Xuất khẩu và đầu tư công là động lực tăng trưởng của xi măng
Trong vòng nửa tháng qua, nhiều cổ phiếu nhóm xi măng có bước tăng giá ấn tượng sau chuỗi giảm giá trước đó. Như cổ phiếu của Xi măng Vicem Hà Tiên (HoSE: HT1) tăng giá từ vùng 15.000 đồng/cp lên 18.000 đồng/cp, tăng 20%; BCC của Xi măng Bỉm Sơn tăng từ 9.600 đồng/cp lên 14.300 đồng/cp, tăng 49%; BTS của Xi măng Vicem Bút Sơn tăng từ 28% từ 5.700 đồng/cp lên 7.300 đồng/cp; HOM của Xi măng Vicem Hoàng Mai tăng 24% từ 4.100 đồng/cp lên 5.100 đồng/cp.
Nguồn: TradingView |
Theo thông tin từ Bộ Công Thương, bất chất diễn biến dịch bệnh Covid-19, xuất khẩu ngành xi măng ghi nhận cao nhất từ trước đến nay. 7 tháng đầu năm, ngành xi măng xuất khẩu 24,35 triệu tấn xi măng, clinker, trị giá 945 triệu USD, tăng 23,7% và 28,7% so với cùng kỳ năm trước. Riêng tháng 7, xuất khẩu đạt 3,35 triệu tấn, tăng 6,4%; giá trị 133 triệu USD, tăng 11,7%.
Nguyên nhân xuất khẩu xi măng tăng mạnh là nhờ Trung Quốc thay đổi chính sách đầu tư đối với ngành này, giới hạn và giảm dần các nhà máy xi măng (chủ yếu vì mục đích môi trường), tăng nhập clinker từ nước ngoài, đặc biệt từ Việt Nam.
Xuất khẩu tiếp tục là động lực tăng trưởng cho ngành xi măng khi mà tiêu thụ nội địa chững lại do lĩnh vực xây dựng trong nước bị đình trệ bởi đợt dịch Covid-19 bùng phát từ cuối tháng 4. Theo Hiệp hội Xi măng Việt Nam, sản lượng tiêu thụ xi măng 5 tháng đạt 44 triệu tấn, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2020. Riêng xuất khẩu chiếm 41% và tăng 39%; tiêu thụ nội địa chiếm 59% và tăng nhẹ 4%.
Ngoài ra, một động lực khác của ngành xi măng là đầu tư công. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát phức tạp, ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, giải ngân vốn đầu tư công có vai trò, ý nghĩa rất quan trọng, góp phần tạo năng lực sản xuất mới, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2021.
Trong 7 tháng đầu năm, tổng số vốn ngân sách Nhà nước các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đã phân bổ, giao kế hoạch chi tiết cho các dự án đủ điều kiện giải ngân là 398.616 đồng, đạt 86,4% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó, vốn đầu tư công đã giải ngân khoảng 169.335 tỷ đồng, đạt 36,71% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, giảm so với cùng kỳ năm 2020 (40,67%).
Chứng khoán Agriseco đánh giá tăng trưởng kinh tế năm 2021 kỳ vọng được dẫn dắt bởi 3 yếu tố tiêu dùng, xuất nhập khẩu và đầu tư công. Nửa đầu năm, tăng trưởng GDP chỉ đạt mức 5,64%, cao hơn tốc độ tăng 1,82% của 6 tháng đầu năm 2020 nhưng thấp hơn tốc độ tăng 7,05% và 6,77% của cùng kỳ năm 2018 và 2019. Mục tiêu tăng trưởng GDP năm nay là 6% - 6,5%. Trong bối cảnh dịch Covid diễn biến phức tạp thì đẩy mạnh đầu tư công bắt buộc phải trở thành động lực tăng trưởng chính sau khi những đầu kéo như xuất khẩu, tiêu dùng gặp khó. Điều này sẽ tạo ra nhiều cơ hội trên thị trường chứng khoán trong nửa cuối năm nay và năm 2022.
Các dự án trọng điểm triển khai giai đoạn 2021-20215 gồm cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ, 11 dự án thành phần tuyến cao tốc Bắc Nam, mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất/Nội Bài, sân bay quốc tế Long Thành giai đoạn 1…
Biên lợi nhuận gộp giảm, lãi ròng cải thiện nhờ tiết giảm chi phí
Quy mô sản xuất xi măng của Việt Nam đứng thứ 5 thế giới chỉ sau Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ và Nga với sản lượng khoảng 110 triệu tấn/năm. Số liệu của Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho thấy sản lượng sản xuất xi măng toàn ngành trong nửa đầu năm đạt 51,1 triệu tấn, tăng 8% so với cùng kỳ 2020. Đây là mức sản lượng sản xuất cao nhất trong 5 năm gần đây và thực hiện được gần 50% kế hoạch năm.
Nhìn chung, năng lực sản xuất xi măng của Việt Nam lớn và dư cung cho nên khó tăng giá bán, cải thiện biên lợi nhuận. Nhiều doanh nghiệp báo cáo doanh thu tăng nhờ sản lượng tăng nhưng biên lợi nhuận gộp giảm, lãi ròng cải thiện nhờ tiết giảm chi phí.
Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) thông tin tổng sản phẩm tiêu thụ nửa đầu năm đạt 14,8 triệu tấn, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước; trong đó tiêu thụ xi măng đạt 12,7 triệu tấn, tăng 8,3%. Doanh thu thuần 16.436 tỷ đồng, tăng 5,2%; lợi nhuận trước thuế 1.250,4 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ 2020 nhờ thực hiện nhiều giải pháp giảm chi phí biến đổi.
Trong quý III và nửa cuối năm, lãnh đạo Vicem đánh giá dịch bệnh diễn biến phức tạp, nguồn cung xi măng tiếp tục duy trì ở mức cao, tiêu thụ xi măng bị ảnh hưởng do bước vào mùa mưa bão. Thị trường xuất khẩu dự kiến tốc độ tăng trưởng không cao như quý II và nửa đầu năm. Bởi vậy, mục tiêu sản xuất tiêu thụ quý III là 7,9 triệu tấn sản phẩm, riêng xi măng 6,7 triệu tấn; doanh thu thuần 8.890 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 428,5 tỷ đồng.
Đơn vị: tỷ đồng |
Xi măng Hà Tiên 1 (HoSE: HT1) báo cáo doanh thu quý II tăng 13% lên 2.260 tỷ đồng; lãi sau thuế tăng 15% lên 240 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp giảm nhẹ nhưng chi phí tài chính giảm mạnh giúp lợi nhuận tăng cao hơn doanh thu. Lũy kế 6 tháng, doanh thu đạt 4.001 tỷ đồng, lãi sau thuế 335 tỷ đồng; tăng 6-7% so với cùng kỳ năm trước.
Theo BCTC quý II, doanh thu Xi măng Bỉm Sơn (HNX: BCC) tăng 9,3% lên 1.187 tỷ đồng; lãi ròng 90 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ năm trước và ghi nhận mức kỷ lục. Biên lãi gộp cải thiện từ 13,9% lên 17,5%. Nhờ vậy, lũy kế nửa đầu năm, lợi nhuận tăng 60% lên 97 tỷ đồng.
Trong khi đó, Xi măng Vicem Bút Sơn (HNX: BTS) ghi nhận doanh thu nửa đầu năm tương đương cùng kỳ năm trước đạt 1.469 tỷ đồng; lãi sau thuế giảm từ 35 tỷ xuống 33 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp giảm từ 12,5% xuống 11,4%.
Xi măng Vicem Hải Vân (HoSE: HVX) cho biết tổng sản lượng tiêu thụ xi măng và clinker tăng 17,8% so với cùng kỳ năm trước giúp doanh thu tăng 13,4% lên 220 tỷ đồng. Song biên lãi gộp giảm từ 8,9% xuống 4,4% khiến cho lợi nhuận giảm 57% xuống 1,2 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng, doanh thu đi ngang và lợi nhuận giảm 50%. Doanh nghiệp lý giải, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 làm cho thu nhập của người dân giảm, việc đầu tư hạ tầng giảm, cạnh tranh giữa đơn vị sản xuất xi măng gay gắt làm giá bán không tăng trong khi chi phí đầu vào tăng.
Lợi nhuận sau thuế doanh nghiệp xi măng. Đơn vị: tỷ đồng |
Theo NDH