“Công khai bệnh án, Bệnh viện FV có dấu hiệu xâm phạm quyền hiến định“

VietTimes – Vụ án Bệnh viện (BV) FV khởi kiện bệnh nhân đã tạm thời khép lại nhưng vấn đề về quyền con người trong bản án cần phải làm rõ.

 

Để ngăn chặn thiệt hại do bệnh nhân gây ra, bệnh viện FV đã công khai bệnh án của bệnh nhân.
Để ngăn chặn thiệt hại do bệnh nhân gây ra, bệnh viện FV đã công khai bệnh án của bệnh nhân.

"BV có dấu hiệu xâm phạm quyền con người"

“Bệnh viện (BV) FV có quyền thực hiện các hành động để ngăn chặn thiệt hại do bệnh nhân gây ra. Tuy nhiên, các hành động đó không được xâm phạm quyền con người được quy định trong Hiến pháp - văn bản có giá trị tối cao” – đó là nhận định của thạc sĩ Lưu Đức Quang, giảng viên Luật Hiến pháp - Trường Đại học Kinh tế - Luật  thuộc Đại học quốc gia TP. HCM.

Lật lại vụ việc, ngày 21/10, Tòa án Nhân dân (TAND) Quận 7 tuyên án vụ BV FV kiện bệnh nhân của chính mình. Theo đó, Tòa tuyên bệnh nhân là bà N.T.M.C phải bồi thường cho BV FV 13.9 triệu đồng và xin lỗi công khai trên 3 tờ báo.

Hội đồng xét xử (HĐXX) không chấp nhận yêu cầu phản tố của bà C. là buộc BV phải bồi thường và xin lỗi vì đã công khai bệnh án mà không có sự đồng ý của bà.

Bệnh nhân N.T.M.C tại phiên tòa ngày 16/10
Bệnh nhân N.T.M.C tại phiên tòa ngày 16/10

Chủ tọa phiên tòa nhận định hành động công khai bệnh án của BV là biện pháp hợp lý nhằm ngăn chặn thiệt hại mà bệnh nhân đã gây ra.

Vì trong bài viết của bệnh nhân đã đính kèm các hình ảnh kết quả khám chữa bệnh, đơn thuốc và được cộng đồng mạng chia sẻ rộng rãi nên đây không còn là bí mật cá nhân của bệnh nhân.

Xoay quanh phán quyết của TAND quận 7, đã có nhiều ý kiến trái chiều. Thạc sĩ Lưu Đức Quang nhận định: “BV FV đã vi phạm khoản 1 Điều 21 Hiến pháp năm 2013 và Điều 38 Bộ luật Dân sự năm 2015".

Phân tích về sai phạm của BV FV, ông Lưu Đức Quang cho biết: "Quyền con người được quy định trong Hiến pháp là thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Theo Hiến pháp, mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn.

Thể chế hóa nội dung của Hiến pháp, khoản 2 điều 38 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác.

Do vậy, việc BV công bố bệnh án của bệnh nhân khi chưa có sự đồng ý của họ là xâm phạm quyền về đời sống riêng tư, quyền bí mật cá nhân đã được hiến định và luật định.

Chủ tọa phiên tòa tuyên án vụ việc BV FV khởi kiện bệnh nhân của mình vào ngày 21/10
Chủ tọa phiên tòa tuyên án vụ việc BV FV khởi kiện bệnh nhân của mình vào ngày 21/10

Trong trường hợp này, khi thấy mình bị xâm phạm về quyền lợi, BV FV có quyền áp dụng Điều 362 Bộ luật dân sự 2015, áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để thiệt hại không xảy ra hoặc hạn chế thiệt hại cho mình. Tuy nhiên, các hoạt động này không được trái với quy định của Hiến pháp”.

Đồng thời, trong vụ việc này, bà C. đã đăng các hình ảnh đơn thuốc, kết quả thăm khám của bác sĩ và che tên của mình... thì đây chỉ là một phần của bệnh án.

Do đó, không thể lấy lý do bệnh nhân đã đăng một phần của bệnh án được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội, thì BV có quyền công bố cả bệnh án đầy đủ của bệnh nhân.

Ông Lưu Đức Quang cũng cho rằng: “Dù bà C. có đăng nguyên bệnh án của mình trên trang cá nhân và được cộng đồng chia sẻ rộng rãi, thì BV vẫn không có quyền công bố bệnh án của bệnh nhân, nếu bệnh nhân không cho phép. Nếu công bố, BV phải viện dẫn theo những hình ảnh đã được đăng tải công khai trên trang cá nhân của bà C”.

Vụ kiện lịch sử trong ngành Y tế Việt Nam

Vụ án BV FV kiện bệnh nhân của chính mình là bà N.T.M.C đã đi vào lịch sử ngành Y tế Việt Nam.

Lần đầu tiên có một BV “dám” kiện bệnh nhân của mình do nhận thấy bệnh nhân đã xâm phạm đến quyền và lợi ích của BV. Đồng thời, bệnh nhân cũng đã phản tố khi nhận thấy BV đã xâm phạm đến quyền, lợi ích của mình.

Điều này cho thấy sự tiến bộ, văn minh trong mối quan hệ giữa BV và bệnh nhân, góp phần hoàn thiện công tác khám, chữa bệnh và thái độ của bệnh nhân đối với đội ngũ làm công tác y khoa.

Cụ thể, khi nhận thấy bà N.T.M.C đăng trên trang cá nhân với tiêu đề “Khi bạn có thai nhưng bệnh viện nói không và cho thuốc phá thai để đẩy dịch ứ” làm ảnh hưởng đến uy tín khám chữa bệnh của BV FV nên đã khởi kiện bệnh nhân của mình. Đồng thời, BV FV đã thành lập Hội đồng chuyên môn cấp cơ sở, tổ chức họp báo, công bố bệnh án của bệnh nhân để chứng minh mình thực hiện đúng kỹ thuật.

Sau đó, bệnh nhân đã phản tố, yêu cầu BV FV phải bồi thường thiệt hại và xin lỗi do đã công khai bệnh án của chính mình, xâm phạm quyền riêng tư.

Sau nhiều tháng xét xử và nghị án lâu dài, TAND Quận 7 tuyên bệnh nhân phải bồi thường cho BV 13.9 triệu đồng và xin lỗi công khai. Đồng thời, HĐXX không chấp nhận yêu cầu phản tố của bệnh nhân.

Khi vụ án tạm thời khép lại, dư luận đã đặt ra nhiều vấn đề trong bản án. Bệnh nhân cũng cho hay, không đồng ý với phán quyết và sẽ yêu cầu phúc thẩm vụ án.