Phát biểu khai mạc hội thảo, thạc sĩ Lê Thanh Tùng, Trưởng ban truyền thông và Phổ biến kiến thức của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (gọi tắt là Liên hiệp Hội) cho biết, theo thống kê, Liên hiệp Hội có 1 cơ quan báo chí trực thuộc trực tiếp, 21 cơ quan báo chí trực thuộc các Viện và 47 cơ quan báo chí trực thuộc các Hội, ngành, chưa kể đến các trang tin điện tử, bản tin nội bộ của các đơn vị trong toàn hệ thống.
Nếu phát huy hết vai trò của các cơ quan báo chí này, Liên hiệp Hội là tổ chức có lợi thế về truyền thông chính thống bậc nhất hiện nay. Tuy nhiên, cho đến nay công tác truyền thông trên tổng thể của Liên hiệp Hội còn chưa tương xứng với quy mô, tầm vóc. Liên hiệp Hội chưa tổ chức được nhiều chương trình truyền thông lớn có tác động mạnh mẽ tới đời sống kinh tế xã hội, chưa chủ trì nhiều hội thảo khoa học, hình ảnh của Liên hiệp Hội trong mắt công chúng còn mờ nhạt.
Theo PGS.TS, nhà báo Nguyễn Thành Lợi, Tổng biên tập báo Kinh tế Đô thị, để nâng cao hiệu quả công tác truyền thông của Liên hiệp Hội, cần hướng tới tuyên truyền trên đa kênh, đa nền tảng. Nội dung và thông điệp lan tỏa cần phải nhất quán, phải có kế hoạch, chiến lược truyền thông.
Ông Lợi lưu ý phải có những đánh giá về mục tiêu tuyên truyền, đồng thời phải có nghiên cứu về công chúng như tâm lý thói quen, khả năng tiếp nhận và sự phản hồi của họ.
Một yếu tố nữa cần lưu tâm là phải chủ động các hình thức truyền thông không tốn quá nhiều chi phí như livestream hoặc ghi lại video các buổi hội thảo, sau đó phát lại trên các nền tảng trực tuyến.
PGS.TS Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường và Phát triển cộng đồng, Tổng biên tập Tạp chí Mẹ và Bé chia sẻ, Liên hiệp Hội là tổ chức chính trị - xã hội có số lượng các cơ quan báo chí lớn nhất so với các hiệp hội, đoàn thể khác. Liên hiệp Hội có 1 tờ báo, một nhà xuất bản, trên 60 tạp chí. Mặc dù thời gian qua gặp một số khó khăn nhất định, nhưng về cơ bản trên 90% các cơ quan báo chí của Liên hiệp Hội vẫn tồn tại và phát triển, đem được chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ và các kiến thức khoa học đến với cộng đồng; đưa tiếng nói của các nhà khoa học, giới trí thức đến với các cấp quản lý.
Đã từng là đại biểu quốc hội khóa XIII với nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết cho chính phủ, PGS.TS Bùi Thị An cho rằng đáng lẽ với số lượng lớn như vậy thì vai trò của báo, tạp chí của Liên hiệp Hội phải ở vị trí cao hơn, đóng góp nhiều hơn, nhưng hiện tại chưa xứng với tiềm năng.
Theo PGS.TS Bùi Thị An, nguyên nhân có thể do cơ quan chức năng chưa thấy tầm quan trọng trong thực tế của công tác truyền thông; bản thân chính các cơ quan truyền thông của Liên hiệp Hội cũng chưa có sự đổi mới nhiều cả về mặt nội dung và phương thức hoạt động; các đơn vị cơ sở, đặc biệt là ở các nơi không có cơ quan truyền thông, chưa chủ động thông tin, viết bài về đơn vị mình trên báo và tạp chí của Liên hiệp Hội.
Giải pháp mà PGS.TS Bùi Thị An đưa ra là mong muốn Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo để đổi mới nâng tầm công tác truyền thông cũng như phát huy hết khả năng của hệ thống báo chí trong Liên hiệp Hội. Ngược lại, Liên hiệp Hội với vai trò quản lý của mình nên xây dựng đề án nâng cao chất lượng truyền thông từ nay đến năm 2030.
Tham gia đóng góp ý kiến tại hội thảo, Tiến sĩ, nhà báo Lê Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam, nguyên Vụ trưởng Vụ đối ngoại (Bộ TT&TT) cho rằng Liên hiệp Hội đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển khoa học, kỹ thuật và công nghệ tại Việt Nam, vì thế việc nâng cao hình ảnh của Liên hiệp Hội là rất quan trọng và cấp bách.
Ông Lê Nghiêm đã thẳng thắn nhận xét về thực trạng hình ảnh của Liên hiệp Hội. Theo ông Nghiêm, uy tín và hình ảnh của Liên hiệp Hội chưa tương xứng với tầm vóc; hoạt động truyền thông chưa thực sự chuyên nghiệp và hiệu quả; sự thiếu giao tiếp hiệu quả dẫn đến có khoảng cách giữa Liên hiệp Hội với cộng đồng khoa học và giới trí thức, đặc biệt là trí thức trẻ; nhận thức của công chúng về Liên hiệp Hội còn hạn chế.
"Liên hiệp hội cần có một chiến lược toàn diện nhằm nâng cao hình ảnh. Cần thiết lập mối quan hệ đối tác với các tổ chức xã hội, cơ quan chính phủ, doanh nghiệp để tạo cơ hội hợp tác lớn hơn, từ đó tăng cường sự nhận diện và uy tín của Liên hiệp Hội trên phạm vi quốc gia và quốc tế", ông Lê Nghiêm nói.
Ngoài ra, ông Lê Nghiêm cho rằng báo chí Liên hiệp Hội cần nâng cao vai trò phản biện chính sách công. Báo chí của Liên hiệp Hội phải phân tích, đánh giá và đưa ra ý kiến, quan điểm về các chính sách công quan trọng, tạo sự tin tưởng từ cộng đồng khoa học và giới trí thức, tạo cơ hội cho các diễn đàn đối thoại tích cực, có tổ chức và mang tính xây dựng.
"Phản biện để phát hiện cái sai khi người ta chưa làm, ngăn ngừa cái sai khi người ta đang làm. Đây là sứ mệnh của Liên hiệp Hội", ông Lê Nghiêm nhấn mạnh.
Đồng tình với các giải pháp của TS nhà báo Lê Nghiêm, nhà báo Trần Trọng An, Phó Tổng biên tập tạp chí điện tử Gia đình mới, nói rằng một tổ chức được nhiều người biết đến không chỉ nhờ hoạt động chuyên môn mà quan trọng là phải có hoạt động truyền thông mạnh mẽ. Nhà báo Trần Trọng An gợi ý Liên hiệp Hội bổ nhiệm một Đại sứ truyền thông. Đây là người có nhiệm vụ quảng bá, tạo dựng hình ảnh cho Liên hiệp hội. Vị đại sứ này cũng sẽ xây dựng thông điệp tuyên truyền hướng tới các nhóm công chúng khác nhau (nhà khoa học, giới sinh viên...)
Ngoài ra, theo nhà báo Trần Trọng An, ban truyền thông cần đàm phán với các báo, tạp chí trực thuộc cho phép đặt logo của Liên hiệp Hội lên website của họ để tăng độ nhận diện. Song song với đó là lập các nhóm Zalo giữa các thành viên để chia sẻ kịp thời các tin tức, hoạt động của các đơn vị. Các tạp chí có thể miễn phí truyền thông cho Liên hiệp Hội hoặc Liên hiệp Hội có thể trích ngân sách trả cho các tạp chí để tăng cường hiệu quả truyền thông.
PGS TS Phạm Bích San, Viện trưởng Viện Nghiên cứu xã hội và các vấn đề phát triển, đã nêu lại quá trình "thăng" và "trầm" trong cả giai đoạn phát triển của Liên hiệp Hội từ trước tới nay. Theo ông San, những năm từ 2002 đến 2012 là giai đoạn thăng hoa của Liên hiệp Hội, nhờ làm được 4 việc sau: Thứ nhất là đã hình thành được hàng trăm các tổ chức khoa học và công nghệ ngoài công lập, các think tank, quản lý được khối lượng công việc đồ sộ với bộ máy nhân viên rất khiêm nhường về số lượng. Thứ hai là tư vấn phản biện xã hội theo tiêu chuẩn hiện đại.
Thứ ba là số lượng báo chí của Liên hiệp Hội thời kỳ đó khá nhiều, không phải báo chí bao cấp và đáp ứng được nhu cầu xã hội đa dạng của thời kinh tế thị trường định hướng XHCN,. Nhiều chủ đề và cách tiếp cận thông tin trên báo chí Liên hiệp Hội có tính khai mở và mới mẻ, hiện đại nên thu hút người đọc. Thứ tư là quan hệ quốc tế, Liên hiệp Hội đã khai thác được các nguồn tài trợ trên thế giới không qua con đường nhà nước.
Giai đoạn từ 2012 đến nay, Liên hiệp Hội trải qua quãng trầm bởi nhiều nguyên nhân, trong đó có cơ chế quản trị hành chính. PGS TS Phạm Bích San nói rằng để cải thiện hình ảnh của Liên hiệp Hội lúc này không có gì hiệu quả hơn là xây dựng một chiến dịch truyền thông bài bản dựa trên một số hoạt động phản biện chính quy có thể tác động rộng lớn đến xã hội.
"Liên hiệp Hội, cũng như bất cứ tổ chức nào do con người tạo ra, trong sự phát triển của mình đều có thể trải qua những sự thăng trầm khác nhau. Tất cả những sự thăng trầm này tùy thuộc vào chúng ta, những người làm khoa học thích ứng và tiến hóa như thế nào cùng với sự phát triển chung của xã hội", ông Phạm Bích San chia sẻ.
Theo ông Vũ Xuân Bân, Phó Tổng biên tập Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển, để chiến lược truyền thông cho Liên hiệp Hội được hiệu quả, cần phải nâng cao sự chỉ đạo của Liên hiệp Hội nhiều hơn nữa. Ông cho rằng việc lãnh đạo Liên hiệp Hội gặp gỡ các đơn vị báo chí thành viên với tần suất 6 tháng một lần là hơi ít. Ông đề xuất tổ chức gặp gỡ 3 tháng một lần hoặc mời báo chí tới tham dự trong các sự kiện lớn. Nếu các đơn vị báo chí thành viên thường xuyên nắm được thông tin chỉ đạo từ Liên hiệp Hội thì sẽ tránh được những sai sót trong việc đưa tin.
Ngoài ra, với số lượng 70 cơ quan báo chí thành viên, ông Vũ Xuân Bân đề xuất Liên hiệp Hội tổ chức giải báo chí về khoa học công nghệ để tôn vinh các nhà báo và cơ quan báo chí thành viên.
Một kiến nghị nữa là Liên hiệp Hội hướng dẫn cơ quan báo chí thành viên tiếp cận các nguồn tài trợ, dự án, doanh nghiệp; được hỗ trợ tập huấn đào tạo chuyên môn về nghiệp vụ báo chí; hỗ trợ tài chính cho những tờ báo trọng điểm của Liên hiệp Hội.
Tán thành sáng kiến của ông Vũ Xuân Bân, ông Lê Thanh Tùng, trưởng ban truyền thông của Liên hiệp Hội nói rằng sẽ nghiên cứu tổ chức giải này và có thể lấy tên là giải báo chí Trần Đại Nghĩa.
Giáo sư Nguyễn Ngọc Phú – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tâm lý giáo dục Việt Nam cho rằng Liên hiệp Hội cần tập hợp một đội ngũ chuyên gia đầu ngành và thường xuyên tổ chức gặp gỡ, từ các buổi gặp gỡ có thể nảy sinh các sáng kiến hoặc thảo luận các vấn đề cần phản biện. Việc phản biện chỉ cần làm tốt một vài lần thì sẽ tạo tiếng vang cho Liên hiệp Hội. "Cứ làm đúng pháp luật, đúng chủ trương của Đảng thì không có gì phải sợ phản biện. Bộ, ngành nào làm sai thì chúng ta phải nói", ông Phú nhấn mạnh.
PGS TS Trương Mạnh Tiến – nguyên Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường, Tổng biên tập tạp chí Kinh tế môi trường nói rằng cần tổ chức nhiều "hội nghị Diên Hồng" về khoa học công nghệ. Những hội nghị này sẽ thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội đến hoạt động của Liên hiệp Hội.
Ông Phạm Văn Khánh, người phụ trách truyền thông của Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Kinh tế - Bộ Xây dựng, nói rằng để truyền thông tốt phải có chất liệu tốt, nắm rõ truyền thông đến ai, truyền thông như thế nào. Dựa trên kinh nghiệm phản biện chính sách của Tổng hội Xây dựng, ông Khánh đề xuất Liên hiệp Hội cần chủ động trong công tác phản biện chính sách và truyền thông.
Phát biểu kết luận hội thảo, PGS TS Phạm Ngọc Linh, Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội khẳng định hội thảo đã thành công tốt đẹp, Các đại biểu tham gia đã thể hiện được tiếng nói của mình, đóng góp được ý kiến xây dựng cho hội thảo. Đã có 7 tham luận và 5 ý kiến trao đổi thảo luận, tất cả đều hướng đến làm thế nào để tới đây công tác truyền thông về các hoạt động và hình ảnh của Liên hiệp Hội ngày càng hiệu quả hơn, khẳng định được với công chúng Liên hiệp Hội là một tổ chức chính trị xã hội tập hợp trí thức khoa học công nghệ trong và ngoài nước, đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ an ninh, chủ quyền quốc gia.
Ông Phạm Ngọc Linh nói rằng Liên hiệp Hội phải là chủ công trong việc tập hợp trí thức. Các hoạt động của Liên hiệp Hội phải thể hiện được là những hoạt động riêng có, đặc trưng; Phải xây dựng một chiến lược truyền thông chất lượng hiệu quả, phải có tính minh bạch trong thông tin và có sự kết nối giữa các thành viên trong Liên hiệp Hội.
Cuối cùng, ông Linh nhấn mạnh rằng ban tổ chức sẽ lĩnh hội các giải pháp nêu ra trong hội thảo hôm nay và báo cáo lại với thường trực Ban chủ tịch để có những sửa đổi trong hoạt động của Liên hiệp Hội trong thời gian tới.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu