Vấn đề khiến giới chuyên gia kinh tế quan tâm hơn cả là liệu điều này có làm ảnh hưởng tới tiến độ quốc tế hóa đồng nhân dân tệ (NDT) của Bắc Kinh?
Những con số báo động
Từ mức đỉnh đạt được ngày 12/6, thị trường chứng khoán Trung Quốc đã “lao dốc không phanh”, mất hơn 32% giá trị, tương đương với mức “bốc hơi” hơn 3.200 tỷ USD và là mức suy giảm nghiêm trọng nhất kể từ năm 1992.
Theo Tập đoàn đầu tư Bespoke của Mỹ, nếu so sánh, con số hơn 3.200 tỷ USD “bốc hơi” của Trung Quốc thì con số này bằng 14 lần tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Hy Lạp, quốc gia vừa tuyên bố vỡ nợ, nhiều hơn quy mô vốn hóa của toàn bộ thị trường chứng khoán Pháp và bằng khoảng 60% so với thị trường Nhật Bản.
Theo các cơ quan truyền thông Trung Quốc, trong ba tuần qua đã có 1.439 công ty, chiếm hơn 50% số công ty niêm yết và gần 50% giá trị vốn hóa thị trường đã phải tuyên bố tạm ngừng giao dịch.
Các biện pháp tức thời để cứu vãn thị trường đã liên tục được chính quyền Bắc Kinh tung ra. Ủy ban Chứng khoán Trung Quốc (CSRC) đã cấm các cổ đông lớn và quan chức điều hành cấp cao của các công ty niêm yết trên sàn chứng khoán bán cổ phần trong vòng 6 tháng tới.
Lệnh cấm được áp dụng đối với các cổ đông lớn - được xác định là những người sở hữu cổ phần trên 5% - như các giám đốc và quan chức điều hành cấp cao của công ty. Bất cứ hành vi nào vi phạm quy định này sẽ bị xử lý “nghiêm khắc”.
Giới chức cũng “khuyến khích” những cổ đông lớn và quan chức điều hành cấp cao của công ty tăng tỷ lệ cổ phần mà họ đóng góp. Các công ty bảo hiểm được phép đầu tư thêm tài sản trong các thị trường chứng khoán và triển khai chương trình mua cổ phiếu của các công ty nhỏ hơn.
Trong khi đó, các công ty chứng khoán lớn, dưới sự khuyến khích của Chính phủ Trung Quốc, đã tích cực mua vào một lượng lớn cổ phiếu của các tập đoàn quốc doanh.
Hàng loạt chính sách giải cứu thị trường chứng khoán của Trung Quốc đã phần nào phát huy tác dụng. Tuy nhiên, một số chính sách giải cứu vượt quy tắc thông thường mặc dù đã ổn định được thị trường chứng khoán song cần phải được bắt đầu tiến hành đánh giá ảnh hưởng đối với thị trường tài chính.
Tác động ngoài mong muốn
Sau nhiều năm tập trung tăng cường vị thế của đồng NDT, Trung Quốc đã ký hợp đồng hoán đổi tiền tệ với gần 30 nước và có ngân hàng thanh toán tại gần 10 quốc gia.
Mục tiêu của họ là NDT được chấp nhận làm đồng tiền thanh toán, đầu tư và dự trữ tại nhiều khu vực trên thế giới. Chính vì vậy, điều Trung Quốc cần quan tâm sau những hành động giải cứu thị trường được ghi vào sử sách này là tiến độ quốc tế hóa đồng NDT liệu có bị kéo chậm lại hay không?
Hiện nay, nếu so sánh giá trị của thị trường chứng khoán Trung Quốc với quy mô kinh tế to lớn của nước này, có thể nói thị trường chứng khoán không gây ảnh hưởng lớn đối với kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, cơn địa chấn vừa qua đã làm mất uy tín của thị trường tài chính nội địa, từ đó tác động trực tiếp tới đồng nội tệ.
Trong bối cảnh thực thể kinh tế không được chống đỡ và các nền kinh tế ngoại vi dồn dập phá giá để kích thích xuất khẩu, trong một thời gian ngắn tỷ giá hối đoái đồng NDT chắn chắn sẽ chịu áp lực sụt giá tương đối lớn.
Cho dù sự sụt giá trong thời gian ngắn không ảnh hưởng tới ý muốn nắm giữ đồng NDT trong thời gian dài của người dân, song vấn đề đáng quan tâm là chính sách giải cứu thị trường chứng khoán của Trung Quốc bị các nhà đầu tư nước ngoài coi là điển hình của việc can thiệp vào thị trường, khiến các nhà đầu tư bắt đầu lo ngại về mức độ mở cửa tài chính của nước này.
Khi đồng NDT mất giá, với tư cách là tiêu chí mở cửa thị trường tài chính của Trung Quốc, tiến độ quốc tế hóa đồng NDT nên chậm lại. Một mặt, Trung Quốc cần khôi phục lòng tin, uy tín trên thị trường vốn quốc tế, mặt khác, Bắc Kinh cũng cần học hỏi chính sách và tư duy giám sát, quản lý của thị trường vốn.
Tiến độ quốc tế hóa NDT
Từ năm 2004, Trung Quốc bắt đầu cho phép các cá nhân mở tài khoản bằng NDT ở Hong Kong (Trung Quốc). Năm 2009, London là cái tên tiếp theo. Trung Quốc cũng thử nghiệm thanh toán NDT trong các giao dịch quốc tế tại 5 thành phố lớn và phạm vi thí điểm bên ngoài là Hong Kong, Macau và các nước ASEAN. Đến tháng 6.2010, chương trình thí điểm được mở rộng tới 20 tỉnh của Trung Quốc và các nước còn lại trên thế giới.
Đến giữa năm 2012, cả Hong Kong và London đã trở thành hai trung tâm NDT ở nước ngoài cho một loạt tổ chức và doanh nghiệp. Một năm sau, Singapore trở thành trung tâm kế tiếp khi Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC) được chỉ định thanh toán bằng đồng NDT tại đây. Thành quả là nếu như năm 2009, các giao dịch bằng NDT xuyên biên giới chỉ đạt 3,58 tỷ NDT, thì 3 quý đầu năm 2014, con số này là 4.800 tỷ NDT. Giao dịch bằng NDT đã phủ gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Theo daibieunhandan.vn