Con đường làm giàu của tỷ phú đứng sau Sea Group - công ty mẹ Shopee và Garena

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Đứng sau thành công của Sea là nhà sáng lập và CEO Forrest Li – người hiện sở hữu khối tài sản trị giá 17,5 tỷ USD và là một trong những người giàu nhất Singapore.

Từ người nghiện game đến ông chủ công ty game

Forrest Li, tên thật là Li Xiaodong, sinh ra và lớn lên tại Thiên Tân, học đại học ở Thượng Hải (Trung Quốc). Cái tên Forrest được Li lựa chọn dựa trên một nhân vật trong bộ phim Forrest Gump.

Thời đại học, Forrest Li rất nghiện game. Ông thường chơi game xuyên đêm tại một quán cafe Internet. Sau khi tốt nghiệp, Li làm việc tại Motorola Solutions và Corning ở Trung Quốc. Tuy nhiên, ông cho rằng tương lai của mình sẽ bị hạn chế khi chỉ ngồi văn phòng, vì vậy quyết định đăng ký khóa thạc sĩ quản trị kinh doanh tại Đại học Stanford.

Tháng 6/2005, ông đến tham dự buổi lễ tốt nghiệp của bạn gái. Tại đây, Li được nghe bài thuyết trình của đồng sáng lập Apple Steve Jobs với câu nói nổi tiếng "Stay hungry, stay foolish" (Hãy luôn khát khao, hãy cứ dại khờ). Trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg năm 2016, Li cho biết ông đã nghe đi nghe lại bài phát biểu đó trong nhiều tháng. "Nó giúp tôi có đủ dũng cảm để làm cái tôi đang làm bây giờ", ông nhớ lại.

Forrest Li, nhà sáng lập Sea. Ảnh: Forbes Asia
Forrest Li, nhà sáng lập Sea. Ảnh: Forbes Asia

Năm 2009, Li thành lập công ty tại Singapore với tên gọi Garena, chuyên cung cấp game online. Ban đầu, công ty chỉ có 10 nhân viên, ngồi trong một căn nhà phố thương mại nhỏ ở trung tâm Singapore.

Thành công sớm đến với Garena khi startup này thu hút được nhiều khoản đầu tư và nhanh chóng mở rộng. Từ căn nhà nhỏ bé ở đường Maxwell, Garena chuyển trụ sở tới một căn penthouse hai tầng rộng rãi.

Theo Forrest Li, thành công của Garena xuất phát từ việc công ty này sớm nhận ra những nhu cầu chưa được đáp ứng của cộng đồng người hâm mộ trò chơi điện tử ở Đông Nam Á vào đầu thập niên 2010.

Thời đó, các game lớn, nổi tiếng tại những thị trường như Mỹ và Trung Quốc không có mặt tại Đông Nam Á. Đồng thời, nhiều game thủ của khu vực này cũng không hiểu được những trò chơi tiếng Anh. Forrest Li nói rằng Garena muốn kết nối các game thủ trên phạm vi toàn cầu.

Công ty này xác định các game tương tác đã trở thành mô hình giải trí quan trọng với giới trẻ và sớm vượt qua radio, tivi và thậm chí cả phim ảnh. Từ đó, Garena lùng sục khắp các thành phố, thị trấn và quán cà phê Internet trong khu vực để tìm hiểu nhu cầu của người chơi, loại trò chơi mà họ quan tâm nhất và cách đưa trò chơi từ khắp nơi trên thế giới đến những người này.

Forrest Li thừa nhận, khởi đầu của Garena diễn ra không hề dễ dàng. “Về cơ bản, không ai thực sự coi Đông Nam Á là một cơ hội đầu tư hứa hẹn. Chúng tôi phải dùng tiền túi và một ít từ gia đình, bạn bè. Đó là cách chúng tôi bắt đầu", ông nói.

Xây dựng đế chế tỷ USD và trở thành tỷ phú

Năm 2014, nhận ra tỷ lệ sử dụng smartphone và truy cập Internet trong khu vực tăng lên, Garena đã nảy ra ý tưởng tự phát triển game. Li thành lập một studio game ở Thượng Hải và chuyển từ phát triển game trên PC sang phục vụ riêng cho điện thoại di động. Hai năm sau, Garena tung ra thị trường tựa game đình đám Free Fire. Theo giới thiệu trên trang web công ty này, Free Fire là game di động được tải nhiều nhất thế giới năm 2019 và 2020.

Thành công từ mảng game giúp Garena thu hút được đầu tư từ nhiều tập đoàn lớn trên thế giới. Một trong những nhà đầu tư lớn nhất của công ty này chính là “gã khổng lồ” công nghệ Trung Quốc Tencent.

Năm 2017, Garena được đổi tên thành Sea, cho thấy tham vọng của Forrest Li tại Đông Nam Á. Dù vậy, ông vẫn giữ Garena làm tên riêng của nhánh game và giải trí kỹ thuật số của tập đoàn này.

Bên cạnh mảng game, Sea cũng nhảy vào lĩnh vực thương mại điện tử và cho ra mắt Shopee năm 2015. Hầu hết các sàn sàn thương mại điện tử vào thời điểm đó đều tập trung vào các trang web, trong khi Shopee muốn cung cung cấp nền tảng di động, lấy ứng dụng làm trọng tâm.

Một chiến lược quan trọng khác mà Shopee triển khai là chinh phục các thị trường địa phương bằng cách bản địa hóa và tùy chỉnh ứng dụng theo từng khu vực. Theo báo cáo của iPrice và SimilarWeb, Shopee là sàn thương mại điện tử có lượng truy cập website trung bình cao nhất Đông Nam Á năm 2020.

Game, thương mại điện tử và thanh toán online là 3 mảng kinh doanh cốt lõi của Sea. Ảnh: Reuters
Game, thương mại điện tử và thanh toán online là 3 mảng kinh doanh cốt lõi của Sea. Ảnh: Reuters

Bên cạnh lĩnh vực giải trí kỹ thuật số và thương mại điện tử, Sea Group còn tập trung vào mảng kinh doanh thứ ba là thanh toán online với nền tảng SeaMoney. Các dịch vụ và sản phẩm của SeaMoney được cung cấp thông qua AirPay, ShopeePay, SPayLater và các thương hiệu khác trong khu vực.

Tại Việt Nam, Sea được cho là đã mua lại 82% cổ phần của Foody trong một thương vụ trị giá 64 triệu USD vào năm 2017. Ngày hôm qua (18/8), ứng dụng giao đồ ăn Now của Foody đã đổi tên thành ShopeeFood. Cách đây không lâu, Shopee cũng thông báo đổi tên ví điện tử AirPay thành ví ShopeePay.

Sea chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trên sàn giao dịch chứng khoán New York (Mỹ) năm 2017. Đến năm 2019, tài sản của nhà sáng lập Forrest Li cán mốc 1 tỷ USD. Theo thống kê của Forbes, Forrest Li hiện sở hữu khối tài sản trị giá 17,5 tỷ USD và là một trong những người giàu nhất Singapore. Ngoài Li, hai đồng sáng lập khác của Sea là Gang Ye và David Chen cũng là tỷ phú.

Sea Group kinh doanh ra sao trong đại dịch?

Hôm 17/8, Sea công bố kết quả kinh doanh quý II với doanh thu đạt 2,28 tỷ USD, tăng 158% so với cùng kỳ năm trước. Dù vậy, công ty này vẫn ghi nhận lỗ ròng lên tới 433 triệu USD, tăng so với khoản lỗ 393 triệu USD của quý II/2020.

Theo Nikkei, đây là kết quả của việc Sea theo đuổi các chiến lược marketing mạnh mẽ để cạnh tranh với những đối thủ khác trong khu vực như Grab hay GoTo Group. Chi cho hoạt động bán hàng và marketing của công ty này tăng 138% trong quý II, lên mức 921 triệu USD.

Theo báo cáo tài chính, doanh thu từ hoạt động kinh doanh thương mại điện tử của Sea tăng khoảng 160% so với cùng kỳ năm ngoái lên 1,2 tỷ USD, do có thêm khách hàng mới cũng như thu phí người bán cao hơn. Tuy nhiên, khoản lỗ của mảng này lại tăng gần gấp đôi lên 627 triệu USD.

Kết quả kinh doanh theo quý của Sea. Ảnh: Nikkei
Kết quả kinh doanh theo quý của Sea. Ảnh: Nikkei

Thị trường chính của Sea bao gồm 6 quốc gia Đông Nam Á và Đài Loan (Trung Quốc). Trong quý II, Sea cũng ra mắt các trang web thương mại điện tử ở Chile và Colombia như một phần của việc mở rộng ở thị trường châu Mỹ Latinh. Trước đó, công ty này đã xuất hiện tại Brazil và Mexico. Sea không tiết lộ doanh thu cụ thể theo khu vực địa lý nhưng việc thâm nhập vào các thị trường mới có thể làm tăng thêm chi phí.

Theo Nikkei, cạnh tranh trong lĩnh vực thương mại điện tử của khu vực Đông Nam Á đang thay đổi nhanh chóng. Grab - siêu ứng dụng kết hợp thương mại điện tử, thanh toán, giao hàng và một số tính năng khác - có kế hoạch ra mắt công chúng tại Mỹ vào cuối năm nay thông qua việc sáp nhập với một SPAC (công ty mua lại với mục đích đặc biệt). Qua thương vụ IPO này, Grab kỳ vọng có thể huy động được hơn 4 tỷ USD. Sea và Grab cũng cạnh tranh ở mảng dịch vụ tài chính số.

Tại Indonesia, nền kinh tế lớn nhất khu vực, siêu ứng dụng Gojek và gã khổng lồ thương mại điện tử Tokopedia hợp nhất để thành lập GoTo Group vào tháng 5. GoTo dự kiến IPO tại cả Mỹ và Indonesia. Một công ty thương mại điện tử khác là Bukalapak cũng vừa tiến hành đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng tại Indonesia đầu tháng này.

Theo NDH