Cổ phiếu ngân hàng lên ngôi, ‘tân binh’ gây bất ngờ lớn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Có 25/26 cổ phiếu ngân hàng đang niêm yết đều tăng giá từ đầu năm 2021 đến nay, điều đó phần nào phản ánh sức hấp dẫn của ‘cổ phiếu vua’ trên thị trường chứng khoán.

Tuần 24/5 – 28/5/2021, VNIndex tiếp tục lập kỷ lục mới về cả thanh khoản và điểm số. Chỉ số này đóng cửa tuần thứ 22 của năm 2021 với 4 phiên tăng điểm, 1 phiên giảm điểm, có thêm 36,53 điểm tương đương 2,85%, dừng lại ở mức 1.320,46 điểm.

Theo thống kê của Fiintrade, thanh khoản trung bình một phiên trên sàn HOSE tiếp tục duy trì mức cao nhất lịch sử, đạt 22.758 tỉ đồng, tăng 3,67% so với tuần trước đó.

Thanh khoản của thị trường chứng khoán tăng mạnh, như VietTimes từng nhiều lần đề cập trước đó, là nhờ dòng vốn từ các ‘nhà đầu tư F0’. Trong khi đó, đà tăng của chỉ số VNIndex có sự đóng góp không nhỏ của khối ngành ngân hàng, với nhiều mã cổ phiếu có quy mô vốn hoá lớn, có sức lan toả tới toàn thị trường.

Theo thống kê của VietTimes, tính từ ngày 4/1 – 28/5/2021, ngoại trừ cổ phiếu BID, có tới 25/26 mã ngân hàng đang niêm yết tăng giá. Còn tính riêng trong 1 tháng trở lại đây, tất cả các cổ phiếu ngân hàng niêm yết đều tăng giá.

Trong đó, tính đến ngày 28/5, cổ phiếu SSB của Ngân hàng TMCP Đông Nam Á có mức tăng giá tới 144% so với giá tham chiếu (16.000 đồng/cp) khi niêm yết trên sàn chứng khoán (ngày 23/4/2021).

Xét từ đầu năm tới nay, các mã cổ phiếu như LPB, NVB và VPB đều ghi nhận mức tăng giá bằng lần, tiếp đó là các mã cổ phiếu VIB, STB, SHB với mức tăng từ 77% - 96%.

Ngân hàng là một trong số ngành nghề được hưởng lợi từ sự phục hồi của nền kinh tế Việt Nam sau khi tình hình dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát chặt chẽ.

Trong báo cáo mới công bố, BSC cho biết tăng trưởng lợi nhuận Quý 1/2021 của ngành ngân hàng đến từ nhiều yếu tố thuận lợi, như sự phục hồi về cho vay, tối ưu hóa nguồn huy động giúp giảm chi phí vốn, sự phục hồi tăng trưởng thu ngoài lãi và tiết giảm chi phí. Bên cạnh đó, lo ngại về trích lập dự phòng cũng giảm bớt khi các khoản nợ tái cơ cấu giảm mạnh.

Cũng theo số liệu của BSC, tính đến ngày 25/5/2021, P/B forward của toàn ngành ngân hàng đã đạt mức 1.8x.

Nguyên nhân, theo BSC, chủ yếu là do (1) tốc độ tăng trưởng cao giúp ngành ngân hàng được nhà đầu tư chấp nhận mặt bằng giá cao hơn, (2) các catalyst trong năm 2021 giúp đánh giá lại giá trị và (3) lãi suất vẫn tiếp tục ở mức thấp giúp mặt bằng định giá toàn thị trường (trong đó có ngành ngân hàng) cao hơn. Trong đó, các ‘catalyst’ đáng chú ý như (1) lên sàn và chuyển sàn, (2) bán một phần công ty con và ký hợp đồng bancassurance là những nhân tố giúp ngành ngân hàng có thể thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.

Do đó, BSC đã nâng kỳ vọng định giá (P/B) của toàn ngành ngân hàng lên 2x làm cơ sở cho các khuyến nghị trong năm 2021./.