD) cổ phiếu mới tại Hong Kong, với mức chiết khấu 15% so với giá đóng cửa vào thứ Ba. Tất cả số tiền huy động được sẽ được dành để trả các khoản vay hiện có./.
Country Garden sắp bị loại khỏi Hang Seng Index
"Thành phố rừng" trở thành "Siêu đô thị ma" – nguyên nhân khiến Country Garden lâm cảnh khốn đốn
Tuyên bố ngừng giao dịch 11 lô trái phiếu, giá cổ phiếu của Country Garden giảm 18,36%
Theo Financial Times